Chiến dịch đổ bộ với biệt hiệu Neptune này đã chính thức mở mặt trận thứ hai chống phát xít tại châu Âu, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chủ nghĩa phát xít Đức, sớm giải thoát châu Âu khỏi cuộc chiến hủy diệt khi đó đã kéo dài tới gần năm năm.
Phóng to |
“Ngày D”
6g30 sáng 6-6-1944 (vẫn được giới lịch sử và quân đội gọi là “Ngày D”), hơn 150.000 quân của hơn mười nước đồng minh đã đổ bộ dọc bờ biển dài hơn 80km ở miền bắc nước Pháp trong một ngày mưa gió xám xịt. Khoảng 7.000 tàu quân sự và máy bay được triển khai trong cuộc đổ bộ này. “Ngày D” vẫn được coi là một trong những đợt huy động quân sự lớn và phức tạp nhất từng được triển khai trong lịch sử. Tính đến cuối “ngày dài nhất” đó, đã có 156.000 quân đồng minh đặt chân lên đất Pháp để đối mặt với cuộc chiến khốc liệt cùng quân Đức đang cầm cự ở đây. Cho đến nay không có con số chính xác về thương vong nhưng ước tính có khoảng 10.000 quân đồng minh đã thiệt mạng, bị thương và mất tích, trong khi quân Đức mất 4.000-9.000 quân.
Chiến dịch Neptune được coi là then chốt nhằm làm cho quân Đức phân tán (trước đó phần lớn quân chủ lực Đức đều được dồn vào mặt trận phía đông tại Liên Xô), tạo điều kiện giải phóng châu Âu và chấm dứt nhanh Thế chiến thứ hai. Trước đợt đổ bộ vào Normandy, quân đồng minh đã dàn chiến dịch Fortitude nhằm đánh lạc hướng quân Đức, khiến Đức tin rằng cuộc đổ bộ sẽ diễn ra ở bờ biển Pas-de-Calais - nơi có khoảng cách gần hơn với Anh. Cuối cùng quân đội đồng minh lại quyết định đổ bộ vào Normandy, một địa điểm khó khăn hơn, nhưng giúp họ tránh được “bức tường Đại Tây Dương” mà quân Đức xây dựng ở Pas-de-Calais bằng hàng rào thép gai, xe tăng dày đặc cùng hàng triệu quả mìn cài dọc chiến tuyến này.
“Ngày D” ban đầu được dự kiến là ngày 5-6 nhưng sau đó buộc phải hoãn một ngày do thời tiết xấu. Chỉ huy chiến dịch khổng lồ này không ai khác chính là tướng Dwight Eisenhower, người sau này trở thành tổng thống Mỹ trong những năm 1950. Ngoài quân Mỹ, Anh, Canada là nòng cốt, cuộc đổ bộ còn có sự tham gia của quân gần mười nước nữa. Chiến dịch Neptune chính thức kết thúc vào ngày 30-6-1944 sau khi hơn 850.000 quân, 150.000 xe cộ và 570.000 tấn quân nhu cập bờ biển Normandy của Pháp.
Những tranh cãi
Cho đến nay vẫn còn những tranh cãi xung quanh cuộc đổ bộ vào Normandy, đặc biệt là chiến dịch không kích của quân đồng minh vào khu vực dân cư cùng cáo buộc sát hại các tù binh Đức. Theo BBC, có khoảng 20.000 thường dân Pháp bị sát hại trong hai tháng rưỡi kể từ “Ngày D”. Cuộc đánh bom thị trấn Caen khiến hàng ngàn dân thường thiệt mạng là không có tác dụng về mặt quân sự khi hầu hết quân Đức đều đóng ở phía bắc và hầu như không bị ảnh hưởng gì.
Các nhà sử học nói một trong những quan điểm sai lầm nhất về chiến trận tại Normandy là cho rằng quân Đức sẽ chiến đấu với tinh thần bạc nhược. Theo Emmanuel Thiebot - nhà sử học tại Viện bảo tàng lịch sử ở Caen, thực tế là quân đồng minh lại bị bất ngờ khi đối mặt với sự chống trả quyết liệt của quân Đức. Đô đốc Bernard Montgomery của Anh từng dự tính sẽ chiếm được Caen vào tối 6-6 nhưng thực tế mãi đến ngày 9-7 ông mới chiếm được một nửa Caen và đến tận 20-7 mới chiếm được nửa còn lại. Khoảng 215.000 quân đồng minh đã hi sinh trong toàn bộ chiến dịch Normandy.
Không còn nhiều nhân chứng sống của “Ngày D” lịch sử năm nào. Những thanh niên mới ở tuổi ngoài 20 ngày nào giờ đã
80-90 tuổi và nhiều người sẽ khó còn sống đến lần kỷ niệm thứ 70 của năm năm nữa. Dù vậy, những đóng góp của họ đối với lịch sử nhân loại trong chiến công đánh bại chủ nghĩa phát xít là không thể phủ nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận