05/05/2020 10:56 GMT+7

Muốn bình thường, phải giữ chữ 'mới'

NGUYÊN HẢI
NGUYÊN HẢI

TTO - Sáng 4-5-2020, trường học cả nước đều đã mở cửa đón học sinh sau đợt nghỉ hơn 90 ngày. Hệ thống xe buýt, vận tải liên tỉnh cũng đã được phép hoạt động. Háo hức, tất bật nhưng rất cần kỷ luật để cùng xây dựng trật tự xã hội mới.

Muốn bình thường, phải giữ chữ mới - Ảnh 1.

Quán cà phê trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) chỉ cho tối đa 20 khách ngồi lại và đặt bàn giữ khoảng cách theo quy định - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Hầu như mọi người đều quay lại sở làm, những buổi giao ban, chào cờ đầu tuần lại diễn ra dù người tham dự phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang... Bao người lao động tự do đang hi vọng cơ hội công ăn việc làm mới.

Háo hức quay lại nhịp sống cố định

Cuộc sống tất bật và năng động hơn ở từng nhà khi người lớn đánh thức trẻ con thức dậy đến trường cho kịp giờ. Trẻ con nhớ bạn bè, trường lớp, thầy cô, được mặc đồng phục đi học là điều thích thú lắm. 

Nhưng đến trường vẫn phải giữ khoảng cách, bạn bè cô trò chào nhau qua khẩu trang, dè dặt nói chuyện, chưa thể chạm nhau. Nhiều trường quy định giải lao tại chỗ, giờ chơi sân trường vắng lặng.

Đường phố sáng 4-5 đông hơn, vội vã hơn. Hàng quán hầu hết đã mở cửa với khí thế mới. Người buôn bán mong chờ ngày bình thường sớm đến, gác lại những ngày âu lo ế ẩm, thưa thớt khách hàng. Niềm vui đi làm ngày bình thường mới cũng để tạm gác lo lắng về thu nhập, tiền thuê nhà, điện nước...

Bụi mịn, nạn kẹt xe, tiếng loa kẹo kéo của người rao hàng, sự nhộn nhịp quán xá... đã trở lại, nhưng hôm nay nó chứng tỏ sự khôi phục. 

Đã qua những ngày "nín thở chống dịch" cùng sụt giảm về kinh tế, nguy cơ thất nghiệp, thiếu ăn, mà nay chuyển sang giai đoạn "sống chung với dịch".

Đây không giống sự trở lại sau một kỳ nghỉ. Hành trình khôi phục sẽ diễn ra từng bước một với vài thử nghiệm cùng sự thận trọng. Sẽ có không ít những chuyện không thể thực hiện đồng nhất, vẫn còn rất nhiều hoạt động chưa có quy chuẩn, tiêu chí và thiếu sót là chuyện khó tránh.

Phòng dịch: kỷ luật là trên hết

Nêu một ví dụ dễ thấy từ việc giữ đúng khoảng cách ở trường. Lớp học trên dưới 50 học sinh, bàn kê san sát, làm sao tổ chức ăn ngủ bán trú cho an toàn như ý muốn? Đó là cái khó của hệ thống trường học và mỗi nơi khó mỗi kiểu. 

Nếu trường học chưa thể tổ chức bán trú, phụ huynh sẽ rối bời trăm kiểu khi không thể bỏ công việc lo đưa đón, cơm nước cho con. Rồi cả chuyện học của trẻ, em học trực tuyến, em không giờ ráp lại cũng là một chuyện không dễ hài hòa.

Rồi dịch vụ công hoạt động bình thường trở lại sẽ phát sinh nhiều chuyện từ những ngày nghỉ dồn lại. Hàng quán, công ty hoạt động lại sẽ tiếp đón và phục vụ khách cách nào cho an toàn và hiệu quả cũng không dễ thực hiện thống nhất giữa các nơi.

Xe buýt, xe liên tỉnh hoạt động lại kết nối giao thương và nhiều hoạt động dân sinh khác (thăm viếng, khám chữa bệnh...), kèm theo đó là những yêu cầu vệ sinh phòng dịch. 

Đơn cử như chuyện giữ an toàn phòng dịch trên xe buýt sẽ không dễ thực hiện đồng bộ khi ý thức chấp hành quy định, tuân thủ khuyến cáo chưa được thực hiện ở từng người.

Hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo chuyện phòng dịch, cái khó từ những chuyến xe, từng trường học đã không thể xem là chuyện dễ khi dân mình nhiều người vẫn thích thoải mái theo ý mình, rất hay cự cãi, thậm chí xô xát khi nhắc nhở nhau thực hiện quy định chung. Nghĩ rộng ra, những xung đột trong trạng thái bình thường mới sẽ còn phát sinh nhiều.

Chẳng ai có thể dự đoán chắc chắn điều gì, sẽ có những bối rối trong việc thực thi quy định của Chính phủ. 

"Sống chung với dịch" cần sự tuân thủ "kỷ luật" phòng dịch như cách chúng ta đã làm được thời gian qua. Trở lại nhịp sống đời thường càng cần tinh thần này. Chấp hành trước đã, chuyện gì chưa chuẩn vừa làm vừa điều chỉnh.

Cũng như giai đoạn toàn lực kìm hãm sự bùng phát của dịch, đây là lúc một người vì mọi người, tôn trọng quyết định trong khuôn khổ nơi làm việc, không gian mình sống, cũng như tuân thủ các quy định khi di chuyển, mua sắm... 

Nhịp sống bình thường với sự tự do mà chỉ khi phải bị cách ly toàn xã hội do dịch bệnh mới thấy đáng quý này vô cùng mong manh nếu không chung tay giữ gìn, để không phải đối diện với điều xấu hơn.

Giãn cách xã hội giúp giảm tối đa sự lây lan của virus, chứ không ngăn được 100% sự lây nhiễm trong cộng đồng. Có những người mang mầm bệnh không có triệu chứng, những ca dương tính trở lại, nguồn "lây lan thầm lặng" có thể tạo ra "làn sóng lây nhiễm thứ hai" khi thế giới vẫn chưa có vắcxin hay thuốc đặc trị virus corona.

Nhưng thực tế cho thấy việc kiểm soát tốt hoàn toàn có thể giúp ngăn chặn được sự lây lan của dịch COVID-19, để không phải quay lại những ngày "bế quan tỏa cảng", bóp nghẹt nền kinh tế.

Rời thói quen cũ

* Dù cho phép các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động trở lại, chỉ thị 19 của Thủ tướng yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Nhiều người đã nhanh chóng quay lại thói quen cũ, "quên" chuyện phòng dịch. Không ít người đã phớt lờ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách khi tiếp xúc để sinh hoạt thoải mái theo ý mình bắt đầu từ mấy ngày lễ vừa qua.

Khi thành phố Đà Lạt đón khách du lịch trở lại, nhiều người đã "hết hồn" khi thấy cảnh nhiều du khách và người địa phương chen chúc nhau trong đám đông, rất nhiều người không mang khẩu trang.

Bất cứ đâu cũng có thể thấy những hình ảnh vô tư như chưa từng có dịch bệnh. Quán nhậu khắp nơi đầy ắp khách khứa, dù quy định không tụ tập quá 30 người vẫn còn hiệu lực.

Ngay tại TP.HCM, những ngày lễ yên ắng hơn mọi năm nhưng không ít nơi vẫn xôm tụ, quán xá bờ kè đông đúc, tụ tập hàng chục người từng góc phố, vỉa hè uống đến say mèm.

Cơ quan chức năng sẽ không thể xử lý hết mọi trường hợp, tuy nhiên không vì thế mà lơ là phòng dịch. Nếu ai cũng vô tư kiểu này bất chấp các quy định thì ai sẽ giữ thành quả công tác phòng chống dịch suốt mấy tháng qua?

TẠ TƯ VŨ (TP.HCM)

* Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi những thói quen hằng ngày của nhiều người.

Trong đám tiệc, nhiều người có thói quen gắp thức ăn cho nhau để thể hiện lòng hiếu khách. Nhưng nay nhiều người đã không dùng muỗng, đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để đảm bảo vệ sinh, phòng ngừa những mầm bệnh có thể lây lan.

Thói quen tay bắt mặt mừng giờ cũng phải thay đổi. Nhiều nước cũng đã có những khuyến nghị cụ thể để thay đổi văn hóa chào hỏi phòng dịch bệnh.

Chiếc khẩu trang trở nên là vật bất ly thân của tất cả mọi người. Ở nơi công cộng, gặp gỡ nhiều người, khả năng lây nhiễm cao (khi có mầm bệnh), khẩu trang là một lá chắn hữu hiệu để ngăn ngừa.

Và không chỉ với COVID-19, khẩu trang ngăn chặn bụi, hạn chế được vi khuẩn, virus và chất độc nhỏ li ti có trong không khí, tránh được những bệnh về hô hấp, cảm cúm...

Khi nhiều người có thói quen mới: đeo khẩu trang thường xuyên ở những nơi công cộng như bệnh viện, bến xe... cũng là một thay đổi có lợi cho sức khỏe cộng đồng.

Mình vì mọi người, mọi người vì mình, bệnh dịch không chừa một ai nếu thờ ơ và chủ quan. Những thói quen tốt sau dịch bệnh để tìm sự hài hòa, văn minh hơn trong cộng đồng.

LÊ TẤN THỜI (An Giang)

'Mới' trong 'cuộc sống bình thường mới'

TTO - 'Cuộc sống bình thường mới' không có nghĩa bỏ hết những thói quen, lề lối cũ mà chúng ta phải nhìn ra những điều cần thay đổi để thích ứng trong điều kiện mới, sau những ngày chống dịch.

NGUYÊN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên