Phóng to |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (bìa trái) gặp gỡ Tổng thống Thein Sein tại thủ đô Naypyidaw trong chuyến đi lịch sử đến Myanmar - Ảnh: AFP |
“Còn chưa đến lúc để chúng tôi có thể xem xét việc dỡ bỏ những trừng phạt do những lo ngại của chúng tôi đối với một số chính sách cần được thay đổi” - AFP dẫn lời bà Hillary Clinton tuyên bố với báo giới nhân chuyến thăm lịch sử hai ngày tại Myanmar, sau khi nước này đã liên tiếp có những cải cách trong nhiều tháng qua.
“Tôi đến đây là bởi vì Tổng thống Obama và tôi đều được khích lệ bởi những bước đi mà ngài và chính phủ của ngài đã làm cho người dân nước mình” - bà Hillary Clinton nói trong cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar.
“Chuyến thăm của bà là lần đầu tiên sau năm thập niên. Chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử và sẽ là một chương mới trong quan hệ” - Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh. “Tôi đánh giá cao bầu không khí mà bà đã tạo nên cho những quan hệ thân thiện” - ông Thein Sein, người từng khoác áo lính, nói thêm.
AFP cho biết trước cuộc thảo luận kín với Tổng thống Thein Sein, bà Hillary Clinton đã gặp Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin. Theo các quan chức Mỹ, bà Hillary Clinton đã bày tỏ những lo ngại của mình liên quan đến mối quan hệ quân sự được cho là có với CHDCND Triều Tiên, cho dù Mỹ không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu đáng kể nào về một chương trình vũ khí hạt nhân trong nước. Bà cũng nhiều lần đề cập Myanmar cần trả tự do cho tất cả tù chính trị. Tháng 10-2011, Myanmar đã trả tự do cho 200 tù chính trị.
Theo lịch trình, bà Clinton còn đến Yangon để gặp lãnh đạo phe đối lập là bà Aung San Suu Kyi. Trước đó, trong một cuộc trao đổi qua truyền hình giữa Myanmar và Washington, bà Aung San Suu Kyi, con gái của tướng Aung San - anh hùng của nền độc lập Myanmar đã bị ám sát, đã cho rằng chuyến thăm của bà Hillary Clinton sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi ở Myanmar.
Trước chuyến thăm của bà Hillary Clinton, tại Bắc Kinh, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiếp lãnh đạo các lực lượng quân sự Myanmar Min Aug Hlaaing.
Bình luận về “sự nhanh chân” này của Bắc Kinh, báo South China Morning Post dẫn lời giáo sư Phạm Hồng Vĩ, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn ở Trung Quốc, cho rằng “ý định của Myanmar cho thấy nước này không muốn để quan hệ với Trung Quốc trở nên tồi tệ... và luôn tìm cách cân bằng những lợi ích của mình giữa phương Đông và phương Tây”.
Để giữ Myanmar ở phía mình, Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt tại Myanmar, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Còn Mỹ khi thúc đẩy những bước đi của mình ở châu Á đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận