01/05/2009 06:03 GMT+7

Mười cô gái Lam Hạ - Kỳ 2: Tiếc gì tuổi xuân

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - 43 năm đã trôi qua sau ngày quyết chiến máu lửa 1-10-1966, năm tháng vẫn chưa thể xóa nhòa được nụ cười hồn nhiên, xinh đẹp của mười nữ liệt sĩ Lam Hạ trong di ảnh và cả trong lòng những đồng đội còn sống. Khi trích máu tay viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng dân quân phòng không chiến đấu với máy bay Mỹ, có cô mới 15-17 tuổi.

Nhiều cô còn chưa một lần được ăn bữa cơm no, mặc tấm áo đẹp hay nhận bó hoa của người con trai thương yêu trao tặng. Tuy nhiên, họ vẫn hiên ngang chiến đấu và dũng cảm nhận lãnh hi sinh với niềm tin sắt đá: lấy máu mình để bảo vệ Tổ quốc.

2Hf0Q9oS.jpgPhóng to
Chiến sĩ Ngô Tiến Vạnh năm xưa và mô hình chiếc máy bay Mỹ bị bộ đội phòng không Lam Hạ bắn rơi - Ảnh: Q.Việt

Kỳ 1: Ngày quyết tử

Bức tường lửa

Làng quê Lam Hạ ngày nay bình yên với những ngôi nhà ngói đỏ lô nhô giữa ruộng đồng và ao vườn xanh mát. Trong những năm chiến tranh chống không quân Mỹ đánh phá ác liệt, mảnh đất hiền hòa bên bờ Châu Giang này từng là một bức tường lửa kiên cường bảo vệ Hà Nam và cửa ngõ phía nam Hà Nội.

Giở lại nhật ký chiến đấu, ông Ngô Tiến Vạnh, nguyên trợ lý trinh sát tiểu đoàn 6 phòng không chiến đấu ở Phủ Lý, kể Lam Hạ có vị trí phòng thủ rất quan trọng trên bản đồ quân sự. Ngoài quốc lộ 1 chạy qua, địa bàn xã còn có 3km đường sắt, 3km đê Châu Giang, trạm bơm và hai cầu phao, cầu chìm phục vụ quân sự, mà đặc biệt là cầu Phủ Lý trên huyết mạch quốc lộ 1. Mỗi khi cầu Phủ Lý bị đánh phá, hai cầu phao, cầu chìm phải được bảo vệ bằng mọi giá để thông xe quân sự. Đây cũng là nơi bộ đội phòng không cất giấu nhiều kho đạn pháo và tên lửa phòng không sẵn sàng phục vụ các trận địa lân cận chiến đấu.

"Chị em hăng hái tình nguyện vào dân quân, có người còn nói nếu mình hi sinh thì cũng làm liệt sĩ tiếp tục phù hộ Tổ quốc"

Trong những ngày cao điểm chiến đấu với máy bay Mỹ, tám trận địa phòng không được bố trí liên hoàn ở các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm của Lam Hạ. Đặc biệt, ngoài các trận địa này còn có lực lượng phòng không cơ động hỗ trợ chiến đấu hoặc bổ sung pháo thủ khi trận địa nào có thương vong.

Không chỉ bảo vệ các mục tiêu hiểm yếu tại địa bàn, các trận địa phòng không Lam Hạ cũng là nơi có tầm quan sát và bắn rất tốt để bảo vệ phía đông bắc thị xã Phủ Lý. Trước những ngày chiến đấu ác liệt, chỉ huy bộ đội phòng không đã phổ biến dự báo tình hình máy bay Mỹ sẽ tập trung đánh ác liệt ở Hà Nam. Chiến sĩ phòng không sẽ phải căng sức chiến đấu trong mọi tình huống. Ngoài Lam Hạ, các trận địa phòng không khác cũng được bố trí ở Phù Vân và các cửa ngõ tây nam, đông nam thị xã Phủ Lý...

Do tập trung chi viện cho tiền tuyến miền Nam, bộ đội phòng không ở Hà Nam còn rất mỏng, cần phối hợp tác chiến với dân quân địa phương. Từ ngày 5-8-1965, đại đội dân quân Lam Hạ được thành lập. Và hầu hết dân quân đều là các cô gái ở làng quê, vì trai tráng địa phương đã đi chiến đấu ở tiền tuyến. Có cô đang là nông dân, công nhân, giáo viên, thậm chí mới rời ghế nhà trường và rất ít người đã có gia đình. Đại đội ban đầu do hai nam chiến sĩ là Trương Đình Bắc, Nguyễn Chí Liêm làm đại đội trưởng, còn các trung đội trưởng và chiến sĩ đều là nữ.

Người còn sống phải chiến đấu gấp đôi

NrzdajVi.jpgPhóng to

Giở lại kỷ vật thời chiến đấu, bà Trương Thị Nhàn lại nhớ đồng đội đã hi sinh - Ảnh: Quốc Việt

Bà Nguyễn Thị Tình, một trung đội trưởng lúc ấy, kể: “Nghe các anh bộ đội nói máy bay Mỹ đánh phá ác liệt lắm, mình sẽ không tránh khỏi nhiều thương vong. Nhưng chị em đều hăng hái tình nguyện vào dân quân, có người còn nói nếu mình hi sinh thì cũng làm liệt sĩ tiếp tục phù hộ Tổ quốc”. Ngoài một số cô ở tuổi đôi mươi, nhiều cô còn rất trẻ. Lúc viết đơn Nguyễn Thị Thi mới 15 tuổi còn người chị Nguyễn Thị Thu 17 tuổi. Các bạn Trương Thị Nhàn, Trần Thị Tuyết, Đinh Thị Tâm, Nguyễn Thị Thuận chưa bước sang tuổi 18. Họ lấy chính máu mình ký đơn xin chiến đấu.

Vừa tham gia sản xuất, các cô dân quân Lam Hạ vừa được bộ đội phòng không trực tiếp huấn luyện chiến đấu. Những ngày máy bay Mỹ không đánh phá, họ đi làm đồng hoặc tham gia sửa chữa cầu đường bị hư hỏng, nhiều khi họ tranh thủ làm luôn cả ban đêm để tránh máy bay trinh sát Mỹ phát hiện. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của đội nữ dân quân Lam Hạ là tập luyện thuần thục tất cả vị trí tác chiến trên mâm pháo 57 ly, 37 ly và súng 14,5 ly để sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, kể cả bổ sung ngay vị trí đồng đội hi sinh.

“Lúc ấy chị em chúng tôi còn thiếu thốn lắm. Nhiều người ra trận với manh áo vá chằng vá đụp mà bụng thì đói meo vì thiếu cơm. Tuy nhiên, sức con gái đang ở độ tuổi xuân nên đều lướt qua và vui vẻ cười hát suốt” - bà Tình xúc động nhớ lại đó là những ngày tháng vất vả nhưng rất vui. Sau ngày làm đồng, các cô thường tập luyện chiến đấu vào buổi chiều. Nhiều cô ra trận địa mà tay vẫn còn lấm lem bùn đất cấy lúa hay phấn trắng.

Lúc vào dân quân chỉ được tập luyện bắn súng trường nên ban đầu các cô cũng lúng túng khi tập sử dụng các loại pháo cao xạ cỡ lớn đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật và sự phối hợp chặt chẽ của khẩu đội nhiều người. Nhưng tinh thần của các cô thì rất cao. Họ hăng hái tập bắn máy bay trong sự động viên của người lớn và trẻ em ở làng. Lúc giải lao giữa giờ tập luyện, mọi người cười hát, chia nhau khúc mía, củ khoai, vốc đậu. Đó là tấm lòng của bà con đem ra cho con gái lót dạ để tập luyện chiến đấu. Còn những em nhỏ Lam Hạ cũng tranh thủ chặt cây lá giúp các chị ngụy trang trận địa.

Những đêm trực chiến, các cô nằm ôm nhau bên mâm pháo rủ rỉ tâm sự chuyện thầm kín như chị em trong nhà. Họ hay dặn dò: “Nếu ai đó hi sinh thì người còn sống phải chiến đấu gấp đôi, gấp ba để trả thù và bảo vệ Tổ quốc thay cho bạn”. Tâm sự chuyện hi sinh, các cô gái trẻ đều rất bình thản. Bà Trương Thị Nhàn, trung đội trưởng dân quân chiến đấu, đến giờ vẫn nhớ mãi những đêm chị em nằm dưới chiến hào đợi máy bay Mỹ. Họ dặn nhau nếu không bận chiến đấu, những người còn sống phải thường đến nhà các bạn đã hi sinh cho cha mẹ các bạn ấy đỡ buồn. Ngay cả những lúc đối mặt với cái chết, các cô vẫn nghĩ đến những người còn ở lại.

Vui nhất là lúc tâm sự chuyện yêu đương. Các cô gái trẻ chưa có bạn trai rúc rích cười nói về hình bóng chàng trai mơ ước của mình, còn những người đã có mối duyên thì háo hức tâm sự kế hoạch tương lai. Họ hứa hẹn: “Sau này hết chiến tranh, nếu người nào còn sống lập gia đình thì phải báo tin cho tất cả bạn bè biết và nhớ thắp hương cho cả những bạn đã hi sinh để cùng chia vui”.

Sống gần gũi và cùng chiến đấu bên nhau nên nỗi niềm buồn vui của từng cô cũng là nỗi niềm chung của toàn đội nữ dân quân. Cuộc chiến ác liệt đi qua, mười cô gái Lam Hạ không được nhìn thấy ngày đất nước thanh bình. Nhưng mười nỗi niềm, ước vọng tuổi thanh xuân đó vẫn đang rực cháy trong lòng đồng đội còn sống.

_______________________

Một anh bộ đội ở nơi khác đến chiến đấu tại Lam Hạ ngỏ lời trái tim với Tâm. Hai người đã tính chuyện trăm năm, nhưng Tâm không kịp mặc áo cô dâu. Lúc Tâm hi sinh, mái tóc dài con gái vẫn cuốn chặt nòng pháo như không muốn rời trận địa chiến đấu.

Kỳ tới: Tóc dài quấn nòng pháo

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên