02/02/2016 09:00 GMT+7

Myanmar đổi thay và hi vọng

QUỲNH TRUNG (Từ Yangon)
QUỲNH TRUNG (Từ Yangon)

TT - Quốc hội mới của Myanmar đã ra mắt với nhiều kỳ vọng từ người dân. Đó cũng là một trọng trách với họ bởi đất nước vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị và đổi mới kinh tế.

 

Các thương hiệu nước ngoài xuất hiện trên panô quảng cáo ở cố đô Yangon. Đất nước Myanmar thời kỳ đổi mới được xem là cơ hội làm ăn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: Q.Trung
Các thương hiệu nước ngoài xuất hiện trên panô quảng cáo ở cố đô Yangon. Đất nước Myanmar thời kỳ đổi mới được xem là cơ hội làm ăn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: Q.Trung

Sáng 1-2, quốc hội mới của Myanmar, nhiệm kỳ 5 năm, đã khai mạc phiên họp đầu tiên ở thủ đô Naypyidaw với hạ viện gồm 430 nghị sĩ nhóm họp.

Trong phiên họp này, các nghị sĩ đã bầu ông U Win Myint thuộc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) làm chủ tịch hạ viện và ông U Ti Khun Myat thuộc Đảng Đoàn kết và phát triển liên bang (USDP) làm phó chủ tịch.

Quốc hội khóa trước đã kết thúc nhiệm kỳ của mình vào ngày 29-1 vừa qua. Dự kiến thượng viện sẽ nhóm họp phiên đầu tiên vào ngày 3-2.

Tôi sẽ ủng hộ bà Suu Kyi chỉ khi bà ấy tạo ra nhiều công ăn việc làm tốt cho người dân

KYAW HSU MON  (nữ phóng viên tờ The Irrawaddy Media ở Yangon)

Nhiệm vụ trước mắt: bầu tổng thống

Đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11-2015 và giành được gần 80% số ghế ở cả hai viện trong quốc hội.

Việc quốc hội mới nhóm họp với sự tham gia của các nghị sĩ NLD được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới trên chính trường Myanmar. Đây là quốc hội do dân bầu đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trọng trách đầu tiên của các vị đại diện dân cử là bầu ra tổng thống mới cho đất nước. Có thể nói cả thế giới đang nhìn xem ai sẽ giữ vị trí này thay cho những lãnh đạo quân đội trước đây.

Những thông tin cho thấy nhân vật được chọn cho vị trí này là Htin Kyaw - phó chủ tịch Quỹ Suu (chuyên cổ xúy cho việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở Myanmar).

Đây là một cái tên khá lạ lẫm nhưng hẳn đó là sự lựa chọn trung dung bởi theo Hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không thể vào vị trí lãnh đạo đất nước một cách chính danh vì có hai con mang quốc tịch Anh cùng chồng người Anh.

Trước đây bà cũng hiểu điều này và từng tuyên bố sẽ đóng vai trò “nhiếp chính” cho người lãnh đạo mới của đất nước.

Ngay cả những “chính trị gia” thuộc Đảng NLD của bà Suu Kyi nay bước vào tòa nhà quốc hội cũng không phải đã nhiều kinh nghiệm.

Thống kê cho thấy trong số 390 nghị sĩ bên NLD chỉ có khoảng 20 người có kinh nghiệm nghị trường.

Ông Khin Maung Myint, nghị sĩ mới của NLD, cảm nhận: “Tôi cứ thấy như mơ khi đặt chân vào tòa nhà quốc hội này.

Hẳn chưa ai từng dám mơ NLD có ngày sẽ thành lập được chính phủ, cả những thành viên Đảng NLD như chúng tôi cũng như thế. Điều này không chỉ gây chấn động ở Myanmar mà còn cả trên thế giới”.

Ngoài vai trò “nhiếp chính” cho tổng thống mới, bà Suu Kyi sẽ chính danh với vai trò thủ lĩnh phe đa số trong hạ viện. Dẫu sao đó cũng là sự hợp lý nhất.

Bà Suu Kyi xuất hiện trên ảnh bìa nhiều tờ báo tại một sạp bán báo vỉa hè ở cố đô Yangon ngày 1-2 - Ảnh: Quỳnh Trung
Bà Suu Kyi xuất hiện trên ảnh bìa nhiều tờ báo tại một sạp bán báo vỉa hè ở cố đô Yangon ngày 1-2 - Ảnh: Quỳnh Trung

Nhiều mong chờ

Có mặt ở Myanmar vào những ngày này mới thấy hầu hết người dân địa phương tôi gặp đều kỳ vọng rất nhiều vào chính phủ mới.

Trên đường từ sân bay vào trung tâm cố đô Yangon, anh tài xế taxi chở tôi cho biết hầu hết người dân Myanmar đều kỳ vọng vào lãnh đạo mới và nhận xét rằng bà Suu Kyi là một nhà lãnh đạo tuyệt vời.

Anh tài xế tuy vậy tâm sự thêm rằng mỗi ngày anh chỉ chở khoảng hai hoặc ba lượt khách từ sân bay do hệ thống đường sá rất tệ và kẹt xe thường xuyên.

Anh mong muốn chính phủ mới đầu tư nhiều hơn, cải thiện đường sá để anh có thể chở nhiều khách hơn, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Cô Kyaw Hsu Mon, nhà báo của tờ The Irrawaddy Media ở Yangon, cũng xác nhận tất cả người dân đều rất hi vọng chính phủ mới sẽ giúp người dân có một tương lai xán lạn hơn.

Tuy nhiên cô cũng hoài nghi không biết chính phủ mới có quyết liệt cải cách được hay không bởi vì quân đội vẫn còn nhiều đại diện trong quốc hội.

“Chúng tôi vẫn đang chờ đợi xem chính phủ mới có thể làm gì cho người dân bởi vì người dân bầu cho NLD khi chưa biết gì nhiều về các hoạt động của NLD. Chúng tôi hi vọng điều tích cực nhưng cũng sẵn sàng cho những tình huống tiêu cực có thể xảy ra” - cô Hsu Mon phân tích.

Nói về bà Suu Kyi, Hsu Mon nhận xét: “Bà ấy là một chính trị gia, do đó bà ấy sẽ hành động theo cách một chính trị gia thường làm. Nhiều người quá trông chờ vào bà Suu Kyi dù bà ấy chỉ là người trần mắt thịt. Tôi sẽ ủng hộ bà Suu Kyi chỉ khi bà ấy tạo ra nhiều công ăn việc làm tốt cho người dân”.

Trong khi đó, cô Shwe Sin Khaing, đang làm cho một tổ chức phi chính phủ, cho biết cô theo dõi sát sao phiên họp đầu tiên của quốc hội mới qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cô khẳng định người dân Myanmar mong muốn chính phủ mới cải thiện mọi lĩnh vực của cuộc sống như giáo dục, chăm sóc y tế, quyền con người, quyền công dân...

“Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào chính phủ mới nhưng quá trình cải cách cần nhiều thời gian bởi vì quân đội đã lãnh đạo đất nước trong nửa thế kỷ qua” - cô Shwe Sin Khaing chia sẻ suy nghĩ của mình.

Còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Cô Harry Mon, phát thanh viên kênh truyền hình Eleven Web TV của Eleven Media Group có trụ sở tại Yangon, mong chờ chính phủ mới sẽ cải cách quyết liệt bởi vì đất nước đang gặp quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết như tỉ lệ thất nghiệp cao, nhiều người dân không có nhà ở, nhiều trẻ em phải bỏ học để đi làm giúp gia đình...

“Chính phủ mới cần lắng nghe tiếng nói của người dân bởi vì tiêu chuẩn sống của người dân đang rất tệ. Nhưng tôi tin tưởng Đảng NLD của bà Suu Kyi sẽ dẫn dắt đất nước đi theo một con đường đúng đắn” - cô Harry Mon bộc bạch.

QUỲNH TRUNG (Từ Yangon)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên