17/07/2011 06:10 GMT+7

Mỹ sẽ kết thúc "hiện tượng Nhật Bản"

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Không có gì phải bàn cãi về việc gọi tuyển Nhật là hiện tượng của World Cup bóng đá nữ 2011. Tuy nhiên, hiện tượng ấy nhiều khả năng sẽ bị các cô gái Mỹ đặt dấu chấm hết vào rạng sáng thứ hai (trận chung kết được THTT lúc 1g45 ngày 18-7 trên Bóng đá TV)...

TT - Không có gì phải bàn cãi về việc gọi tuyển Nhật là hiện tượng của World Cup bóng đá nữ 2011. Tuy nhiên, hiện tượng ấy nhiều khả năng sẽ bị các cô gái Mỹ đặt dấu chấm hết vào rạng sáng thứ hai (trận chung kết được THTT lúc 1g45 ngày 18-7 trên Bóng đá TV)...

“Vũ khí của chúng tôi là bóng bổng với lợi thế chiều cao và sức mạnh. Chúng tôi có thể giải quyết tuyển Nhật Bản chỉ sau một vài cơ hội. Tiền đạo Wambach của chúng tôi là người rất giỏi không chiến. Nhưng chúng tôi cũng phải dè chừng bộ ba Sawa - Nahomi Kawasumi - Aya Miyama của Nhật”

Tiền vệ tuyển Mỹ Heather O’Reilly

Nhìn vào số liệu thống kê tại giải, có thể nhiều người nghĩ tuyển Nhật không hề lép vế trước đối thủ Mỹ. Cụ thể, nếu như tuyển Mỹ đã ghi được tổng cộng 11 bàn thắng, bị thủng lưới năm lần thì Nhật Bản cũng 10 lần chọc thủng lưới đối phương và bị thủng lưới bốn lần.

Nếu lão tướng Homare Sawa của Nhật đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới với bốn bàn thắng thì Abby Wambach của Mỹ cũng bám sát với ba bàn...

Nhưng sự thật thì Nhật Bản không thể sánh với Mỹ về thực lực và danh tiếng. Nhật Bản chưa bao giờ được xem là thế lực lớn của bóng đá nữ thế giới dù họ liên tục có mặt ở sáu kỳ World Cup và là nhà vô địch châu Á 2010. Đơn giản bởi Mỹ là cường quốc bóng đá nữ hàng đầu thế giới từng hai lần vô địch World Cup năm 1991 và 1999.

Lịch sử đối đầu cũng hoàn toàn nghiêng về người Mỹ khi họ bất bại trong 25 lần đụng độ (22 thắng, 3 hòa) với Nhật trước đây. Còn nếu chỉ tính riêng năm nay, Mỹ toàn thắng trong cả ba lần gặp Nhật Bản.

Sự kiện tuyển bóng đá nữ Nhật Bản đánh bại những tên tuổi lớn như ĐKVĐ đồng thời là chủ nhà Đức, Thụy Điển để vào đến trận chung kết World Cup năm nay - trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử bóng đá Nhật Bản - được ví như câu chuyện cổ tích.

Xem kỹ lại hai trận thắng gây chấn động của đội Nhật mới thấy tuy họ chơi hay nhưng có phần may mắn nhiều hơn! Ví dụ trong trận tứ kết thắng Đức 1-0, những cô gái đến từ xứ sở mặt trời mọc phải gồng mình chịu trận 23 cú sút cầu môn của đối phương. Trong khi đó Nhật Bản chỉ có hai pha dứt điểm trúng mục tiêu nhưng lại thành bàn!

Còn trận bán kết thắng Thụy Điển 3-1, mỗi bàn của tuyển Nhật Bản ghi được đều ít nhiều có sai lầm của đối phương. Đặc biệt ở hai bàn cuối, có thể nói đây là món quà của thủ môn Thụy Điển dâng tặng “con cháu Thần mặt trời”! Chúng tôi nghĩ với thủ môn Solo của tuyển Mỹ, Nhật sẽ không dễ ghi bàn như thế.

Tuy nhiên đó là xét về lý thuyết, về tương quan lực lượng, về yếu tố chuyên môn. Còn trên thực tế chàng David tí hon cũng có thể hạ gục gã khổng lồ Goliath kia mà!

Các chuyên gia bình luận bóng đá nữ thế giới cho rằng “lối chơi của các cầu thủ Nhật Bản được tổ chức chặt chẽ nơi hàng phòng ngự. Họ thi đấu bằng cả trái tim, mỗi cầu thủ là một công nhân chăm chỉ và không mệt mỏi”.

Vâng, thi đấu bằng trái tim là sức mạnh của tuyển Nhật, và biết đâu sẽ cháy bùng để thiêu đốt tất cả.

TẤN PHÚC

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên