Xe
04/02/2017 11:39 GMT+7

Mỹ triệt hay giúp ôtô Trung Quốc? 

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Các công ty Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn với yêu cầu đặt nhà máy và thuê người Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Đây cũng là thời cơ để các hãng ôtô Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường.

Business Insider cho rằng các hãng xe Mỹ vẫn sẽ chọn sản xuất tại thị trường Trung Quốc để phòng rủi ro suy thoái của ngành công nghiệp này ở Mỹ trong tương lai - Ảnh: Reuters
Business Insider cho rằng các hãng xe Mỹ vẫn sẽ chọn sản xuất tại thị trường Trung Quốc để phòng rủi ro suy thoái của ngành công nghiệp này ở Mỹ trong tương lai - Ảnh: Reuters

Mexico ngày 1-2 công bố thỏa thuận trị giá 212 triệu USD cho phép lắp ráp ôtô Trung Quốc tại bang Hidalgo của nước này.

Thỏa thuận trên được thực hiện giữa Hãng Giant Motors Latinonamerica của Mexico và Hãng sản xuất JAC Motors của Trung Quốc.

AP dẫn lời Thống đốc Hidalgo Omar Fayad nói rằng nhà máy trên sẽ bắt đầu với công suất 11.000 chiếc xe mỗi năm, kỳ vọng tăng lên 40.000 chiếc, tạo ra 1.000 việc làm trực tiếp và 4.500 việc làm gián tiếp.

Động thái này nhằm đa dạng hóa nền kinh tế Mexico, tránh phụ thuộc vào Mỹ - đối tác lớn nhất của Mexico nhưng hiện có mối quan hệ rất căng thẳng.

Khó cho công ty Mỹ

Thỏa thuận hợp tác giữa Mexico và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện có dấu hiệu gây khó khăn cho các công ty Mỹ sản xuất tại Mexico.

Ông Trump nói rằng sẽ đánh thuế 20% lên mặt hàng từ Mexico, dùng số tiền ấy để xây bức tường ngăn biên giới hai nước.

Ngoài ra, ông cũng tuyên bố đánh thuế nặng lên các mặt hàng của Mexico, buộc các công ty Mỹ phải rút nhà máy về đất Mỹ để tạo ra công ăn việc làm trong nước, thay vì đặt tại Mexico.

Thực tế Mỹ hiện chiếm khoảng 80% các mặt hàng xuất khẩu của Mexico. Ngược lại, bản thân Mexico là nước xuất khẩu ôtô thứ tư thế giới sau Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

CNBC cho biết vào năm 2014, Mỹ khẳng định Mexico vượt qua Canada để trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ ở các sản phẩm xe hơi và xe tải.

Điều này cho thấy khi ông Trump đòi đánh thuế nặng ôtô nhập khẩu từ Mexico, hai hãng Ford và General Motors đã gặp rắc rối lớn.

Business Insider trong bài viết hồi tháng 1 cho rằng ông Trump đã tạo ra vấn đề lớn cho ngành công nghiệp ôtô trong tương lai. Lợi nhuận từ các dòng xe thể thao đa dụng (SUV) và xe tải đã bùng nổ tại Mỹ, trong khi các xe nhỏ hơn có phần sụt giảm.

Vì vậy, nhiều hãng sản xuất muốn dời việc chế tạo xe nhỏ sang các khu vực có chi phí sản xuất thấp hơn.

Điều này không khiến người Mỹ mất việc làm, mà đơn thuần giữ lao động Mỹ sản xuất các sản phẩm lợi nhuận nhiều hơn trong khi vẫn tiếp tục duy trì các sản phẩm xe nhỏ - lợi nhuận ít hơn.

Tuy vậy, điều đáng lo là sau nhiều năm mở rộng, thị trường Mỹ có phần bão hòa. Vì thế các hãng xe nếu mở thêm nhà máy ở Mỹ, đó cũng là hành động tương đối khiên cưỡng do lo ngại về tình trạng suy thoái và thừa nhân viên/cơ sở.

Thay vào đó, các hãng xe muốn mở rộng sản xuất tại những thị trường khác, ví dụ như Trung Quốc với 6 năm liền là thị trường xe lớn nhất thế giới - mức tiêu thụ 20 triệu chiếc/năm, so với khoảng 17,55 triệu chiếc tại Mỹ năm 2016.

Giấc mơ toàn cầu của xe Trung Quốc

Ngành xe hơi là một trong những lĩnh vực trọng tâm kế hoạch “Made in China 2025” của Chính phủ Trung Quốc.

Hiện nay, với việc Mỹ tuyên bố đánh thuế đối với các sản phẩm chế tạo từ nước ngoài, đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ cho các hãng xe nội địa của Trung Quốc cạnh tranh.

Lâu nay, nhiều hãng xe nội địa của Trung Quốc đã nỗ lực phát triển lớn mạnh với nhiều cái tên như JAC, Great Wall, BYD, Chery hay Geely.

Tuy vậy, phần lớn các thương hiệu này vẫn khó đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ hay Nhật Bản.

Một cách thức để Trung Quốc tiếp cận công nghệ và thị trường là buộc các hãng sản xuất khác chỉ được mở nhà máy chế tạo tại Trung Quốc nếu liên doanh với một công ty bản địa. Điều này tạo nên các công ty như Shanghai General Motors, Dongfeng, FAW...

Một mặt, mối đe dọa từ việc đánh thuế của ông Trump sẽ gây khó cho xe Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường Mỹ. Lấy ví dụ BYD ngày 19-1 tuyên bố sẽ bán xe ở Mỹ trong “hai hoặc ba năm tới”, hoặc Hãng GAC cũng mang tham vọng đưa thương hiệu xe Trumpchi sang Mỹ năm 2018.

Nhưng mặt khác, việc Mỹ rút bớt khỏi các thị trường, điển hình là Mexico, đã lập tức mở ra con đường mới để xe nội địa Trung Quốc tìm cách vươn sang châu Mỹ.

“Phải cứng rắn, mạnh mẽ với Trung Quốc”

Ông Michael Dunne, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực ôtô, đã lên tiếng ủng hộ sự cứng rắn của Tổng thống Donald Trump trong thương mại với Trung Quốc.

Ông cũng là tác giả của cuốn American Wheels, Chinese Roads (tạm dịch: Bánh xe Mỹ, đường Trung Quốc).

Nhật báo Mỹ Detroit Free Press ngày 2-2 dẫn lời ông Dunne khẳng định khi làm việc với Trung Quốc cần phải mạnh mẽ và cứng rắn, vì “người Trung Quốc chỉ tôn trọng bạn khi bạn mạnh mẽ và cứng rắn”.

Tuy nhiên, việc “có qua có lại” cũng nên được chú ý trong quá trình đàm phán hợp đồng thương mại.

Điểm đáng lưu ý, theo ông Dunne, là hai bên cần có sự công bằng trong việc tiếp cận thị trường lẫn nhau và hiện điều này không tồn tại.

Các công ty Trung Quốc hoàn toàn có thể thâu tóm, đặt trụ sở kinh doanh tại Mỹ, nhưng ngược lại người Mỹ muốn tiếp cận Trung Quốc buộc phải thông qua một liên doanh. Công ty Mỹ cũng không được sở hữu trên 50% liên doanh ấy.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên