16/07/2017 17:16 GMT+7

Myanmar và cú sốc do bùng phát công nghệ, mạng xã hội

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, thị trường công nghệ thông tin Myanmar bùng nổ. Nhưng điều đó cũng kéo theo hệ lụy về mặt thông tin thật giả có thể khiến nhiều người bị sốc. 

Quảng cáo của Telenor, một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang hoạt động tại thị trường bùng nổ Myanmar - Ảnh: Reuters
Quảng cáo của Telenor, một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang hoạt động tại thị trường bùng nổ Myanmar - Ảnh: Reuters

Khi Myanmar bước vào thời kỳ mới của quá trình dân chủ sau chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi năm 2016, một thực tế rằng chính quyền mới vẫn vướng nhiều chỉ trích về nhân quyền.

Bang Rakhine, nơi tập trung đông đảo người Rohingya, là điểm nóng xung đột vũ trang. Còn trên toàn xã hội là một cuộc chiến của Facebook.

“Những người có mưu đồ chính trị hiểu được tác động từ các bài viết thù hận trên Facebook và sử dụng nó ngày càng nhiều hơn. Số lượng lượt chia sẻ, thích và bình luận trên những thông tin sai lệch và giả mạo là rất kinh ngạc

Ma Zar Chi Oo (giám đốc chương trình tại Tổ chức bảo vệ kỹ năng PEN Myanmar Centre)

 

Công nghệ bùng nổ

Báo Myanmar Times ngày 14-7 cho rằng giờ đây Facebook đã trở nên quá phổ biến tại Myanmar cho dù nỗ lực mở cửa mới chỉ mang Internet và mạng xã hội đến gần hơn với người dân đất nước này trong vài năm.

Sự phát triển của ngành di động, mạng xã hội, viễn thông... ở Myanmar được đánh giá cực kỳ ấn tượng.

Trước đây, giá điện thoại ở Myanmar cao ngất ngưởng, khiến công cụ này chỉ dành cho người thu nhập cao.

Theo Bloomberg thì đó là lý do mà số người sử dụng điện thoại ở Myanmar chỉ cao hơn Triều Tiên. 

Năm 2012, tỉ lệ sử dụng điện thoại di động ở Myanmar chỉ là 4%, nhưng năm 2016 thì con số này tăng vọt lên 63% dân số.

Trong năm 2015, Myanmar đăng ký thuê bao nhiều hơn bất kỳ một nước nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Hiện nay, theo đánh giá của tạp chí Forbes, giờ đây, xét về tỉ lệ người sở hữu điện thoại và thuê bao trên dân số. Myanmar không thua bất kỳ quốc gia đang phát triển nào. 

Sự phổ biến của điện thoại thông minh nói riêng kéo theo làn sóng phát triển công nghệ, từ đó cùng với chính sách mở cửa của chính phủ đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đổ vào Myanmar để tạo sức mạnh cộng hưởng.

Cú sốc chủ nghĩa cực đoan từ băng đĩa đến Facebook

Theo đà phát triển công nghệ ấy, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã tăng gấp đôi số tài khoản truy cập hằng tháng trong 12 tháng qua, với hơn 9,7 triệu tài khoản, theo Công ty tiếp thị số Amara Digital Marketing Agency, trụ sở ở Yangon.

Với 90% trong tổng số 54 triệu dân sử dụng điện thoại kết nối Internet tính tới tháng 6, có khoảng 60% người dùng Facebook sử dụng mạng xã hội tìm đọc tin tức.

Tuy nhiên, sự bùng nổ đầy hứa hẹn này kèm theo đặc thù từ lịch sử lại tạo ra cho Myanmar một thách thức của những nước đang phát triển Internet bậc nhất thế giới: đó là nội dung kích động và vấn nạn tin giả.

Trước đây, những cuộc “khẩu chiến” và nội dung cực đoan thường được truyền bá xuống tận làng xã qua hình thức băng đĩa. Nhưng Internet đang khiến vấn đề tồi tệ hơn.

Một số chuyên gia lo ngại sự tăng tốc quá nhanh này tạo ra một cú sốc, khi người dân Myanmar chưa thực sự được trang bị tốt nhất để đối đầu với thông tin giả, thông tin một phía do các tổ chức đấu đá nhau truyền bá.

Vấn đề này cũng gắn liền với thực tế rằng Myanmar hiện vẫn có nền tảng truyền thông yếu và tỉ lệ biết đọc viết thấp, theo Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

Điều này đồng nghĩa rất nhiều người tin vào trang Facebook của mình mà không phối kiểm hay nghi ngại.

Như một đại diện của tổ chức phi chính phủ nói với Myanmar Times thì thậm chí “người dùng không thể phân biệt đâu là thực tế và dạng mẩu chuyện tiểu thuyết”.

Dĩ nhiên, đây là miếng mồi ngon cho việc truyền bá thông tin kích động thù hằn.

Nhiều tổ chức giám sát nội dung thù hằn nói với Myanmar Times rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc đang khai thác sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật số ở Myanmar để truyền tải nội dung cổ vũ bạo lực và bôi nhọ dân tộc thiểu số.

Các nhóm giám sát trên cũng mô tả rằng có một khuynh hướng đối lập tôn giáo và chống đối các giá trị đạo đức đang lớn mạnh thông qua mạng xã hội.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên