Biếm họa "Công ăn việc làm mới đây, công ăn việc làm nóng hổi đây" - Ảnh: The Mercury News
Tôi cho rằng ông Trump đang gây áp lực lên mọi quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Việt Nam không thể né tránh áp lực ấy, thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU) cũng không.
Bà Alicia Garcia Herrero (kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Natixis)
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố ba phán quyết sơ bộ về sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam. Trong đó, bộ này xác định một số sản phẩm thép có nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan được chuyển tới Việt Nam để "chế biến sơ bộ" và sau đó xuất sang Mỹ.
Vì vậy, Bộ Thương mại Mỹ áp đặt mức tiền thế chân phải đóng (cash deposit rate) với mặt hàng này là 456,23%.
Động thái "bình thường"
Bản tin đầu tiên về sự kiện này xuất hiện trên Bloomberg với tiêu đề Mỹ áp thuế nhập khẩu hơn 400% lên thép Việt Nam. Mức tiền thế chân với hàng nhập khẩu vào Mỹ (cash deposit rate) nêu trên xuất hiện trên khắp các kênh truyền thông khác với ý nghĩa tương tự thuế nhập khẩu.
Thuế nhập khẩu là chủ đề nhạy cảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Đây được xem là công cụ để ngành thương mại Mỹ "đòi lại công bằng" với không chỉ Trung Quốc, mà cả các nước - nền kinh tế đồng minh của Washington ở châu Âu và châu Á.
Câu chuyện ngành thép Việt Nam được quan tâm đặc biệt khi Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bloomberg giật tiếp một bài với tựa đề: Ngay cả những kẻ đang thắng trong thương mại vẫn có thể thua. Cứ hỏi Việt Nam.
Trên thực tế, mức tiền thế chân với hàng nhập khẩu chưa phải là mức thuế cuối cùng, mà chỉ là khoản tiền "tạm thu" vào thời điểm nhập khẩu, như một dạng dự phòng tới khi cuộc điều tra về nguồn gốc sản phẩm có kết luận cuối cùng. Mỗi năm, các công ty đều có cơ hội yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại mức thu khoản tiền này và chênh lệch thừa - thiếu sau đó sẽ được các bên quyết toán lại.
Tờ báo tiếng Anh của Đài Loan Taiwan News trong bài viết về vấn đề này cũng đã có điều chỉnh. Trong phần đính chính, Taiwan News lưu ý đã có nhầm lẫn về "đối tượng" phải đóng khoản tiền cọc này, theo đó chỉnh thành "sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam bị cáo buộc có nguồn gốc từ Đài Loan và Hàn Quốc".
Dù sao đi nữa, có thể thấy việc thu tiền trước tới 456,23% cho thấy Mỹ thực sự rất chú ý vào các sản phẩm thép bị cáo buộc.
Tuy nhiên, vấn đề là liệu câu chuyện có thể hiểu là Mỹ đang nhắm trực tiếp vào Việt Nam hay không, và liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa Việt Nam vào danh sách đối tượng cho các loạt thuế nhập khẩu mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giáo sư Julien Chaisse tại Trường Luật thuộc Đại học Hong Kong cho rằng đây là một động thái bình thường của Mỹ.
Chuyên gia về quy định và phát triển kinh tế toàn cầu này lý giải: "Bộ Thương mại Mỹ cho rằng một số công ty Hàn Quốc và Đài Loan muốn điều hướng sản phẩm của họ sang Việt Nam để né thuế quan cao hơn từ Mỹ. Không có gì ngạc nhiên cả. Đây là hoạt động thông thường của Mỹ, vì vậy tôi cho rằng phản ứng của Mỹ không lạ lắm.
Trong một trường hợp khác, hải quan Mỹ cũng đang điều tra 6 công ty Mỹ nghi né thuế chống bán phá giá khi nhập khẩu và phân loại sai ống thép do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu vào Mỹ qua Campuchia".
Cẩn tắc vô ưu
Ngoài Campuchia như giáo sư Chaisse điểm ra, thực tế website của Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố một loạt tỉ lệ tiền cọc mới lên sản phẩm thép dùng trong xây dựng của Trung Quốc và Mexico hôm 8-7. Trước đó nữa, biện pháp tương tự cũng được sử dụng với magie xuất khẩu của Israel.
Chính vì vậy, theo bà Alicia Garcia Herrero - kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở ở Paris, Pháp), Mỹ đang gây áp lực lên khắp nơi, chứ không riêng Việt Nam. Tuy vậy, nguy cơ Việt Nam thực sự là đối tượng áp thuế nhập khẩu rộng khắp của Mỹ không phải là không có.
Bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis - Ảnh: Research Gate
"Việt Nam càng đóng vai trò "tái xử lý" trong thương mại và giúp các nước khác né thuế thì sẽ càng chịu áp lực từ Mỹ nhiều hơn. Bản thân Việt Nam cũng có thể đối diện nguy cơ bị Mỹ áp thuế nên phải cẩn trọng" - bà Herrero nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách thặng dư thương mại với Mỹ và cũng là cái tên được Tổng thống Mỹ Trump nhắc tới không ít lần. Cách đây vài tháng, cũng Bloomberg đưa tin về nguy cơ Việt Nam bị dán mác thao túng tiền tệ và có khả năng bị Mỹ áp thuế nhập khẩu, dù Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định nguy cơ này khó có thể thành hiện thực, xét việc Việt Nam không vi phạm các tiêu chí của Mỹ.
Nhưng sự cẩn trọng là cần thiết và các động thái đảm bảo an toàn cho thương mại vẫn được triển khai. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần trước, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định đã trao đổi với Bộ Công thương sau sự kiện Mỹ thu tiền cọc với thép.
Theo bà Thu Hằng, Bộ Công thương đã khuyến cáo doanh nghiệp trong nước về những thay đổi trong luật lệ, quy định, "những yêu cầu khắt khe hơn" của các đối tác thương mại nước ngoài, bao gồm Mỹ. Vì vậy, có thể các doanh nghiệp cần điều chỉnh nguồn cung nguyên liệu, sử dụng nguyên liệu trong nước và nguồn khác để tránh nguy cơ bị áp thuế.
Thêm vào đó, các nỗ lực kiểm tra và rà soát nguồn gốc sản phẩm tại Việt Nam cũng được triển khai mạnh mẽ trong bối cảnh thương mại toàn cầu căng thẳng. Đây là việc trước sau gì cũng phải làm và chỉ là một bước chuẩn bị để đảm bảo lợi ích, tránh những va chạm trong giao thương quốc tế.
Để tận dụng cơ hội
Việt Nam là một trong những nền kinh tế được nhắc tới nhiều nhất trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Dù luôn xuất hiện trên mặt báo như một quốc gia đang "hưởng lợi", bản thân Việt Nam vẫn chủ động tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu từ cọ xát Mỹ - Trung.
Bà Herrero cảnh báo Mỹ và Trung Quốc là những đối thủ cạnh tranh chiến lược, hiện nay sẽ khó tìm thấy giải pháp trong ngắn hạn. Và vào lúc này, Việt Nam đang tìm thấy những giải pháp mở rộng thị trường để giảm tác động, đơn cử là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
"Thỏa thuận thương mại với EU đã bị trì hoãn đôi lúc. Nhưng giờ áp lực thoát khỏi Trung Quốc đang thúc đẩy EU tìm các đối tác mới và Việt Nam là địa điểm như vậy - bà Herrero nói - Việt Nam sẽ gặt hái lợi ích trong trung hạn, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang. Không ai có thể chỉ sản xuất trong nước thôi đâu, chắc chắn với EU và Mỹ cũng vậy".
Lợi bất cập hại với Mỹ
Truyền thông cũng như giới chuyên gia kinh tế ở Mỹ gần như nhất trí rằng các khoản thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đánh vào các mặt hàng thép nhập khẩu có hại hơn là có lợi cho ngành thép nội địa của Mỹ.
Dưới tiêu đề “Những khoản thuế thép của Trump khiến U.S. Steel thiệt hại 5,5 tỉ USD giá trị thị trường”, báo Los Angeles Times bình luận rằng động thái của tổng thống Mỹ nhắm vào các sản phẩm thép nước ngoài “đã làm tăng tốc sự suy tàn của các xưởng thép Mỹ mà chính ông ấy thề sẽ hỗ trợ”.
“Sự háo hức bởi các khoản thuế rất mạnh tay đã làm tăng sản lượng ở Mỹ, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại khiến nhu cầu (thép) suy giảm - Los Angeles Times phân tích - Điều đó làm giảm giá, gây ra khoảng cách lớn giữa các công ty như Nucor Corp., vốn sử dụng các lò chạy điện chi phí vận hành rẻ hơn để tái chế thép đã dùng thành sản phẩm thép và những công ty như U.S. Steel Corp., vốn sử dụng lò cao kiểu cũ đắt đỏ hơn”.
Số liệu thị trường cho thấy kể từ khi ông Trump tuyên bố các khoản thuế đánh vào thép nhập khẩu 16 tháng trước, U.S. Steel đã mất gần 70% giá trị thị trường, tương đương 5,5 tỉ USD và phải cho hai nhà máy tạm ngưng hoạt động vào giữa tháng 6 do không có lãi, với mức giá thép ở Mỹ xuống thấp nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, Nucor đã công bố các dự án mới trị giá 2,5 tỉ USD, dù giá trị thị trường của hãng này cũng giảm 20%.
“Phải cẩn thận với những gì ta muốn” - Timna Tanners, chuyên gia phân tích ở Bank of America, nói. Bà gọi việc ngành thép ở Mỹ gia tăng sản lượng quá nhanh khi không có đủ cầu có thể dẫn tới “Steelmageddon”, hay “Tận thế của ngành thép”.
Tanners cũng bình luận rằng thật “trớ trêu” khi những khoản thuế đánh vào thép nước ngoài lại là “sự trừng phạt với một số công ty thép Mỹ”.
Bà phân tích rằng các loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu thường chỉ có ích với các ngành công nghiệp còn non trẻ, cần sự bảo hộ nhất định thị trường trong nước, trong khi ở Mỹ ngành thép là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhất, không còn nhiều triển vọng tăng trưởng, ngay cả với các khoản thuế mới.
HẢI MINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận