Nghiên cứu mới đây cho thấy con người sẽ thấu hiểu đối phương tốt nhất khi tập trung vào lời nói mà không cần các yếu tố phi ngôn ngữ - Ảnh: Cyberbullying Research Center
Trước giờ hầu hết mọi người đều nghĩ khi trò chuyện, nói kết hợp với những cử chỉ phi ngôn ngữ, nhất là trên mặt, giúp người nghe có cảm giác hiểu hơn về những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
Tuy nhiên theo Karus - nhà tâm lý học xã hội ở trường Đại học Yale, Mỹ, cũng là tác giả của nghiên cứu được đăng trên tạp chí American Psychologist, sự hợp nhất của các giác quan trong giao tiếp có thể phân tán khả năng chú ý.
Nghiên cứu của Karus mô tả một chuỗi 5 thí nghiệm thu hút khoảng 1.770 người, trong đó những người tham gia được yêu cầu đánh giá khả năng thấu hiểu cảm xúc người khác trong những tình huống cụ thể bằng cách sử dụng một thang độ.
Cụ thể, ở một trong 5 thí nghiệm đó, 266 tình nguyện viên chia thành các cặp và được yêu cầu trao đổi với nhau về những trải nghiệm với các bộ phim, chương trình tivi, đồ ăn thức uống trong hai hoàn cảnh: một trong phòng sáng và một trong phòng tắt đèn.
Kết quả cho thấy những người tham gia có thể hiểu những câu chuyện của nhau hơn và nắm bắt được cảm xúc tốt hơn trong phòng tắt đèn, tức không thấy mặt nhau.
Ở một thí nghiệm khác, khoảng 600 người tham gia trực tuyến lần lượt xem 3 video của 3 người phụ nữ giao tiếp trong các trường hợp: thứ nhất là cuộc hội thoại trong phòng đèn sáng, thứ hai là đoạn hội thoại trong căn phòng tối với đoạn video được sử dụng công nghệ nhìn xuyên ban đêm, thứ ba là chỉ có phần ghi âm của cuộc hội thoại trong phòng tối.
Kết quả, những người tham dự có thể xác định được tốt nhất cảm xúc 3 phụ nữ này trong trường hợp chỉ có âm thanh.
Thí nghiệm cho thấy người ta hiểu cảm xúc đối phương tốt hơn khi không nhìn thấy ngôn ngữ cử chỉ của họ - Ảnh: videoblocks.com
"Con người thực sự giỏi trong việc sử dụng nhiều giác quan để truyền tải cảm xúc, tuy nhiên những nghiên cứu trong quá khứ chỉ chú trọng chủ yếu đến những biểu hiện trên gương mặt", Kraus nói.
Karus cho rằng những biểu hiện gương mặt có khả năng che giấu những cảm xúc thật của con người, nhưng điều này khó xảy ra với giọng nói. Karus kết luận để hiểu cảm xúc của người khác, quan trọng là căn cứ vào nội dung những gì người ấy nói và cách sử dụng ngôn ngữ của người ấy.
Giáo sư Sophie Scott, người đứng đầu một nhóm diễn thuyết ở trường Đại học London đồng ý với kết quả nghiên cứu khi cho rằng con người thường có khả năng kiểm soát gương mặt tốt hơn giọng nói khi họ có cảm xúc.
Bà cũng đồng ý trong một số trường hợp, giọng nói và gương mặt có thể tiết lộ cho người nghe những câu chuyện khác nhau, thậm chí là đối lập. Tuy nhiên, những thí nghiệm của nhóm Karus chưa thể bao quát hết được những cảm xúc đa dạng của con người.
Ray Wilkinson, giáo sư trên lĩnh vực giao tiếp ở trường Đại học Sheffield (Anh) cũng cho rằng nghiên cứu thật thú vị, nhưng các kết quả chủ yếu dựa vào những tình huống giả lập chưa thể phản ánh đúng sự tương tác ngoài đời thực.
Ông cũng chia sẻ trong những buổi diễn thuyết, nội dung của bài nói là điều quan trọng không bàn cãi, tuy nhiên những cử chỉ của diễn giả có thể giúp người nghe dễ thấu hiểu hơn ở những điểm quan trọng cần nắm bắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận