02/05/2009 02:42 GMT+7

Mười cô gái Lam Hạ - Kỳ 3: Tóc dài quấn khẩu pháo

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Trong ký ức một thời vệ quốc hào hùng của những nữ dân quân còn sống như bà Trương Thị Nhàn, Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Thị Mạn đến giờ vẫn chưa quên được cô hoa khôi Đinh Thị Tâm của đội nữ dân quân Lam Hạ.

Trở về Lam Hạ bây giờ, ngôi nhà xưa của cô dân quân Đinh Thị Tâm vẫn còn nằm ven con đường rợp bóng cây xanh, gần bên quốc lộ 1 và cũng kề bên đài tưởng niệm mười nữ liệt sĩ Lam Hạ có khắc ghi tên tuổi cô. Đó cũng là mảnh đất từng thấm đẫm máu Tâm trong ngày cô anh dũng chiến đấu và hi sinh.

sfahjIph.jpgPhóng to

Di ảnh của liệt sĩ Đinh Thị Tâm

Kỳ 1: Ngày quyết tử Kỳ 2: Tiếc gì tuổi xuân

Tuổi 18 hiên ngang

Năm 1965, Tâm viết đơn tình nguyện gia nhập dân quân lúc mới 17 tuổi. Tâm nổi tiếng xinh đẹp nhất thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ với mái tóc đen mượt, dài thướt tha chấm gót. Bạn bè chọc ghẹo: “Xinh gái thế sao không lấy chồng sớm mà lại xin đi chiến đấu”. Cô cười, trả lời dứt khoát: “Đất nước chiến tranh, nhà nào cũng có người ra trận để bảo vệ Tổ quốc. Tôi là chị lớn nhất trong nhà nên phải xung phong đi trước các em chứ”.

Ngày 1-10-1966 quyết tử với máy bay Mỹ, Tâm vừa chớm tuổi 18. Bà Trương Thị Nhàn nhớ mãi nhà họ gần trận địa phòng không nên Tâm và bà là hai trong những người có mặt sớm nhất khi còi báo động chiến đấu vang lên. Bộ đội thiếu pháo thủ phải phối hợp dân quân. Tâm cột mái tóc dài của mình lên và giơ tay tình nguyện trực tiếp chiến đấu trong khẩu đội pháo 37 ly ở Đình Tràng. Các bạn nữ dân quân của Tâm người chiến đấu trên mâm pháo cùng bộ đội, người phục vụ hậu cần, tải thương...

Mặc dù chưa có kinh nghiệm chiến đấu với máy bay Mỹ, nhưng Tâm và đồng đội nữ vẫn không hề nao núng. Họ bình tĩnh đợi máy bay Mỹ vào đúng tầm ngắm mới giáng trả từng loạt đạn cao xạ quyết liệt làm chúng khó có thể oanh kích chính xác các mục tiêu hạ tầng muốn tàn phá. Sau ba trận kiên cường chiến đấu, Tâm tranh thủ lúc máy bay Mỹ tạm rút chạy vội về nhà xem tình hình bố mẹ và các em. Như có linh cảm trước về sự ra đi không về, Tâm cứ nắm chặt tay bố mẹ rồi nhắn nhủ các em: “Chị có mệnh hệ gì các em ráng chăm sóc bố mẹ và lớn lên đi trả thù thay chị!”. Rồi chưa kịp múc gáo nước rửa gương mặt xinh đẹp lấm lem thuốc súng và bùn đất, Tâm lại lao ra trận địa tiếp tục chiến đấu.

10g20, tám máy bay của không quân Mỹ lại lao đến. Lần này chúng thay đổi chiến thuật bay cao từ biển lẫn vào dãy núi rồi mới bất ngờ ngoặt lại oanh kích để có bị trúng đạn thì bay thẳng thoát ra biển nhanh hơn. Thay vì tập trung đánh mục tiêu hạ tầng như các trận trước, chúng dồn hỏa lực bom và rocket vào trận địa cao xạ để dọn đường cho các phi đội sau. Nhắc những giây phút cuối cùng bên đồng đội, bà Trương Thị Nhàn vẫn rưng rưng nhớ: “Hết tốp máy bay này đến tốp khác lao vào trận địa. Tâm và chúng tôi nghiến răng bắn trả, không người nào lùi bước. Bất ngờ, một loạt bom của đợt oanh kích thứ tư rơi sát ụ pháo. Tâm hi sinh mà mắt vẫn mở, tay vẫn cầm đạn pháo chuẩn bị nạp bắn. Còn mái tóc dài cuốn sau gáy của cô bị sức bom xõa tung cuốn chặt vào khẩu pháo”.

Dân quân tải thương chạy đến. Bố Tâm và các em cũng lao ra tìm cô. Không ai kìm được nước mắt nhìn bụng Tâm bị mảnh bom phạt đổ cả ruột ra ngoài, nhưng gương mặt cô vẫn xinh đẹp, dịu dàng như trước lúc ra trận. Suốt ngày hôm đó các trận chiến ác liệt cứ nối tiếp nhau. Người cha khiêng thi hài Tâm đặt nằm tạm trong vườn mía để tránh bom, nơi mà mới chiều trước cô còn vào chọn cây mía ngon nhất cho các em và đồng đội chiến đấu.

PHoLrnQ5.jpgPhóng to

Anh Kiên nhớ mãi chị mình tập luyện chiến đấu rất hăng say, cứ giải lao lại véo von tiếng sáo -Ảnh: Quốc Việt

Chị đi không về

Hơn 40 năm đã trôi qua, những gì còn lại của người con gái xinh đẹp chỉ là một bức di ảnh đã ố vàng. Người em trai Đinh Công Kiên vẫn không kìm được nước mắt khi nhắc nhớ lại chuyện chị mình. Ngồi trong ngôi nhà cũ từng có hình bóng chị, ký ức của anh về Tâm không chỉ là người chị xinh đẹp mà còn giỏi giang và thương em. Bố Tâm làm thợ may, cô tự học lóm mà cũng thạo nghề của bố. Nhà nghèo lại đông đến sáu chị em, Tâm là chị cả nên học hết lớp 7 phải nghỉ để gánh vác việc gia đình. Ngoài thời gian tham gia dân quân, cô là thợ may trong nhà máy Phủ Lý. Những đêm vào vụ lúa, cô còn thức đi cấy đêm với bạn bè.

“Chị tôi vất vả, sẻ nhường từng chén cơm, củ khoai cho các em, nhưng vẫn vui vẻ ca hát suốt” - anh Kiên kể. Từ nhỏ Tâm đã thích ca hát và tự tập luyện đến thành thạo đàn guitar lẫn sáo, lúc nào cô cũng có cây sáo bên người, kể cả trong những buổi tập luyện và chiến đấu chống máy bay. Vừa là công nhân, chiến sĩ, Tâm còn là cô giáo tình nguyện dạy múa hát trong phong trào thanh thiếu niên Lam Hạ. Lúc ấy Kiên còn nhỏ cũng thường được chị dẫn đi theo cho xem, kể cả trong những buổi tập luyện chiến đấu. Anh nhớ mãi hình ảnh chị mình tập luyện chiến đấu rất hăng say, cứ giải lao lại véo von tiếng sáo. Có hôm cô còn leo lên cả một cành cây cao bên trận địa để vừa hát vừa thổi sáo cho các bạn nghe. Và một anh bộ đội ở nơi khác đến chiến đấu tại Lam Hạ ngỏ lời trái tim với Tâm. Hai người đã tính chuyện trăm năm nhưng Tâm không kịp mặc áo cô dâu!

Kể lại kỷ niệm cũ, các đồng đội của Tâm như bà Tình, bà Nhàn đến giờ vẫn chưa quên được những đêm đợi chiến đấu bên cô. Cấp trên nhận định máy bay Mỹ sắp đánh lớn nên yêu cầu mọi người trực chiến. Các cô nằm ôm nhau trong hào bên ụ pháo, hết rủ rỉ chuyện riêng tư họ lại đề nghị Tâm hát. Và cô không bao giờ từ chối chuyện này. Tiếng hát của cô vút cao giữa trận địa. Hát xong cô lại rút sáo ra thổi. Tiếng sáo réo rắt trong đêm vắng làm các cô dân quân tạm quên đi cuộc chiến đang đến gần. Tâm còn hứa với bạn bè: “Nếu mình sống qua chiến tranh sẽ tổ chức một đám cưới thật vui để mời bạn bè đến dự. Và cô dâu chắc chắn sẽ lại hát cho các bạn nghe”. Các cô gái đã ngoéo tay nhau thay lời hẹn tương lai, nhưng...

Trước ngày 1-10-1966, Tâm đang làm việc trong xưởng may. Nhận tin không quân Mỹ sắp tấn công Phủ Lý, cô xin bố vào làm thay để mình kịp về trận địa chiến đấu cùng các bạn. Buổi sáng trước lúc ra trận địa, Tâm còn đang luộc dở nồi khoai cho em ăn đi học. Như có linh cảm trước, Tâm không giắt sáo theo giống thường ngày mà đưa lại cho em Kiên giữ. Rồi Tâm ra đi không về. Bố và các anh chị phải gạt nước mắt ra trận địa lo cho các thương binh khác, đành để thi hài Tâm nằm tạm trong vườn mía. Một mình Kiên ngồi lặng bên thi thể chị giữa tiếng đạn bom vẫn rền vang. “Nếu chị hi sinh, mai mốt em lớn sẽ trả thù cho chị nhé!”. Nghe lời chị dặn, Kiên nuốt tiếng khóc mà nước mắt cứ chảy ra ướt đầm mặt chị.

__________________

Trong số mười cô gái Lam Hạ ra trận có hai chị em ruột lên đường với quyết tâm: “Đã là chiến sĩ thì phải chiến đấu đến cùng”. Một cô bị thương nặng, mảnh bom phạt bụng và làm gần đứt lìa chân. Cô nén đau, nói bác sĩ cắt chân mình mà khỏi cần gây mê, để dành thuốc cho các thương binh nặng hơn.

Kỳ tới: Đừng buồn nhé, mẹ ơi!

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên