16/02/2016 08:30 GMT+7

Mỹ muốn xây dựng một hình ảnh khác với Trung Quốc

TT - Có thể kỳ vọng một kết quả gì liên quan đến tình hình tranh chấp Biển Đông trong Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tại Sunnylands?

TS Trương Minh Huy Vũ
TS Trương Minh Huy Vũ

Với một ASEAN có nhiều quan điểm khác nhau thì các hình thức tập hợp lực lượng sẽ tiếp tục đụng vào tảng băng khổng lồ của sự hoài nghi. Một sự đồng thuận theo kiểu ASEAN với yếu tố lực đẩy từ nhiều phía, có thể là ánh sáng ở cuối đường hầm. 

Sự đồng thuận này bắt đầu từ những diễn biến ngày càng gay gắt trên thực địa. Hình ảnh vệ tinh đang có ý nghĩa hơn nhiều lời tuyên bố.

Khi những đường bay ở các “công trình đảo nhân tạo trái phép” còn chưa ráo cát ở Trường Sa thì trên đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, hình ảnh công bố từ tạp chí The Diplomat cho thấy một căn cứ trực thăng mới của Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng.

Đây là một trong hàng loạt công trình “phục vụ dân sự” - như lời của phía Trung Quốc tuyên bố - được ghi nhận từ đầu năm đến giờ tại khu vực Biển Đông. 

Ứng phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, những hành động của Mỹ từ cuối năm 2015 cũng bắt đầu tăng tốc.

Câu chuyện bắt đầu từ hoạt động thực hiện tự do hàng hải (FONOPs) do hải quân Mỹ tiến hành ở quần đảo Trường Sa (cụ thể là quanh đá Subi) vào ngày 26-10.

Ban đầu, giới chiến lược gia Mỹ thiên về quan điểm FONOPs của Mỹ là bình thường và đúng luật quốc tế.

Nhưng sau đó các tiết lộ về lộ trình trên thực địa của các nguồn khác nhau được báo chí dẫn lại từ giới chức hải quân Mỹ cho thấy có một sự không thống nhất về cách hiểu và lý giải của hoạt động này. 

Hành động của Mỹ đẩy các nước có liên quan vào thế lựa chọn. Đặc biệt là câu hỏi lưỡng nan đối với các nước Đông Nam Á có cùng tranh chấp tại đây: hoặc các nước ASEAN sẽ duy trì sự trung lập của mình đối với FONOPs của Mỹ nhưng phải đối mặt với sự bồi lấn trái phép ngày càng tăng của Trung Quốc;

Hoặc sẽ ủng hộ hay (trong tương lai) sát cánh cùng Mỹ để thực hiện một số hoạt động chung, mà những hoạt động này chưa thật sự nhất quán từ người khởi xướng? 

Năm 2016, những động thái mới từ hải quân Mỹ giúp tình hình không những quay về thế cân bằng, mà còn đưa ra các thông điệp mới với nhiều hàm ý đa chiều.

Bắt đầu là việc tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur thực hiện quyền tự do đi lại vô hại trong phạm vi 12 hải lý hồi cuối tháng 1 vừa qua gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Ý nghĩa của hành động này cần được hiểu rõ theo hai chiều kích.

Thứ nhất, khác với đá Subi là một bãi đá chìm do Trung Quốc dùng đất cát xây dựng nên thành đảo nhân tạo và không thể mở rộng vùng nước 12 hải lý xung quanh, Tri Tôn - được Mỹ đánh giá là đá - có vùng nước mở rộng 12 hải lý.

Thông qua hành động của tàu USS Curtis Wilbur, có sự chuyển mục tiêu từ đánh vào sự nhập nhằng của việc cải tạo đảo đá đến phát triển thành cuộc tấn công (thậm chí thách thức) về việc vẽ đường cơ sở đang tạo tranh cãi ở quần đảo Hoàng Sa. 

Thứ hai, động thái đi lại gần đảo Tri Tôn bắn đi tín hiệu của Mỹ giúp giải thích rõ hơn các quyền đi qua vô hại thông qua vùng lãnh hải mà không cần thông báo trước. Đây là một nguyên lý kín đáo được Mỹ liên tục theo đuổi trong chính sách đối ngoại từ những năm 1970. 

Hai thế giới quan khác biệt dần dần rõ ràng hơn qua các hành động đụng chạm nhau trên thực địa. Kiểu của Mỹ đặt nguyên tắc tự do hàng hải là trung tâm, cho phép bất kể là loại tàu gì, kể cả tàu quân sự, được hưởng quyền “đi lại vô hại” mà không cần thông báo trước.

Cách của Trung Quốc đòi hỏi sự cho phép bắt buộc trước khi các tàu chiến đi vào “lãnh hải” của mình. 

Cùng với việc Trung Quốc vẫn đang nằm ngoài tất cả cơ chế hòa giải, phán xét của Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), cách diễn giải của họ về những điều khoản liên quan công ước còn tạo ra nhiều lệch pha so với các thành viên còn lại.

Sự đồng thuận tại Sunnylands khởi đầu cho một quá trình như vậy. 

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ 

(Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đón tiếp tại sân bay Palm Spring, bang California, Hoa Kỳ - Ảnh: TTXVN

TS Trần Việt Thái (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam):

Mỹ muốn xây dựng một hình ảnh khác với Trung Quốc

Thông điệp xuyên suốt của Việt Nam tại hội nghị cấp cao lần này: Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN;

Việt Nam sẵn sàng đóng góp xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN ngày càng vững mạnh có lợi cho cả hai phía và đóng góp vào sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Hội nghị cấp cao tại Sunnylands là ý tưởng lớn của Mỹ về khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN cho giai đoạn tới gồm hai nhóm chính là kinh tế và chính trị - an ninh.

Cuộc họp ở Sunnylands phản ánh hai điểm: một là thể hiện những cam kết can dự, tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó ASEAN là trọng tâm và là đối tác chiến lược; hai là Mỹ muốn thúc đẩy các tiến trình hợp tác sâu rộng hơn với ASEAN, muốn giúp ASEAN ổn định, hợp tác, phát triển hơn thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược vì ASEAN đang là một khu vực phát triển năng động và là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới với hơn 600 triệu dân.

Mỹ và ASEAN đã xây dựng chương trình hành động 2016 - 2020, trong đó có vấn đề hợp tác an ninh biển với nhiều điểm rất cụ thể như tăng cường tham vấn, xây dựng năng lực cho các lực lượng bảo vệ bờ biển và chia sẻ thông tin.

Cách tiếp cận của Mỹ đối với ASEAN trong vấn đề an ninh hàng hải là một cách tiếp cận rộng, không nhắm vào một bên thứ ba nào, trong đó Mỹ có ý nêu cao các nguyên tắc pháp quyền.

Mỹ muốn xây dựng một hình ảnh khác với Trung Quốc trong mắt của các nước ASEAN. Cụ thể, Mỹ sẽ giúp các nước ASEAN trên cơ sở xây dựng những chuẩn mực, tạo ra những lợi ích để các nước ASEAN ổn định lâu dài liên quan đến biển.

Bên cạnh việc Mỹ trực tiếp đưa tàu vào tuần tra, những hợp tác này theo tôi là rất có lợi cho các nước ASEAN.

* TS Lê Hồng Hiệp (nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore):

FONOPs thể hiện ý chí thách thức Trung Quốc của Mỹ

Các chiến dịch thực hiện FONOPs mà Mỹ tiến hành tự thân nó không thể giúp chấm dứt sự bành trướng hay sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng nó thể hiện ý chí của Mỹ trong việc thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại đây, và ở một mức độ nào đó làm cho Trung Quốc cảm thấy phải cân nhắc, thận trọng trong cách hành động của mình.

Tại Hội nghị cấp cao Sunnylands, chắc chắn vấn đề này sẽ được nêu lên, Mỹ sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp kêu gọi các quốc gia ASEAN cũng như bản thân tổ chức này ủng hộ các chiến dịch của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Hơn nữa, trong vấn đề này, dù vai trò của Mỹ là quan trọng nhưng chỉ mình Mỹ sẽ không đủ mà còn cần có sự phối hợp hành động và chia sẻ gánh nặng của các nước đối tác khác, nhất là các nước có lợi ích trực tiếp trong vấn đề Biển Đông.

Các hành động của Mỹ vì vậy nên được nhìn nhận như là một phần trong một giải pháp rộng lớn hơn, có điều phối, của khu vực nói chung, nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

* GS Zach Abuza (Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á):

Thúc đẩy mạnh mẽ cho TPP

Thương mại và kinh tế sẽ là những nội dung quan trọng nhất tại hội nghị cấp cao lần này. Cuộc gặp sẽ là sự thúc đẩy mạnh mẽ cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như bổ sung thêm những mảnh ghép cho một cấu trúc kinh tế khu vực.

Về mặt chính trị - an ninh, Mỹ đã và đang sẵn sàng thách thức Trung Quốc bằng cách tăng cường các hoạt động bảo đảm FONOPs và hàng không ở Biển Đông, nhưng Mỹ sẽ không làm điều này cho ASEAN nếu các quốc gia ASEAN nói chung và những quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nói riêng trong khối không sẵn sàng tiến hành các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của họ.

Mỹ sẽ phải thuyết phục các quốc gia ASEAN rằng Washington sẽ gia tăng mức độ hoạt động FONOPs ở Biển Đông và duy trì sự hiện diện vừa đủ ở khu vực giúp các nước ASEAN cảm giác tự tin để tiến hành các biện pháp của họ. Ưu tiên an ninh thứ hai sẽ là chống chủ nghĩa khủng bố.

Theo tôi, Mỹ và ASEAN phải cùng nhất trí là Trung Quốc sẽ trả giá cho hành động sai trái của họ. Có nhiều cách để làm việc này, cả ở mức độ ngoại giao, thông tin, kinh tế và pháp lý. Philippines xứng đáng được tán dương vì đã kiện Trung Quốc ra tòa.

Tòa án quốc tế đang đợi cơ hội để ra một phán quyết nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc định nghĩa luật pháp quốc tế theo cách của họ.

QUỲNH TRUNG ghi

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên