02/06/2017 08:51 GMT+7

Mỹ có dễ rút khỏi Thỏa thuận Paris?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris ngày 1-6 của Tổng thống Donald Trump chỉ là khởi đầu cho một quá trình pháp lý kéo dài trong nhiều năm.

Nhóm phi chính phủ Oxfam phản đối các lãnh đạo G7 về việc tính toán quá nhiều trong Thỏa thuận Paris - Ảnh: Reuters
Nhóm phi chính phủ Oxfam phản đối các lãnh đạo G7 về việc tính toán quá nhiều trong Thỏa thuận Paris - Ảnh: Reuters

“Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả bảo vệ đất nước và người dân Mỹ, tôi quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rõ ràng trước báo giới tại Nhà Trắng vào chiều 1-6 (rạng sáng 2-6, giờ VN).

Trước tuyên bố này một ngày, Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence cũng trực tiếp gọi điện cho các nhà lãnh đạo tại Quốc hội để thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ bước đi này.

Về nguyên tắc, các quốc gia chỉ có thể rút khỏi Thỏa thuận Paris 3 năm sau ngày nó có hiệu lực - tức bắt đầu từ ngày 4-11-2016.

Thỏa thuận chung Paris là một phần của Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), vốn có hiệu lực từ năm 1994 và bao gồm 197 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ.

Thượng viện Mỹ phê chuẩn UNFCCC năm 1992 dưới triều tổng thống George H.W. Bush. Tổng thống Trump có hai lựa chọn về cách rút khỏi Thỏa thuận Paris:

1. Nếu ông Trump vận dụng “phương án hạt nhân” rút ra khỏi UNFCCC, ông có thể đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris trong một năm.

2. Nếu đi đúng trình tự, bắt đầu từ tháng 11-2019, ông Trump có thể gởi thông báo yêu cầu rút khỏi Thỏa thuận Paris. Sau khi UNFCCC nhận được yêu cầu, Mỹ sẽ chính thức “rời sân” sau một năm, tức sớm nhất là tháng 11-2020. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần tới tại Mỹ.

Cơ chế thoát ly này được những người xây dựng Thỏa thuận Paris cố tình thiết kế để các chính phủ có đủ thời gian cân nhắc trước khi rời thỏa thuận.

Tổng thống Trump có thể đổi ý từ đây cho đến cuối năm 2019, thời điểm ngay trước cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp.

Các nhóm đấu tranh vì môi trường nhận định Thỏa thuận Paris được thiết kế để tồn tại bền vững, và một chính quyền mới của Mỹ có thể đưa Washington trở lại thỏa thuận, tất nhiên với điều kiện Mỹ không thoát ly khỏi UNFCCC.

Có thể thấy trong phát biểu chiều 1-6 về quyết định của mình, Tổng thống Donald Trump có nói Mỹ có thể tái đàm phán Thỏa thuận Paris hoặc tái gia nhập dưới các điều khoản khác để công bằng hơn, tức có lợi hơn cho Mỹ.

Rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống Donald Trump trong năm ngoái.

Nhà Trắng coi đây là “một thỏa thuận tồi” vì cho rằng nó bất công đối với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.   

Nhưng các chuyên gia nhận định một quá trình tái đàm phán như vậy sẽ rất khó vì gần như tất cả các nước đã đồng ý với nội dung đạt được năm 2015, các nền kinh tế hàng đầu cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì kể cả trong trường hợp Mỹ ra đi.

Giới phân tích cho rằng bước đi này một lần nữa thể hiện quan điểm chính sách của Tổng thống Trump là coi “Nước Mỹ trên hết”. 

Những người ủng hộ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu cảnh báo quyết định của Tổng thống Trump có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất, đồng thời tạo cơ hội cho các nước khác như Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này. 

Ngay sau khi Tổng thống Trump công bố quyết định trên, cựu Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích khi cho rằng rút Mỹ khỏi thỏa thuận là hành động “bác bỏ tương lai” của chính nước Mỹ. 

Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, mà cựu Tổng thống Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 197 nước thành viên.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế nhận được tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.

Thỏa thuận này qui định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục