22/09/2013 08:47 GMT+7

Mỹ nhân trong khu dưỡng lão

ĐỨC TUYÊN
ĐỨC TUYÊN

TT - Lặng lẽ cảnh đời cút côi khi tuổi đã về chiều. Mơ một giấc mơ gia đình nhưng nghệ sĩ cải lương Mộng Lành, nay đã 67 tuổi, đang sống những ngày cuối đời không người thân thích nơi khu dưỡng lão.

Cp2YiPQE.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Mộng Lành trong vở Ngũ sắc châu Ảnh do nhân vật cung cấp

“Này Thần nữ!... Gươm đao chẳng dung tình, ta đem ứng luôn giả hình, tội tử phải làm gương, giữa công đường quân pháp bất vị thân...”.

Hình ảnh oai hùng, bước đi hùng dũng, lời ca sang sảng, đó là hình ảnh nghệ sĩ cải lương Mộng Lành (tên thật Võ Hiếu Nghĩa) với vai nữ tướng Phàn Lê Huê trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ làm mưa làm gió một thời trên các sân khấu khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh.

Thế nhưng sau hơn 30 năm rực rỡ nơi ánh đèn sân khấu, nay về già nghệ sĩ Mộng Lành của một thời là ngôi sao sáng trong làng cải lương tuồng cổ lại không nhà cửa, không chồng con, sống nương nhờ nơi khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu tại Q.8, TP.HCM.

Hào quang của nữ võ tướng

Ký giả kịch trường của những năm 1960, 1970 Tần Nguyên - chủ nhiệm và quản lý khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu - nhìn nghệ sĩ Mộng Lành cười vui: “Bả là một trong tứ đại mỹ nhân của cải lương tuồng cổ (còn gọi là cải lương hồ quảng) nổi danh một thời từ năm 1968-1975. Báo chí thời ấy ca ngợi bả vì có giọng hát hay, diễn xuất giỏi mà lại đẹp nữa. Lúc ấy tui muốn gặp bả viết bài là trần ai lắm”.

Nghe thế nghệ sĩ Mộng Lành liền đáp: “Vậy mà giờ đây ổng lại muốn đá tui ra khỏi khu dưỡng lão này đấy nhưng không dễ à nha”. Cả hai cùng cười. Giọng cười hai người già giòn giã như cái thủa Mộng Lành còn rong ruổi cùng các đoàn cải lương sống đời cơm chợ, ngủ đình.

Như sống lại thời xưa, nghệ sĩ Mộng Lành hồi tưởng những năm 1960-1970 cải lương chiếm lĩnh sân khấu, đình làng, đi vào lòng người từ thành phố lớn đến tận những vùng sâu trên khắp các tỉnh thành. Được báo chí thời ấy ca ngợi là một trong bốn đại mỹ nhân cải lương tuồng cổ gồm Bạch Lê, Thanh Thế, Xuân Yến, nghệ sĩ Mộng Lành cũng được người đưa kẻ đón.

“Nhưng tui sợ có chồng, có con, rồi già, thanh không còn trong, sắc tàn và không còn được đứng trên sân khấu nữa nên không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, sinh con” - nghệ sĩ Mộng Lành bồi hồi tâm sự. Tuổi xuân của người nghệ sĩ cứ thế bị cuốn theo ánh đèn sân khấu. “Khi nhìn lại thì đời mình đã xanh rêu” - Mộng Lành trầm tư, thực tại và quá khứ như đang đan xen trong suy nghĩ của người nghệ sĩ già này.

Chỉ còn nhớ mang máng gia đình, ba mẹ trước đây cùng sống với mình trong một căn nhà nhỏ ở Cái Răng, Cần Thơ, tuổi thơ của cô bé Võ Hiếu Nghĩa, sinh năm 1946, lặng lờ trôi như những vạt bèo trên dòng sông Cái Răng và chỉ đến khi có đoàn cải lương về diễn mới ồn ào náo nhiệt như ngày hội.

Và như những cô bé khác mê mệt trước hình ảnh của người nghệ sĩ, làn điệu, câu ca của cải lương, Hiếu Nghĩa khi gần bước vào tuổi 13 đã trốn cha mẹ, bỏ nhà theo gánh hát. Từ gánh nước, kiếm củi, đi chợ, nấu ăn, giặt trang phục... cho đến đóng vai tì nữ, vai phụ rồi có người nghệ sĩ nghỉ bệnh thì Hiếu Nghĩa mới được đóng thế. “Lần lần mình biết hát, có vai người ta cho mình diễn là hạnh phúc lắm” - nghệ sĩ Mộng Lành hồi tưởng.

Trải qua nhiều gánh hát, đến năm 1968 Hiếu Nghĩa nổi tiếng với nghệ danh Mộng Lành và về đầu quân cho gánh cải lương Khánh Hồng đóng tại đình Cầu Quan (Q.1, TP.HCM).

Hỏi vai nào tâm đắc nhất với suốt cuộc đời hơn 30 năm dưới ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ Mộng Lành không chút đắn đo: “Đó là vai chính diện nữ võ tướng Phàn Lê Huê trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. Đây cũng là vai để đời, mang lại danh vọng và tiền bạc cho tui. Tui có thể diễn vở này 3-4 suất trong một ngày đêm. Và cứ ngày này qua ngày khác, từ thành phố đến các tỉnh xa, tui sống với vai diễn Phàn Lê Huê trên sân khấu cũng như trong đời thực vậy”.

Nhớ những ngày rực rỡ ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ Mộng Lành rưng rưng nhớ lại người đã dìu dắt mình vào nghiệp ca hát - ấy là cố nghệ sĩ Minh Tơ. “Nghệ sĩ Minh Tơ vừa là thầy, vừa là cha và cũng là bạn của tui nữa. Ông là người thầy chính gốc, đã dạy từng tí một để tui đứng được trên sân khấu.

Nghệ sĩ Minh Tơ và anh em trong đoàn lúc ấy đi lưu diễn, sống và coi nhau như người thân trong nhà” - nhắc đến người thầy với lòng thương kính, nghệ sĩ Mộng Lành không khỏi bồi hồi. Thời thanh xuân, trắc trở trong chuyện tình cảm, gia đình, con cái, thế nhưng cuộc đời nghệ sĩ Mộng Lành những ngày cuối đời cũng rất “nghịch thường”.

Bi đát khôn cùng

“Người nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ cải lương trong những đoàn, gánh hát tư nhân, khi rời xa ánh đèn sân khấu thì cuộc đời sẽ bi đát khôn cùng. Bởi những nghệ sĩ cải lương này dù nổi tiếng, được nhiều người biết, công nhận tài năng nhưng không nằm trong biên chế nhà nước. Nghệ sĩ lại là người sống nghịch thường với người bình thường khác” - ký giả kịch nghệ Tần Nguyên đúc kết rồi đưa ánh mắt nhìn nghệ sĩ Mộng Lành.

Còn bà, đưa tay phải nhấc cánh tay trái bị bại liệt để vào lòng mình, mắt ngân ngấn nước nhớ lại thời gian sau về đầu quân cho Đoàn cải lương Minh Tơ, Mộng Lành càng được ưu ái, kiếm được bộn tiền.

Thế nhưng bà cũng chẳng màng đến việc mua nhà cửa: “Tui đi diễn miết, mua nhà làm chi, sống với đoàn, ngủ trong đình, miếu... Giờ mới biết không có nhà cửa thì khổ như thế nào”. Những đồng tiền Mộng Lành kiếm được rồi cũng trôi theo son phấn. Năm 1997 Đoàn Minh Tơ tan rã, Mộng Lành lang thang các đình chùa hát tuồng kiếm cơm qua ngày.

Những oan trái khổ đau cũng xuất hiện từ đây. Năm 2006, sau một lần đi hát, ngủ đình, bà bị tai biến liệt nửa người, mồm méo, lưỡi rụt nói không rõ chữ. Thương quá, bà Trần Thị Bảy - một khán giả ái mộ tài nghệ, đã đưa bà về nhà ở Q.4 nuôi nấng, chăm sóc.

Sau một thời gian chạy chữa bệnh tật thuyên giảm, những đồng tiền ky cóp rồi cũng cạn, nghệ sĩ Mộng Lành nổi danh một thời giờ trở thành bà lão với nửa người liệt, nghiêng nghiêng bước đi trên khắp các ngõ hẻm bán vé số kiếm sống qua ngày.

Tưởng đời thế đã đủ khổ, nào ngờ con tạo trêu ngươi, nhà khán giả ái mộ Trần Thị Bảy bị giải tỏa. Bà Bảy và Mộng Lành che tấm bạt tá túc một thời gian nơi góc hè của căn nhà bên bờ sông bị giải tỏa còn sót lại, nương tựa nhau sống. Cực! Cuối cùng bà Bảy cũng phải về sống với người cháu.

Trở về quê không còn ai thân thích, nghệ sĩ Mộng Lành ở tuổi ngoài 60 trở thành người bơ vơ với xấp vé số trên tay, tiếp tục lang thang trên phố phường Sài Gòn. Phố phường tấp nập mà trong đầu cứ váng vất câu ca Nửa đời phiêu bạt tha hương, bóng quê dáng mẹ trĩu vương cõi lòng...

Cuối cùng, Ban ái hữu nghệ sĩ (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) cũng biết được nỗi khổ, hoàn cảnh khó khăn của Mộng Lành nên đã đưa bà vào sống tại khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu từ năm 2007. Dù còn nhiều khó khăn, dù tiền ăn mỗi ngày chỉ được 22.000 đồng/người nhưng đối với bà cũng như những nghệ sĩ khác khi được sống trong khu dưỡng lão, chuyện trò cùng những bạn nghệ sĩ một thời, ấy cũng đã đủ trở thành một niềm vui rồi.

Giờ đây, mỗi tháng, Mộng Lành cũng như những người bạn nghệ sĩ già khác mong đến ngày rằm lên sân khấu (ngay trong khuôn viên khu dưỡng lão) để được diễn, được sống lại với những kỷ niệm vui buồn trong nghề đã qua. Và đó cũng là cách để các nghệ sĩ kiếm chút thu nhập, thêm vào cho những bữa cơm từ lòng hảo tâm, sự mến mộ của khán giả tự do đến xem.

“Sống tại đây như đang được ở cõi tiên vậy” - người nghệ sĩ đã nếm đủ vinh hoa và cay đắng thanh thản nói.

cinMQfD2.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Mộng Lành chụp hình chung với nghệ sĩ cải lương tuồng cổ lớp đàn em Bảo Tiên - Ảnh: Đ.Tuyên
Chủ nhiệm khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu Tần Nguyên cho biết hiện 26 nghệ sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc và nuôi dưỡng tại khu dưỡng lão với chi phí hoạt động mỗi tháng hết 27-30 triệu đồng. Nguồn chi phí của khu dưỡng lão chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của các mạnh thường quân thông qua Ban ái hữu nghệ sĩ Hội Sân khấu TP.HCM, một số cơ quan, báo đài... cũng như nguồn thu từ mỗi đêm rằm các nghệ sĩ tổ chức “sáng đèn sân khấu”.
ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên