![]() |
Thuyền nặng ngao, sò cập bến |
Xưa lặn bộ nay lặn máy
Trong hơn 100 thợ lặn, chiếm quá nửa tổng số thanh niên trai tráng của làng Xuân Hòa, xã Thạch Bằng (Hà Tĩnh) có đến 40 người lặn có “bằng”. Họ tự hào “con trai Xuân Hòa đẻ ra là biết lặn, biết bơi”. Tự hào hơn khi họ kể chuyện ông Thú Đỉnh - sư phụ nghề lặn của làng - từng lặn bộ dưới biển cửa Sót sâu hàng chục mét để tháo cái chân vịt của tàu chiến Pháp đem về làm kỷ niệm hồi năm 1953.
Có lần tàu biệt kích Pháp chở súng đạn định đổ bộ lên vùng biển Thạch Bằng do va phải đá ngầm bị chìm ngoài cửa Sót, ông Đỉnh lại được dân quân xã cử đi lặn lấy mấy chục khẩu súng cối trong đêm khuya. Năm nay đã gần 80 tuổi, tai có hơi lãng đôi chút nhưng ông Đỉnh vẫn chưa quên chuyện lặn. Ông nói: “Ngày xưa chúng tôi lặn bộ bắt con vẹm, hến cơm là hết. Lặn quanh năm suốt tháng nhưng nhà vẫn nghèo vì lặn bộ không hết khả năng của mình, với lại hồi đó chưa có phong trào ăn hải sản như bây giờ. Nay thanh niên toàn lặn máy nên họ giàu lên là phải”.
Kể chuyện lặn máy, hội thợ lặn gồm những con “rái cá” nổi tiếng như Khắc Hùng, Công Hòa, Khắc Chiêng, Hữu Huấn, Văn Tưởng, Ngọc Bích đều nhắc đến ông thầy Khánh từ Quảng Ngãi ra bày nghề. Khi từ Quảng Ngãi vượt biển đến Thạch Bằng mua hàng, những thương gia hải sản đã phát hiện Xuân Hòa là một làng có truyền thống lặn bộ nổi tiếng. Thế là họ tính bài truyền nghề lặn máy cho thanh niên trong làng và tạo lập “vệ tinh” để khi cần họ thuê đi lặn. Vì thế suốt dọc dài vùng biển phía bắc miền Trung có bao nhiêu làng biển, nhưng chỉ có mỗi làng Xuân Hòa thạo nghề và trở thành “đội quân thiện chiến”. Nơi đây tóc của thợ lặn nào cũng vàng hoe như tóc nhuộm và mắt của họ thì vàng lơ như mắt tây.
Dưới đáy biển
![]() |
Sau 5 phút chuẩn bị là có thể lặn xuống biển |
Ngày 18-10, sau một cuộc rượu trưa tôi theo hội Văn, Tưởng đi lặn ngoài đảo Mắt. Ngư trường cách bờ 15 hải lý, sâu chừng 20 sải (tương đương 30m). Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những thợ lặn “hóa mình” vào bộ đồ nhái chỉ trong dăm phút rồi nhảy ào ào như lao xuống biển, lặn một mạch dài đến bốn giờ mới ngoi lên.
Khi lặn, mỗi người ngậm phía đầu một cái vòi có chiều dài 100-150m. Vòi này được nối qua cái đai chì đeo quanh người (trước đây lặn bộ thì đeo đá để có đủ độ nặng giữ người dưới biển) và nối liền với bình dưỡng khí được vận hành nhờ máy thủy (máy nổ vừa đưa thuyền đi vừa cung cấp hơi cho máy nén khí đưa hơi vào bình dưỡng khí). Thoáng chốc cả sáu thợ lặn đã chìm vào đáy biển.
Trên con thuyền tròng trành sóng liên hồi đập đi đập lại chỉ còn chú lơ thuyền và tôi. Chú lơ tên Hải đứng gác thuyền, gác máy. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chú là không để thuyền người khác đi qua vùng lặn kéo theo những dây nhựa đang nổi bồng bềnh trên mặt biển đang nối liền với miệng của thợ lặn để cung cấp khí thở; gỡ các dây khi sóng biển làm rối vào nhau và đổ nước mát cho các máy trên thuyền đủ sức chạy trong nhiều giờ liền.
Là một thợ lặn trẻ biết hết mọi chuyện mưu sinh dưới biển, Hải kể: “Dưới đáy biển, thợ lặn phai dùng một cái dùi bằng sắt hoặc con dao nhọn để cạy những con ngao, con sò bám rất chắc vào hang đá. Nơi không có bãi đá, thợ phải có đôi mắt thật tinh để có thể phát hiện những “mánh” của con hàng. Đó là khi làn cát tự nhiên bị sụt xuống do ngao, sò đang di chuyển dưới cát. Khi ấy chỉ cần dùng bàn tay cào cát hoặc luồn sâu vào cát là bắt được”.
- Có khi nào gặp rắn biển không? - tôi hỏi.
- Gặp thường. Nhưng gặp rắn thì bắt rắn. Nhiều chuyến thợ lặn còn lừa tôm hùm, mực nang vào hang và quần cả những con cá mú nặng 30kg cho mệt lử rồi vây lưới bắt ngon ơ nữa kìa...
- Còn mùa đông lạnh thì sao?
- Sá gì, mặc cho giữa biển lạnh buốt. Tất nhiên những lúc ấy họ chỉ lặn khoảng một giờ rồi lên nghỉ một chặp, sau đó lặn tiếp. Thợ lặn không sợ lạnh, chỉ sợ nhất đang lặn thì gặp biển nổi bão, dông, gió.
Bước nhảy từ lặn bộ sang lặn máy đã giúp những hội thợ lặn làng Xuân Hòa có điều kiện chinh phục những vùng biển xa, rộng lớn hơn. Nhưng công cuộc mưu sinh dưới đáy biển không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trong làng lặn, anh em đã phải lặng lẽ mang những cái tang...
Đầu tiên là Cường - một thợ trẻ. Cường chết trong tư thế đang đeo đá vào người để tập lặn. Khi nhảy xuống, vòi nối miệng với máy dưỡng khí bị bật ra. Sau 30 phút không thấy động tĩnh, người trên thuyền kéo vòi lên thì Cường đã chết.
Kế đến là anh Hồ, 37 tuổi, cùng bảy người khác đi lặn thuê trong biển Phan Thiết. Đang lặn thì máy nén khí bị hỏng. Năm phút sau thấy bay thợ nổi lên nhưng anh Hồ lặn sâu quá 30m, không ai thấy. Anh em lại lặn xuống tìm, nhưng...
Ba hôm sau xác anh Hồ nổi lên trong bộ đồ nhái. Mới đây biển Thanh Hóa rộ sò, có thợ lặn được hơn 1 triệu đồng/ngày. Thấy thế mấy người xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc sang mượn thuyền người Xuân Hòa đi lặn. Do lặn không quen, gặp máy bị trục trặc người trên thuyền không kịp sửa nên hai thợ lặn chết chìm dưới biển.
Tôi bấm đồng hồ đến giờ thứ ba rồi mà vẫn chưa thấy thợ lặn nào ngoi lên. Hải bảo còn đúng một giờ nữa. Dân thợ lặn tuy không có ai đeo đồng hồ nhưng đến giờ là họ biết, nếu không làm sao đi lặn thuê được. Đúng tầm đủ bốn giờ Hải đứng dậy thông báo: “Họ đang lên đấy”. Quả thật, cả sáu người thợ lần lượt hiện lên như những con nhái biển. Người nào cũng mang một túi lưới đầy chặt những ngao, sò huyết, hến đỏ, cua đá, tôm hùm.
Lên thuyền vừa mới cất kính bảo hiểm mắt đã thè lưỡi cười hả hê. Tôi hỏi: “Có lặn tiếp được không?”. Thợ lặn đồng thanh: “Cứ trong vòng 12 giờ có hàng là lặn, kể cả lặn tìm tàu hàng, tàu đứt neo chìm ngoài biển xa”. Con thuyền trở nên chật chội và đằm hẳn xuống bởi hơn 20 tạ hàng được mò lên từ đáy biển. Tưởng co mình cởi bộ đồ nhái nói: “Nhiều lần lặn ở tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh bọn tôi phải thuê xe tải chở hàng về đấy...”.
Nói đoạn cả tốp thợ thi nhau bàn về chuyện chiếc tàu cổ cùng với ba khẩu súng thần công vừa được thợ lặn xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phát hiện cách ngư trường đảo Mắt 10 hải lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận