16/06/2020 19:17 GMT+7

Muốn dời ximăng Thăng Long và Hạ Long phải thương thảo với doanh nghiệp

B.NGỌC - T.THẮNG
B.NGỌC - T.THẮNG

TTO - Doanh nghiệp đã đầu tư, cần thời điểm khấu hao, thu hồi vốn, giờ chính quyền quyết định di dời phải thương thảo cho phù hợp - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh trong buổi gặp mặt báo chí chiều 16-6 tại Hà Nội.

Muốn dời ximăng Thăng Long và Hạ Long phải thương thảo với doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (giữa) cho rằng việc di dời nhà máy phải thương thảo với doanh nghiệp - Ảnh: L.Q.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản đề xuất Bộ Xây dựng không cho phép đầu tư dây chuyền 2 hai nhà máy ximăng Thăng Long và ximăng Hạ Long, đồng thời chỉ cho phép hoạt động dây chuyền 1 của hai nhà máy đến năm 2030.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời tỉnh Quảng Ninh, Bộ Xây dựng lại đề nghị Quảng Ninh nghiên cứu, xem xét đề xuất của các chủ đầu tư cho tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của các nhà máy.

Bộ Xây dựng: mở rộng nhà máy để "thu hồi vốn cho doanh nghiệp"

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết thêm hai dự án khởi sự cách đây hơn 10 năm, khi đó tỉnh Quảng Ninh quyết định cho đầu tư trong bối cảnh phát triển đô thị chưa lan tới khu vực xây dựng 2 nhà máy.

Thời điểm đó tỉnh quyết định đầu tư là đúng quy định pháp luật. Nhưng sau này nhu cầu phát triển đô thị rất nhanh, quy hoạch tỉnh cũng thay đổi theo hướng Quảng Ninh ưu tiên phát triển du lịch sinh thái thay vì phát triển công nghiệp ximăng nên dẫn tới điều chỉnh.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - giải thích thêm hai nhà máy ximăng Thăng Long và Hạ Long được Thủ tướng phê duyệt theo quy hoạch phát triển công nghiệp ximăng Việt Nam, đã được chấp thuận đầu tư trong quy hoạch cả dây chuyền 1, dây chuyền 2.

Dây chuyền 1 của hai nhà máy được xây dựng từ những năm 2008 - 2010, mọi trình tự đầu tư 2 nhà máy đúng theo quy hoạch được duyệt. Được cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương cho phép xây dựng và đầu tư sản xuất.

Hiện công ty đang hoạt động sản xuất bình thường. Nhà máy ximăng Hạ Long đã đầu tư một phần dây chuyền sản xuất giai đoạn 2, Nhà máy ximăng Thăng Long cũng đã đầu tư xây dựng và có giấy phép đầu tư giai đoạn 2.

Cũng theo vị này, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP Hạ Long, 2 nhà máy ximăng trên mới nằm trong quy hoạch để phát triển TP Hạ Long.

Quy hoạch của TP Hạ Long là mới, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị cho triển khai đầu tư dây chuyền 2 của hai nhà máy và tiếp tục vận hành dây chuyền 1 của các nhà máy để thu hồi vốn doanh nghiệp đã đầu tư và cung cấp sản phẩm cho xã hội.

Muốn dời ximăng Thăng Long và Hạ Long phải thương thảo với doanh nghiệp - Ảnh 2.

Tỉnh Quảng Ninh cho rằng Nhà máy ximăng Thăng Long cơ bản hết nguyên liệu - Ảnh: G.L.X

Quảng Ninh: "vùng nguyên liệu cơ bản đã hết"

Ngày 16-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Quảng Ninh - cho biết sau khi Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị cho tiếp tục triển khai giai đoạn 2 hai nhà máy, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản phản hồi, tiếp tục giữ quan điểm cho dừng, không triển khai giai đoạn 2 hai nhà máy ximăng.

Lý do, trong điều chỉnh quy hoạch không gian phát triển TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, các nghị quyết của HĐND tỉnh, đặc biệt nghị quyết nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long để khu vực vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm TP Hạ Long mở rộng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Nếu giai đoạn 2 các dự án nhà máy ximăng nói trên tiếp tục triển khai sẽ nằm ở vị trí giữa trung tâm TP Hạ Long mở rộng, khi đó quá trình xây dựng, sản xuất, khai thác mỏ nguyên liệu, vận chuyển ximăng, clinke… chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới cảnh quan, môi trường, đời sống dân cư cũng như phát triển du lịch địa phương" - ông Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, nguyên nhân khác để tỉnh đề xuất dừng triển khai giai đoạn 2 là do vùng nguyên liệu hai dự án nói trên hiện cơ bản đã hết, không còn nhiều.

Về ý kiến hoài nghi cho rằng Quảng Ninh nêu cao việc bảo vệ môi trường nhưng thực chất để thu hồi, chuyển đổi đất, ông Tuấn khẳng định đây là quy hoạch chiến lược của tỉnh, địa phương chỉ đề xuất không triển khai giai đoạn 2 các dự án, còn giai đoạn 1 đã triển khai thì vẫn thực hiện khai thác đến năm 2030, sau đó sẽ dừng và chuyển nhà máy.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ quan điểm phát triển của tỉnh là bám sát định hướng chuyển đổi phương thức sản xuất từ "nâu" sang "xanh", tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, khai khoáng theo định hướng xanh, sử dụng các biện pháp công nghệ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển đô thị và các ngành dịch vụ, du lịch để hướng tới phát triển dịch vụ du lịch theo định hướng bền vững.

Quảng Ninh nói không với việc xây thêm nhà máy xi măng, nhiệt điện Quảng Ninh nói không với việc xây thêm nhà máy ximăng, nhiệt điện

TTO - Đó là nội dung được ông Nguyễn Văn Đọc, bí thư kiêm chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, quán triệt trong buổi chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra ngày 13-7.

B.NGỌC - T.THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên