Phản hồi tích cực như vậy không dễ có trong thời điểm thị trường âm nhạc có dấu hiệu bão hòa, nhiều đêm diễn chỉ được thực hiện khi có đặt hàng.
1 Sau hơn hai thập kỷ làm nghề, không khỏi có nhiều ý kiến cho rằng một trong bộ tứ "diva nhạc Việt" đã đạt đến ngưỡng, không còn gì hấp dẫn nữa ở cách hát, bài hát mà cô mang đến.
Lo lắng, băn khoăn ấy là thực tế với minh chứng đi kèm ở hai đêm diễn đầu tiên của Mỹ Linh Tour 2018 không còn cảnh "sốt vé" như Mỹ Linh Tour 06 của 12 năm trước, tại cùng địa điểm. Sân khấu đã sáng đèn vẫn còn khán giả lục tục tìm chỗ ngồi.
Những yếu tố bên lề này ít nhiều mang đến sự hồi hộp khi đón nhận đêm nhạc, để rồi cuối cùng khép lại chương trình là lời chúc mừng, khen ngợi mà Mỹ Linh cùng "êkip bền vững" của cô xứng đáng được nhận.
Sự thành công ở nửa chặng đường Mỹ Linh Tour 2018 trước khi đến với Đà Nẵng (15-8) và TP.HCM (18-8), nói ngắn gọn, là ở sự cộng gộp của cấu thành nội dung và hình thức.
Tên chương trình là Thời gian được truyền đạt giản dị, tự nhiên qua việc chọn bài, sắp xếp các tiết mục khéo léo, gọn gàng.
Chỉ 21 ca khúc được chọn trong "gia tài" âm nhạc khá đồ sộ của Mỹ Linh. Không có câu từ nào diễn giải thông điệp của đêm nhạc, nhưng cách biên tập chương trình đủ cho thấy thời gian được khắc họa như một giá trị mà một ca sĩ như Mỹ Linh nương náu, song hành, nâng niu, thay vì lo sợ.
Mỹ Linh hát Đợi những ngày xuân
2 Ở mặt hình thức, không biết tới bao giờ công chúng mới có dịp thưởng thức một đêm nhạc được đầu tư kỹ càng về mặt âm thanh, âm nhạc như Mỹ Linh Tour 2018.
Với những người đi nghe nhạc, chứ không phải nghe hát, thì chương trình do đạo diễn Phạm Hoàng Nam dàn dựng, nhạc sĩ Anh Quân làm giám đốc âm nhạc chính là thành tố quan trọng cho những nhận định tích cực về đêm nhạc.
Phong cách âm nhạc của chương trình đa dạng, uyển chuyển. Mỹ Linh khước từ bản nhạc pop, country làm nên tên tuổi của mình thời kỳ đầu như Chị tôi, Hà Nội đêm trở gió, Thì thầm mùa xuân... để bước hẳn lên chuyến tàu thời gian tìm về quá khứ với bán cổ điển qua các ca khúc trong Chat với Mozart, soul/funk trong Made in Vietnam đến R&B trong Tóc ngắn và cả smooth jazz, rap trong những ca khúc được phối mới hoặc có sự hỗ trợ của giọng rap Hà Lê...
Cách lựa chọn ca khúc của Mỹ Linh hay Hà Anh Tuấn gần đây và thành công của họ cho thấy không có bản nhạc "già" hay "trẻ" mà chỉ có bản nhạc "hay" hoặc "chưa hay", tất cả phụ thuộc vào thẩm mỹ và sự đặt để của người làm nghệ thuật.
Như bản nhạc của Tchaikovsky có tuổi đời hàng trăm năm vẫn có thể được làm mới theo phong cách rap, có sức khuấy động công chúng như phần trình diễn Ngày xa anh mà Mỹ Linh nhún nhảy, lắc lư cùng Hà Lê.
3 Về mặt ca sĩ, cùng thời điểm với hai đêm nhạc của Mỹ Linh còn có chương trình "Như một lời chia tay" của giọng hát không tuổi Khánh Ly (12-8 tại Hà Nội, 18-8 tại Hải Phòng, 19-8 tại Quảng Ninh, 25-8 tại Nha Trang, 1-9 tại Đà Nẵng, 8-9 tại Buôn Ma Thuột).
Khi nhạc Việt có nhiều ca sĩ đang tỏ rõ dấu hiệu "muốn toan về già" trong sáng tạo âm nhạc thì những giọng ca 42 tuổi như Mỹ Linh, 73 tuổi như Khánh Ly vẫn hát, vẫn tiếp tục "đi tour".
Ừ thì họ có quyền nghỉ ngơi hay quyền được im tiếng (dù các tác phẩm âm nhạc của họ vẫn không ngừng vang lên ở nhiều nơi chốn) và theo đó có thể đối mặt với lời phán xét "xuống dốc"; nhưng nếu không tiếp tục dấn thân thì sao họ biết nhạc của mình đang "trẻ" hay "già", hoặc đang ở triền dốc nào của đời mình.
Ngoài phong độ ổn định của chủ nhân đêm nhạc trong suốt chương trình thì điểm cộng với nhiều khán giả là tinh thần dám làm mới qua những bản phối không hề an toàn, trong đó gây ấn tượng lớn nhất là phần phối khí mới mẻ của nghệ sĩ trẻ đến từ dàn kèn của Trường Berklee (Hoa Kỳ) cho liên khúc Nhớ mưa và Những giấc mơ dài được Mỹ Linh hát với Bùi Anh Tuấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận