12/07/2013 10:19 GMT+7

Mỹ phẩm, kẻ tàn phá nhan sắc

KHỔNG THU HÀ (Theo forensicsciencetechnician.org)
KHỔNG THU HÀ (Theo forensicsciencetechnician.org)

TTO - Mỹ phẩm, con dao hai lưỡi, có thể tôn lên sắc đẹp của phe tóc dài, và cũng có thể tàn phá nhan sắc ấy theo thời gian.

Theo khảo sát của FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) thì trên thực tế hơn 90% các loại mỹ phẩm có chứa ít nhất một thành phần chất hóa học, tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng da hoặc thậm chí là ung thư.

Có hơn 500 loại chất hóa học được sử dụng trong các loại mỹ phẩm. Giải mã những thành phần sau sẽ giúp bạn chọn được loại mỹ phẩm an toàn.

Pagpus3o.jpgPhóng to
Mỹ phẩm, con dao hai lưỡi, có thể tôn lên sắc đẹp của phe tóc dài và cũng có thể tàn phá nhan sắc ấy theo thời gian

Diethanolamine (DEA):

Thành phần này thường được sử dụng để điều chế các sản phẩm dưỡng thể, xà bông, dầu gội. Chỉ riêng thành phần này không có hại cho sức khỏe nhưng nếu kết hợp với những thành phần khác thì DEA có thể biến thành chất gây ung thư mang tên nitrosodiethanolamine (NDEA). Chất này dễ hấp thụ qua da và tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày, bàng quang, gan.

Parabens

Paraben thường được gọi là methylparaben, propylparaben, ethylparaben, hoặc butylparaben, đây là thành phần được minh chứng có liên quan mật thiết đến căn bệnh ung thư vú nguy hiểm ở phụ nữ.

Theo các dữ liệu của FDA thì paraben không nguy hiểm nếu được kiểm soát ở liều lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu lựa chọn nhiều loại mỹ phẩm cùng chứa thành phần này trong suốt cuộc đời sẽ khiến bạn dễ gặp phải những rắc rối với sức khỏe. Vậy khi chọn mua mỹ phẩm nên chọn loại không có chứa paraben - “paraben free”.

Formaldehyde

Formaldehyde hay còn được gọi là DMDM hydantoin diazolidinyl urea, Imidazalidol urea Sodium hydroxymethylglycinate, N-(Hydroxymethyl) glycine, monosodium salt, and quaternium-15 là một trong những thành phần thường xuất hiện trong không ít các sản phẩm làm đẹp.

Một số hãng mỹ phẩm sử dụng thành phần này để thay thế chất bảo quản paraben. Formaldehyde được liệt vào danh sách một trong những chất gây ung thư cho con người, ngoài ra những phản ứng khác dễ nhận thấy nhất là ngứa rát cổ họng, dị ứng mắt, mũi...

Phenylenediamine (PPD)

Đây là thành phần xuất hiện phổ biến trong các sản phẩm nhuộm tóc, chăm sóc tóc hoặc chăm sóc mi mắt. Mặc dù đây là thành phần hóa học bị chống chỉ định tiếp xúc với da, tuy nhiên trong các sản phẩm thuốc nhuộm tóc, khi sử dụng bạn phải giữ thuốc nhuộm khoảng 25 phút, thời gian này thuốc có thể dính xuống da đầu, trán hoặc tai, rất nguy hại. Vậy nên khi chọn các sản phẩm thuốc nhuộm tóc cần tránh chọn thành phần này.

Phthalates

Thành phần này được dùng để chiết xuất trong công nghệ sản xuất sơn móng tay hoặc có thể trong các loại bình nhựa. Chất hóa học này có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản và thần kinh ở nam giới và phụ nữ.

Khi chọn mua sơn móng tay bạn nên tránh loại có chứa thành phần này hoặc những thành phần cùng họ như DBP (di-n-butyl phthalate) và DEP (diethyl phthalate).

Sodium Lauryl Sulfate (SLS) và Sodium Laureth Sulfate (SLES)

Thành phần hóa học này thường xuất hiện trong các chế phẩm của xà phòng hoặc dầu gội. SLS và SLES có thể khiến da bị dị ứng, gây ảnh hưởng đến tim mạch, não và chức năng gan.

Khi sử dụng sản phẩm dầu gội có chứa thành phần này, bạn sẽ dễ có nguy cơ bị dị ứng mắt, da đầu hoặc mặt, bàn tay, cánh tay. Tuy nhiên, theo các công ty sản xuất dầu gội thì một trong số những điểm cộng của thành phần này là giúp tóc khỏe và bóng.

Petrolatum

Đây là thành phần rất quen thuộc, thường xuất hiện trong những dòng mỹ phẩm dạng tinh dầu, dạng kem hoặc dạng gel. Hệ lụy của thành phần này được cho là “tiếp tay” cho mụn trứng cá hình thành và đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Thêm vào đó, petrolatum còn gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cơ thể.

Triclosan

Là thành phần xuất hiện trong các sản phẩm chống lại vi khuẩn như xà bông diệt khuẩn, nó cũng được sử dụng trong công nghiệp chế biến kem đánh răng, mỹ phẩm trị mụn trứng cá và lăn khử mùi. Triclosan tích tụ nhiều trong mỡ và có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể người và cả động vật. Đây là thành phần hóa học có thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp.

Toluene

Thành phần hóa học này thường được dùng phổ biến trong công nghiệp chế biến sơn, hóa chất, cao su nhưng cũng có một số loại sơn móng tay cũng chứa thành phần này.

Đây là loại chất hóa học độc hại gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khó thở, đau đầu, thậm chí có thể gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh. Vì thế bạn nên “treo biển cấm” với loại sơn móng này, nhất là trong giai đoạn đang mang thai.

Hóa chất tạo mùi

Có hàng tá những thành phần hóa học, chất tạo mùi, thành phần tổng hợp để tạo nên hương thơm của nước hoa. Bạn cũng nên biết rằng có không ít các công ty sản xuất không trung thực khi “kê khai” những thành phần điều chế trên nhãn mác sản phẩm tạo nên sản phẩm nước hoa của nó.

Ngoài nước hoa, hương thơm cũng hiện diện trong phần lớn các loại kem chống nắng, da và sữa tắm, dầu gội, và một số sản phẩm em bé. Chất hóa học tạo hương thơm có thể gây ung thư, khiến cơ thể bị dị ứng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, dị ứng. Các chuyên gia y tế còn cho rằng đây là thủ phạm gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, trầm cảm.

Triethanolamine (TEA)

TEA được sử dụng để cân bằng PH và là một thành phần thường xuất hiện trong các sản phẩm chăm sóc da. Tuy nhiên, “mặt trái” của nó lại khiến da bị khô, tóc khô, dễ mẩn đỏ, mắt dị ứng. TEA có thể thẩm thấu qua da gây ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể do “cơ chế” nhiễm độc.

Hydroquinone

Là thành phần giúp sáng da, hiện bị cấm sử dụng ở Nhật, Úc và các nước châu Âu. Ở Mỹ loại hóa chất này được cho phép sử dụng trong công nghiệp điều chế các sản phẩm chăm sóc cơ thể với nồng độ không quá 2%. Ở châu Á và châu Phi nó được sử dụng trong các sản phẩm kem tẩy trắng, là “khắc tinh” của những chấm đồi mồi.

Tuy nhiên, loại hóa chất này cũng làm giảm sắc tố Melanin trong da, điều này đồng nghĩa rằng nó cũng làm tăng sự xâm nhập của tia UVA và tia UVB với làn da, dễ khiến da bị sạm đen, cháy nắng và ung thư da.

BHA (butylated hydroxyanisole) và BHT (butylated hydroxytoluene)

Đây là thành phần những chất chống oxy hóa được tìm thấy trong những sản phẩm kem chống nắng cho trẻ em hoặc để tạo màu cho son môi. Trong một số loại thực phẩm chế biến sẵn cũng có thành phần này. Hiện sự kết hợp của bộ đôi này đã bị cấm sử dụng ở một số quốc gia vì là thủ phạm khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, dễ khiến gan bị nhiễm độc.

KHỔNG THU HÀ (Theo forensicsciencetechnician.org)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên