Phóng to |
Các bạn trẻ Nam Phi ở thành phố Johannesburg thả lên trời 95 quả bóng bay, tượng trưng cho tuổi thọ của Mandela - Ảnh: Reuters |
Khi hay tin Nelson mất, trên trang Twitter của Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) đã đăng bức ảnh đất nước Nam Phi tươi đẹp chụp từ vệ tinh. Dòng Tweet của NASA có đoạn: “Trong thời khắc tưởng niệm sự ra đi của Nelson Mandela, đây là hình ảnh Nam Phi chụp từ trạm không gian ISS”. Bức ảnh lột tả nơi ông đã gắn bó cả đời cho đấu tranh vì bình đẳng chủng tộc: nhìn từ không gian, mũi Hảo Vọng của Nam Phi nhô ra giữa muôn trùng sóng như tinh thần đấu tranh bất khuất của ông.
Không nến và hoa, tuần báo Time nổi tiếng của Mỹ tưởng niệm người anh hùng theo cách đặc biệt: tung ra ấn phẩm đặc biệt dành riêng cho cuộc đời và sự nghiệp của Nelson Mandela phát hành ngay từ ngày 11-12. Trong quãng đời 95 năm, Nelson đã xuất hiện trên bìa Time sáu lần, nhưng đây là bức ảnh đặc biệt nhất của ông do nhiếp ảnh gia Hans Gedda chụp năm 1990, trong chuyến đi đến Thụy Điển sau 27 năm ông bị cầm tù.
Ở ngoại ô Johannesburg - trước bãi cỏ nhà Nelson, trẻ em Nam Phi đến xếp những tảng đá cuội trong vườn thành dòng chữ: “Chúng cháu yêu ông - Mandela”. Ở thị trấn Soweto - nơi Mandela sống trước khi bị cầm tù, người dân tụ tập trước ngôi nhà gạch ông ở cất lên những khúc hát ca ngợi tự do.
Ở mỗi người đều tìm được cảm tình, sự đồng cảm với tinh thần đấu tranh của Nelson. Trên Twitter, danh thủ Cristiano Ronaldo đăng ảnh anh chụp với Nelson. Cả hai cười tươi với chiếc áo cầu thủ in màu cờ Bồ Đào Nha. Ronaldo bày tỏ niềm kính trọng: “Cảm ơn Madiba vì di sản của ông và tấm gương của ông. Ông sẽ ở lại mãi mãi với chúng ta”.
Bên kia Đại Tây Dương, nhà hát Apollo ở khu Harlem (thành phố New York, Mỹ) - nơi Nelson từng đến thăm năm 1990 - đã chạy bảng hiệu với dòng chữ “Tưởng niệm Nelson Mandela - người đã thay đổi thế giới chúng ta”. Chính tại khu Harlem nghèo khó - nơi cộng đồng người Mỹ gốc Phi chiếm đa số - dấu chân của Nelson đã đến để đem tư tưởng bình đẳng, bác ái cho dân Mỹ sau Lincohn và Luther King.
Trên mạng xã hội Twitter và Facebook, hashtag (thẻ chủ đề) #RIPNelsonMandela, #Madiba và #RIPMandela ngay lập tức trở thành chủ đề được chia sẻ nhiều nhất khi tin ông Mandela qua đời được công bố.
Thống kê của trang mạng News24 cho biết cứ mỗi phút trôi qua lại có 80 tin nhắn với hashtag #RIPNelsonMandela gửi lên Twitter. Ngoài những lời bày tỏ thương tiếc, nhiều người còn gửi lên những hình ảnh và câu nói bất hủ của Mandela.
Trong khi đó, số lượt “like” trang Facebook của ông Mandela tăng vọt lên hơn 2,2 triệu người và trang này cũng tràn ngập lời chia sẻ của những người yêu mến ông Mandela trên khắp thế giới.
Các nguyên thủ quốc gia, ngôi sao Hollywood, vận động viên thể thao khắp thế giới đều chọn mạng xã hội để bày tỏ tình cảm của mình trước sự ra đi của ông Mandela, và mạng AOL đã dành riêng một trang để tổng hợp các tin nhắn Twitter của họ. Trong số này có Tổng thống Iran Rouhani, nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey, các nghị sĩ danh tiếng của Mỹ...
Nơi đó, dấu ấn Mandela...
Ngôi nhà số 8115 từng được Mandela kể trong hồi ký Đường dài đến tự do (Long walk to freedom) rằng đấy là “tâm điểm thế giới của tôi”. Ông sống ở đây từ năm 1946 và đến năm 1990 sau khi ra tù, Mandela đã quay lại mái nhà xưa trước khi chuyển sang nơi ở khác. Khi chúng tôi tìm đến, ngôi nhà đã được gọi là Bảo tàng nhà Mandela (Mandela House Museum). Phải mất gần hai giờ để bạn xem hết những tư liệu, hình ảnh, bút tích, vật dụng liên quan đến Mandela trưng bày bên trong và khó ai rời nơi đây mà không khỏi chiêm nghiệm về giá trị của một cuộc đời cống hiến cho tự do như Nelson Mandela. Bằng cách nào đó, hình ảnh Mandela trở thành bất tử từ những gì vẫn còn hiện hữu ở đất nước cực nam châu Phi. Đến Cape Town, chúng tôi đến thăm đảo Robben cách đất liền khoảng 12km. Hằng ngày có khoảng 4-6 chuyến tàu đưa khách ra đảo nhưng không phải ai cũng dễ dàng có may mắn đặt chân lên nơi Mandela từng bị giam cầm. Đơn giản bởi chuyến đi có thể bị hủy bất cứ lúc nào nếu biển động mạnh và thời tiết xấu. Hòn đảo rộng 5,07km² này là nơi giam giữ chính trong suốt khoảng thời gian Mandela ngồi tù (ông bị giam 18 năm ở đây trong tổng số 27 năm ngồi tù). Tôi nhớ hướng dẫn viên hôm đó cho biết rằng “tất cả phòng giam, trại giam, sân đập đá, tháp canh, tường rào... đều được giữ nguyên”. UNESCO công nhận Robben là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999 - chín năm sau ngày Mandela ra tù. Gây ấn tượng và xúc động mạnh nhất chính là khi đến phòng giam Nelson Mandela. Gian phòng rộng 4m2 rất tĩnh lặng, chỉ vỏn vẹn một cái bàn nhỏ, một thùng nhôm, tấm thảm nhỏ và mền gối Mandela từng nằm. Thế nhưng từ căn phòng có điều kiện sống tối thiểu như vậy, Mandela đã giữ vững tinh thần đấu tranh để đưa đất nước Nam Phi thoát khỏi chế độ apartheid. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Những câu chuyện đời thường của huyền thoại MandelaNam Phi bắt đầu 10 ngày tưởng nhớ ông MandelaLịch trình dự kiến lễ tang ông MandelaMandela - Từ “kẻ gây rối” tới “người vĩ đại”Người Việt ở Nam Phi: “Khắp nơi thương tiếc Mandela”Theo dõi loạt bài về "Người tù thế kỷ" Nelson Mandela
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận