20/02/2021 07:44 GMT+7

Mỹ thống trị cuộc đua vắc xin COVID-19 nhờ 'bạo vì tiền'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - 'Mạnh vì gạo, bạo vì tiền'. Câu nói đó đã đúng trong cuộc chiến nghiên cứu và tiếp nhận vắc xin ngừa COVID-19 tiêm cho dân. Mỹ hiện thống trị cuộc đua nhờ những đầu tư tài chính quyết đoán ban đầu của chính quyền ông Trump.

Mỹ thống trị cuộc đua vắc xin COVID-19 nhờ bạo vì tiền - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đến thăm chi nhánh Công ty dược Valneva của Pháp ở Livingston ngày 28-1 - Ảnh: AFP

Ngày 17-12-2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tự hào tuyên bố trong lễ khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 ở châu Âu: "Thời của châu Âu đã đến".

Một tháng rưỡi sau, phát biểu ấy có vẻ như đã trở thành lố bịch bởi các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) không ra mắt được vắc xin nào trên thị trường và trở thành nạn nhân của cuộc chạy đua phát triển vắc xin tàn khốc.

Vì sao châu Âu lẹt đẹt đi sau?

Thật ra từ vạch xuất phát của cuộc đua vắc xin COVID-19, EU rất tự tin vì ba yếu tố: Tập đoàn Sanofi của Pháp là một trong bốn hãng dược lớn của thế giới về vắc xin; Châu Âu sở hữu năng lực sản xuất khổng lồ vì 4/10 hãng dược thuộc nhóm Big Pharma (các hãng dược lớn nhất thế giới) là của châu Âu; Các nhà khoa học châu Âu thuộc hàng giỏi nhất thế giới.

Còn bây giờ, TS Antoine Bondaz làm việc cho Quỹ Nghiên cứu chiến lược (Pháp) đánh giá: "Châu Âu đã tự đánh mất uy tín của mình trong mắt thế giới. Thất bại này quá to lớn!".

Tạp chí Challenges dẫn lời một cựu đại sứ Pháp nhận xét trong cuộc đua vắc xin, EU đang chơi với "súng nước" trong khi các đối thủ lại trang bị "bazooka" (súng chống tăng).

Ví dụ tiêu biểu nhất là công ty khởi nghiệp Valneva (Pháp) đã tuyên bố từ đây đến cuối năm sẽ cung cấp vắc xin COVID-19 cho Anh vì Anh đã đầu tư một phần công tác nghiên cứu.

Hồi tháng 5-2020, Sanofi cũng từng gây rúng động khi tuyên bố vắc xin của Sanofi trong tương lai sẽ được phân phối đầu tiên cho Mỹ bởi Mỹ đã tài trợ phần lớn nghiên cứu của Sanofi.

Một doanh nghiệp dược phẩm đánh giá: "Các nhà chính trị kêu gào ỏm tỏi nhưng chính họ phải chịu trách nhiệm 100%. Nếu Pháp và châu Âu ủng hộ đổi mới như Mỹ hay Anh thì chúng ta đã có vắc xin riêng của châu Âu từ lâu".

Mỹ thống trị cuộc đua vắc xin COVID-19 nhờ bạo vì tiền - Ảnh 2.

Lô hàng vắc xin COVID-19 đầu tiên của Moderna đến Singapore ngày 17-2 - Ảnh: Bộ Truyền thông và thông tin Singapore

Chiến dịch "Thần tốc" của Mỹ

Mỹ đang ở "chiếu trên" trong cuộc đua vắc xin COVID-19. Quyết tâm của Mỹ được thể hiện qua chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) nhằm nhanh chóng sản xuất vắc xin "made in USA".

Kết quả đạt được thật phi thường nhờ ngân sách hơn 10 tỉ USD do Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) cấp phát.

Câu chuyện thành công của công ty khởi nghiệp Moderna ở California là một minh chứng.

Nhờ làm chủ công nghệ ARN, vắc xin của Moderna đã được cấp phép lưu hành ở Mỹ và châu Âu chỉ sau vắc xin của Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức). Ngay chính BioNTech cũng được Chính phủ Mỹ tài trợ rất nhiều.

"Lực lượng xung kích" của Mỹ (các công ty sản xuất vắc xin) chưa phải là tất cả. Công ty Johnson & Johnson (đứng đầu nhóm Big Pharma) dự kiến đầu tháng 3-2021 sẽ bán ra một loại vắc xin chỉ cần tiêm một mũi mà lại rẻ tiền hơn và dễ bảo quản hơn.

Cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Pierre Vimont nhận xét: "Sức mạnh tấn công của Mỹ là vô song trong lĩnh vực nghiên cứu y tế. Thành công từ vắc xin của Mỹ mang lại cho họ thành công ngoại giao không thể phủ nhận".

Về tài chính, Pfizer dự kiến thu vào 15 tỉ USD tiền bán vắc xin trong năm 2021. Phi vụ này có thể trở thành một trong những phi vụ lớn nhất trong lịch sử ngành dược.

Mỹ chỉ có một điểm yếu duy nhất. Cuối tháng 1-2021, Công ty dược phẩm Merck đã thông báo rút lui khỏi cuộc đua vắc xin.

Mỹ thống trị cuộc đua vắc xin COVID-19 nhờ bạo vì tiền - Ảnh 3.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được tiêm vắc xin COVID-19 của Trung Quốc ngày 14-1 - Ảnh: dailysabah.com

Trung Quốc với chiến lược bền bỉ

Đối mặt với chiêu thần tốc kiểu đua xe Công thức 1 của Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược bền bỉ đeo bám các mục tiêu địa chính trị.

Trò chơi "cờ vây vắc xin" do hai tập đoàn nhà nước Sinovac và Sinopharm cùng Công ty CanSino Biologics liên kết với một viện quân y thực hiện.

Các loại vắc xin Trung Quốc được phát triển kém hiện đại hơn công nghệ ARN thông tin của Mỹ nhưng không sao.

Trung Quốc đã ký phần lớn đơn đặt hàng mua vắc xin với các nước châu Á và một số quốc gia quan trọng về ngoại giao (Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ…). Bắc Kinh còn tài trợ vắc xin cho nhiều nước nghèo như Campuchia.

TS Antoine Bondaz phân tích: "Trung Quốc không quan tâm đến chuyện cạnh tranh với Big Pharma và nhắm tới châu Âu hay Mỹ. Bắc Kinh chỉ chú trọng các nước đang phát triển và muốn xuất hiện như vị cứu tinh đối với các nước bị bỏ rơi để tố khổ thái độ ích kỷ của các nước phương Tây cổ xúy chủ nghĩa đa phương nhưng lại giành giật vắc xin với nhau".

Các nhà ngoại giao Trung Quốc sẵn sàng khéo léo dàn dựng cuộc chiến hình ảnh để tuyên truyền vắc xin Trung Quốc "dành cho thế giới", còn các loại vắc xin của Pfizer hay Moderna chỉ có lợi cho người giàu.

Một ý kiến từ Bộ Ngoại giao Pháp nhận xét điều nghịch lý: "Ý tưởng xem vắc xin là tài sản chung toàn cầu đã được châu Âu ủng hộ từ đầu, đặc biệt là Emmanuel Macron và Angela Merkel, nhưng bây giờ Trung Quốc lại dựa vào ý tưởng này".

Mỹ thống trị cuộc đua vắc xin COVID-19 nhờ bạo vì tiền - Ảnh 4.

Algeria sử dụng vắc xin COVID-19 của Nga trong chiến dịch tiêm chủng ở Blida ngày 30-1 - Ảnh: AFP

Nga vẫn có vị trí trong cuộc đua vắc xin

Nga quyết định không tham gia cơ chế COVAX của WHO (cung ứng vắc xin COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp) để cạnh tranh về mặt truyền thông như Trung Quốc nhưng khéo léo triển khai chiến lược ảnh hưởng trên thế giới.

Vũ khí của Nga là vắc xin Sputnik V do Trung tâm Dịch tễ học và vi sinh Gamaleya ở Matxcơva phát triển.

Tháng 11-2020, Tổng thống Putin từng đề nghị Tổng thống Macron ở Pháp hỗ trợ Nga sản xuất vắc xin COVID-19 nhưng cuối cùng không đạt được thỏa thuận.

Ban đầu là thế nhưng đến ngày 20-1, Nga đã đề nghị Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép lưu hành cho vắc xin Sputnik V. Hiện Nga đã ký hợp đồng bán vắc xin Sputnik V với nhiều nước như Ấn Độ, Argentina, Hungary, Algeria.

Trái ngược với EU, Nga dù không nằm trong nhóm Big Pharma nhưng vẫn thành công có vai trò trong cuộc đua vắc xin hiện nay.

Vắc xin COVID-19: Không phải chuyện có hay chưa mà là nước nào có Vắc xin COVID-19: Không phải chuyện có hay chưa mà là nước nào có

TTO - Hiện nay mối bận tâm của thế giới không còn là câu chuyện liệu vắc xin đã được sản xuất hay chưa, mà là quốc gia nào có thể tiếp cận được vắc xin theo cách nhanh nhất và công bằng nhất.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên