Phóng to |
Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản và trung đoàn bộ binh miền Tây của Mỹ trong cuộc tập trận “Nắm đấm thép” 2012 tại căn cứ ở California tháng 1-2012 - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Lầu Năm Góc cho biết trong năm nay sẽ rút lữ đoàn bộ binh 170 đóng tại Baumholder, Đức, và trong năm sau sẽ rút tiếp lữ đoàn bộ binh 172 ở Grafenwoehr. Về lực lượng không quân, Lầu Năm Góc cũng sẽ tinh gọn phi đội chiến đấu 81 chống xe tăng A-10 thuộc căn cứ Spangdahlem (Đức) và phi đội kiểm soát trên không 603 thuộc căn cứ Aviano (Ý). Được biết mỗi lữ đoàn có khoảng 3.850 quân, còn hai phi đội bay có hơn 850 phi công.
Ngoài ra, Washington cũng cho biết sẽ đóng cửa các đơn vị đồn trú quân sự ở Schweinfurt, Bamberg và Heidelberg ở Đức trước năm 2015 và rút khoảng 2.500 quân thuộc các đơn vị hỗ trợ trong năm năm tới. Các căn cứ của quân đoàn 5 tại Wiesbaden cũng sẽ bị đóng cửa.
Như vậy, tổng quân số của Mỹ ở châu Âu sẽ giảm xuống còn 70.000 quân so với 81.000 hiện nay và 270.000 từ thời chiến tranh lạnh.
Việc cắt giảm hai lữ đoàn lớn tại châu Âu, thay thế bằng các đơn vị hậu cần, nằm trong kế hoạch xây dựng quân đội tinh gọn, phản ứng nhanh của Lầu Năm Góc, giúp tiết kiệm gần 500 tỉ USD ngân sách trong thập niên tới. Trong vài tháng qua, Washington đã thảo luận kế hoạch này với các nước đồng minh của mình trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và châu Âu.
Rút quân không có nghĩa là giảm cam kết
“Không nên đánh đồng việc giảm số quân Mỹ đồn trú thường trực ở châu Âu với việc hạ thấp cam kết đối với các đối tác châu Âu của chúng ta” - AFP dẫn lời thư ký báo chí George Little của Lầu Năm Góc khẳng định. Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Đức Thomas de Maiziere, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết vẫn còn 40.000 quân Mỹ đóng tại Đức.
Lầu Năm Góc cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh NATO và luân chuyển các đơn vị tại châu Âu để tham gia các đợt tập trận chung. Bộ trưởng de Maiziere nhận định động thái này của Mỹ chỉ là bước chuyển “số lượng sang chất lượng” và không có gì phải phàn nàn, bởi Berlin cũng đang cắt giảm lực lượng quân sự của mình.
Ngược lại, Mỹ đang tăng cường hệ thống phòng chống tên lửa tại châu Âu và mới đây đã quyết định neo tàu chiến tại căn cứ hải quân Rota của Tây Ban Nha. Trước mắt, ba tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo sẽ từ Mỹ đến Rota để hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ và NATO.
Giới quan sát nhận định bước đi của Mỹ phù hợp với chiến lược chuyển tăng cường sự hiện diện quân sự sang châu Á - Thái Bình Dương trong thời điểm Trung Quốc đang trỗi dậy. Tuyên bố của Mỹ diễn ra cùng thời điểm với các hoạt động quân sự liên tục tại khu vực châu Á gần đây.
Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 kinh tế thế giới năm 2050
Trung tâm Nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế của Pháp (CEPII) ngày 14-2 đã đưa ra những dự báo cho rằng vào giữa thế kỷ này (2050) Trung Quốc sẽ nắm giữ khoảng 33% kinh tế toàn cầu, tức lớn hơn 21 lần so với hiện tại. Kinh tế Trung Quốc sẽ gần tương đương với nền kinh tế châu Âu (12%), Mỹ (9%), Ấn Độ (8%) và Nhật Bản (5%) cộng lại.
Theo CEPII, tốc độ tăng trưởng trung bình của Bắc Kinh trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2025 sẽ giảm từ 7,2% xuống còn 4,3%. Nguyên nhân là “do dân số Trung Quốc sẽ giảm nhanh, tỉ lệ tiết kiệm giảm, đầu tư kém hiệu quả và thặng dư thương mại biến mất vào năm 2030”. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ còn ảm đạm hơn với tỉ lệ tăng trưởng trung bình chỉ khoảng 1,6%, cao hơn một chút so với tốc độ 1,5% của châu Âu. CEPII dự báo Washington sẽ mất ngôi vị số 1 thế giới vào tay Bắc Kinh vào khoảng năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ của sự biến đổi này có thể bị chậm lại nếu có những thay đổi xã hội sâu sắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận