Phía Công ty Layne Christensen vui mừng khi tiền phạt chỉ mất phân nửa nhờ tự khai “lạy ông tôi ở bụi này” - Ảnh: Nasdaq |
Báo Wall Street Journal dẫn lời một số luật sư nói gần đây Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) có một chương trình “người thổi còi” mới.
Chương trình này khiến những công ty khó giấu giếm các cáo buộc hối lộ hơn bởi SEC - cơ quan độc lập thực thi luật về chứng khoán - đã tạo một kênh trực tiếp để những người thổi còi (ví dụ nhân viên công ty) có thể dễ dàng đưa ra các cáo buộc hối lộ của công ty.
Từ đó, các công ty sẽ phải đánh giá xem liệu chính phủ có phát hiện các vụ hối lộ của họ hay không. Điều này là một trong các tác nhân lớn nhất trong việc quyết định công ty có nên “tự thú”.
Một chính sách như vậy sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong việc thực thi pháp luật. Nếu mục tiêu là ngăn chặn tham nhũng, đó là cách làm đúng |
Chuyên gia Aaron Murphy |
Tự giác để ghi điểm
Ông Todd Harrison, thuộc Công ty luật McDermott Will & Emery, lấy ví dụ rằng có một cá nhân định trình báo hành vi hối lộ của công ty với chính quyền. Như thế công ty đó sẽ bị áp lực để tự đi trình báo trước hầu mong ghi điểm với cơ quan chức năng.
Ví dụ gần nhất là Công ty quản lý nước và xây dựng Layne Christensen của Mỹ đã chấp thuận trả số tiền 5,3 triệu USD cho SEC để dàn xếp các cáo buộc hối lộ ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, đó chỉ là thiệt hại nhỏ vì nếu không phía công ty có thể mất nhiều hơn.
Hồi tháng 8, Công ty Layne Christensen cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã thôi không điều tra họ nữa, một phần là nhờ công ty đã báo cáo với chính quyền về cuộc điều tra nội bộ, tự giác hợp tác điều tra và sửa chữa sai lầm.
Điều này đã giúp giảm bớt số tiền dàn xếp ngoài tòa mà công ty phải trả hồi tuần trước xuống phân nửa so với mức dự kiến ban đầu lên tới 10,4 triệu USD.
Trước đó, SEC cáo buộc Công ty Layne Christensen thu về khoảng 3,9 triệu USD tiền “lợi nhuận phi pháp” trong năm năm có được do hối lộ. Các khoản hối lộ này được trả thông qua các chi nhánh ở châu Phi và Úc. Layne Christensen không thừa nhận hay bác bỏ các cáo buộc này.
Giới chức ở Mỹ đang kêu gọi các công ty noi gương Layne Christensen trong việc tự trình báo.
Chống tham nhũng thực chất
Theo Wall Street Journal, 1/3 số vụ bị soi theo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của SEC trong những năm gần đây đều đến từ việc các công ty tự khai báo. Chính quyền Mỹ cũng cố gắng dành sự ưu ái cho việc tự khai báo.
Ông James Koukios, phó bộ phận tội phạm gian lận thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, hồi tháng 10 có nói việc tự nguyện báo cáo là một yếu tố lớn trong việc có xử lý một công ty hay không hoặc xử lý như thế nào.
Ông Koukios cũng so sánh trường hợp của Layne Christensen với Công ty thương mại Nhật Bản Marubeni. Cơ quan công tố nói công ty Nhật này đã không báo cáo các vấn đề về hối lộ ở nước ngoài và không hợp tác với chính quyền khi điều tra bắt đầu.
Rốt cuộc, Marubeni đã phải đồng ý trả 88 triệu USD tiền phạt và thừa nhận các cáo buộc hối lộ.
Các luật sư thạo tình hình cho biết khách hàng của họ thường đấu tranh tư tưởng rất dữ dội trong việc có tự thú với chính quyền kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” hay không.
Họ thường rất phân vân giữa việc trình báo chính quyền, trông đợi vào sự may mắn hoặc cố gắng giải quyết vấn đề trong nội bộ để tránh các vụ dàn xếp đắt đỏ.
Tuy nhiên, các luật sư cũng nói có một số thay đổi nhỏ từ Bộ Tư pháp mà trong đó những công ty tự nguyện tiết lộ các vụ hối lộ sẽ được ưu ái hơn.
Nói về hiệu quả của chính sách khoan hồng, chuyên gia Aaron Murphy thuộc Công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld đánh giá rằng chính sách này sẽ khuyến khích các công ty tự nguyện trình báo.
Ông nhấn mạnh: “Một chính sách như vậy sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn trong việc thực thi pháp luật. Nếu mục tiêu là ngăn chặn tham nhũng, đó là cách làm đúng. Còn nếu mục tiêu là bòn rút tiền từ các công ty, họ nên làm theo cách xưa nay”.
Theo Wall Street Journal, Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về đánh giá của giới luật sư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận