04/11/2010 11:44 GMT+7

Mỹ rót thêm 600 tỉ USD kích thích kinh tế

PHAN ANH
PHAN ANH

TTO - Hôm nay 4-11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ tung ra gói kích thích 600 tỉ USD vào cuối tháng 6-2011 để vực dậy nền kinh tế đang sa sút.

Sh2sO2vq.jpgPhóng to
Kiếm việc làm ở Mỹ ngày càng khó khăn. Ảnh: Moneystore

CNN đưa tin ngân hàng trung ương sẽ mua 600 tỉ USD trái phiếu dài hạn từ ngân khố quốc gia trong vòng 8 tháng nữa. Việc mua trái phiếu này nhằm mục đích kích thích nền kinh tế - một chính sách được gọi với cái tên Nới lỏng định lượng (Quantiative easing) áp dụng khi lãi suất ngân hàng gần như ở mức 0.

Con số này tương đương mức đầu tư 75 tỉ USD một tháng, cao hơn so với mong đợi của nhiều chuyên gia phân tích. Trước đó, họ chỉ ước lượng một gói kích thích khoảng 500 tỉ USD.

“Đó là một bước đi mà nhiều người mong đợi”, Calvin Sullivan, Giám đốc chiến lược tại Morgan Keegan nhận định. “Thị trường sẽ phản ứng như người ta kỳ vọng”.

Trong khi đó, từ tháng 6 đến tháng 9 vừa qua, kinh tế Mỹ tăng trưởng chỉ ở mức 2%/năm và con số này không đủ để giảm tỉ lệ thất nghiệp đang đứng ở mức cao: 9,6%. Trong tháng 9, họ mất 95.000 việc làm, cao gần gấp đôi con số 54.000 của tháng 8.

Hiện chi tiêu mua sắm ở Mỹ đang ở mức thấp. Các doanh nghiệp chần chừ thuê nhân công và nền kinh tế tăng trưởng khá chậm chạp. Cùng lúc đó, tỉ lệ lạm phát ở mức cực thấp và trở thành ngưỡng nguy hiểm khiến các chuyên gia kinh tế phải cảnh báo Mỹ có thể đang chuyển sang thời kỳ thiểu phát.

FED cho biết sẽ duy trì lãi suất ở mức 0 đến 0,25% thêm một thời gian nữa cho các khoản vay tiêu dùng và kinh doanh - mức lãi suất thấp kỉ lục kể từ tháng 12-2008. Họ cho rằng mức lãi thấp sẽ kích thích người dân mạnh dạn dùng tiền để mua sắm và doanh nghiệp sẵn sàng để đầu tư.

Nhưng khi công cụ này không hiệu quả, FED phải dùng tiếp một công cụ khác là chính sách Nới lỏng định lượng như một biện pháp để hạ thấp lãi suất thêm nữa.

Những người phản đối chính sách này cho rằng gói kích thích quá lớn có thể làm chệch hướng nền kinh tế, mất lạm phát, hoặc tạo ra những “bong bóng” tài sản trong tương lai làm tổn hại sự ổn định lâu dài.

“Tôi không nghĩ rằng biện pháp này sẽ mang lại những điều khác biệt”, Paul Ashworth, một chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capitol Economics, cho hay. “Đây là một cái dốc trượt và khi đứng trên đó, người ta rất khó thoát ra”.

Ông nhắc lại điều đã xảy ra với chính sách Nới lỏng định lượng 2 năm trước: FED mới đầu tuyên bố một gói kích thích 600 tỉ USD tháng 11-2008 nhưng 4 tháng sau phải tăng lên 1.800 tỉ USD mà vẫn không đủ.

PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên