02/06/2016 21:12 GMT+7

Muốn được miễn giảm thuế xuất nhập khẩu vẫn chưa dễ

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Nhiều ý kiến tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 2-6 tại TP.HCM cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội thảo ngày 2-6 - Ảnh: N.Bình

Hội thảo do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Phân tích một số quy định mới trong dự thảo nghị định, ông Nestor Scherbey - cố vấn liên minh thuận lợi hóa thương mại VTFA - cho rằng các điều kiện miễn trừ quy định trong dự thảo nghị định rất rối rắm, chưa kể để có thể chứng minh đủ điều kiện hưởng các miễn trừ.

Doanh nghiệp phải chịu gánh nặng hành chính phát sinh. Chúng vô tình bỏ qua lợi ích của hoạt động tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời trái với thông lệ quốc tế tốt nhất cũng như xu hướng toàn cầu.

Chẳng hạn, quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh và dịch vụ bưu chính có giá trị dưới 1 triệu đồng, nếu giá trị hàng hóa vượt mức quy định trên, hàng hóa sẽ phải chịu thuế cho toàn bộ giá trị lô hàng.

Ông Nestor cho rằng quy định này không phù hợp với những thông lệ quốc tế nhất và trái với quy tắc quy định trong hiệp định thương mại thế hệ mới để tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới.

Liên quan đến nộp thuế, quy định nộp thuế trước khi thông quan và giải phóng hàng nếu doanh nghiệp sử dụng bảo lãnh ngân hàng thay cho tiền mặt hoặc thanh toán điện tử với khoảng thời gian 30 ngày chỉ tạo chi phí phát sinh thêm cho các doanh nghiệp VN và khiến khả năng tín dụng của doanh nghiệp bị giới hạn, doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi.

Yêu cầu hàng hóa được giải phóng theo bảo lãnh ngân hàng cũng phải chịu các chi phí phát sinh của lãi suất phạt.

Ông Nestor đề xuất không nên tính lãi suất phạt với việc trả chậm theo bảo lãnh ngân hàng, đồng thời giảm các chi phí bổ sung.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bảo - phó tổng giám đốc Công ty Agrivina - cho biết nhiều quy định trong dự thảo mới nếu áp dụng vào thực tế rất dễ tạo ra một loạt diễn biến sau đó gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Lấy ví dụ quy định hàng miễn thuế phải là “vật tư trong nước chưa sản xuất được”, ông Bảo nói bản thân doanh nghiệp đã chịu hậu quả của quy định này.

Gần 20 năm qua doanh nghiệp nhập khẩu nhà kính được miễn thuế, nhưng bất ngờ đến năm 2004, Cục kiểm tra sau thông quan thông báo mặt hàng này trong nước sản xuất được rồi, mà không có văn bản nào làm cơ sở. Họ chỉ nói căn cứ vào mấy công văn của Bộ Kế hoạch - đầu tư và truy thu doanh nghiệp gần 8 tỉ đồng, kể cả tiền phạt.

“Chúng tôi thấy rất vô lý. Thế nhưng khi khảo sát, sản phẩm nhà kính trong nước rất đơn giản trong khi nhà kính mà doanh nghiệp nhập khẩu giá trị hàng triệu USD kèm theo thiết bị tự động, đóng mở mái… Vì vậy, nếu quy định những mặt hàng vật tư trong nước sản xuất được thì cần kèm theo tiêu chuẩn VN, nếu cao cấp hơn mức đó thì doanh nghiệp được nhập khẩu mà không chịu thuế”, ông Bảo đề nghị.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phó tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết ban soạn thảo sẽ chọn lọc và tiếp thu những ý kiến góp ý vào dự thảo nghị định để đảm bảo các quy định cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lẫn ngành hải quan.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên