Phóng to |
Một khẩu đội pháo 14 ly 5 của đội dân quân Lam Hạ -Ảnh tư liệu |
Bảo vệ bầu trời
Sau nhiều ngày đánh phá thị xã Ninh Bình, không quân Mỹ tiếp tục gia tăng oanh tạc Phủ Lý. Các trận địa phòng không được bố trí liên hoàn quanh thị xã Phủ Lý, trong đó chỉ riêng địa bàn xã Lam Hạ có đến tám trận địa phòng không để bảo vệ vị trí chiến lược như cầu Phủ Lý, cầu phao, đường sắt và quốc lộ 1.
43 năm đã trôi qua, bà Tình và các đồng đội còn sống vẫn chưa quên ngày quyết tử bắt đầu từ sáng sớm 1-10-1966. Nông dân Hà Nam vừa vác cuốc ra đồng thì còi báo động hụ lên. Máy bay Mỹ ồ ạt xuất hiện, gầm rít như xé nát bầu trời. Trên trận địa phòng không, các chiến sĩ pháo thủ đã sẵn sàng, những nòng pháo đen ngòm vươn lên trời nghênh chiến. Ngoài bộ đội, xã Lam Hạ còn có đại đội nữ dân quân vừa phục vụ chiến đấu vừa tham chiến trực tiếp trên trận địa.
6g15, bom Mỹ bắt đầu nổ rền Phủ Lý. Những cột khói lửa bùng lên cuồn cuộn. Đất đá văng khắp nơi. 12 chiếc máy bay vần vũ gầm rít bầu trời. Suốt từ 6g15-6g21, phi công Mỹ lợi dụng đám mây, hướng núi và ngược sáng mặt trời để chia làm các hướng tấn công ồ ạt vào trận địa phòng không và cầu đường sắt. Một đầu cầu bị bom đánh sập. Điện cao thế bị đứt. Đường dây điện thoại chỉ huy chiến đấu cũng hỏng. Nhưng các trận địa phòng không vẫn kiên cường bắn trả quyết liệt.
Ở Lam Hạ, các cô dân quân dũng cảm phơi mình dưới bom đạn tham chiến trực tiếp bên mâm pháo cùng bộ đội. Bà Trương Thị Nhàn, nữ trung đội trưởng dân quân chiến đấu còn sống, bặm môi để không bật khóc, kể lại ngày quyết chiến máu lửa: “Sáng đó còi báo động hụ lên. Tôi chỉ kịp dặn bố mẹ vào hào trú rồi lao ra trận địa Đình Tràng gần nhà. Chị em khác cũng nhanh chóng chạy đến vị trí chiến đấu. Có cô còn luộc dở nồi khoai, chưa kịp nói lời chào bố mẹ”.
Mắt nhòe mờ nhìn di ảnh đồng đội, bà Nhàn xúc động nhớ lại: “Lúc đầu mấy anh bộ đội cũng lo các cô dân quân trẻ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu máy bay Mỹ. Nhưng ngay sau đó họ thật sự mến phục tinh thần không lùi một bước của chị em”.
Trận địa phòng không thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ bố trí bốn khẩu đội pháo 37 ly dọc theo trục đường chính của xã gần quốc lộ. Ngoài các dân quân làm nhiệm vụ hậu cần, tiếp đạn, tải thương, nhiều cô như Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Trần Thị Tuyết, Đinh Thị Tâm, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương... sát vai cùng bộ đội chiến đấu bên các mâm pháo. Những gương mặt xinh đẹp lấm lem bùn đất, thuốc súng nhưng vẫn kiên cường nhìn thẳng lên bầu trời chiến đấu với máy bay Mỹ.
Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Tình, nữ trung đội trưởng năm xưa, thắp nhang trên mảnh đất từng là trận địa loang máu các nữ chiến sĩ Lam Hạ - Ảnh: Quốc Việt |
Chiến đấu trên máu đồng đội
Đợt oanh kích thứ nhất vừa chấm dứt, máy bay Mỹ lại tiếp tục tấn công đợt hai, đợt ba từ 6g52-7g31. Từng tốp 7-12 chiếc ồ ạt đánh phá thị xã Phủ Lý và các trận địa phòng không. Dưới mặt đất, chiến sĩ pháo thủ quyết liệt bắn trả. Đạn cao xạ như lưới lửa đan bầu trời làm máy bay Mỹ phải quay đầu ra biển. Tuy nhiên, các cô dân quân Lam Hạ và bộ đội chưa kịp lót lòng củ khoai, khúc mía do người dân đem ra thì máy bay Mỹ lại gầm rít trên bầu trời. 10g20, các khẩu pháo cao xạ tiếp tục khạc đạn chiến đấu với đợt tấn công thứ tư của Mỹ. Tám máy bay ném bom tập trung tấn công các trận địa phòng không, trong đó có hỏa lực cao xạ 37 ly ở Đình Tràng. Các cô gái Lam Hạ và bộ đội quyết liệt bắn trả. Tiếng pháo, tiếng bom rền vào nhau làm mọi người ù đặc tai.
Đến bây giờ bà Nhàn vẫn nhớ rõ đang lúc chiến đấu căng thẳng thì hết đạn. Nhàn và đồng đội vừa chạy đi tiếp đạn về đến khẩu đội 4 thì nghe tiếng bom nổ ầm. Máu chảy đỏ mặt nhưng Nhàn vẫn nhìn thấy khẩu đội 1, khẩu đội 2 trúng bom. Đầu người bạn chiến đấu Trần Thị Tuyết bị bom phạt mất, nhưng thật kỳ lạ thi thể cô vẫn đứng thẳng với đôi tay giữ chặt vị trí trắc thủ. Đinh Thị Tâm bị bom phá toang lồng bụng mà tay vẫn không rời đạn đang chuẩn bị nạp bắn, mái tóc dài của cô cuốn chặt vào khẩu pháo. Chị em ruột Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi cũng trúng bom. Thu hi sinh ngay vị trí chiến đấu trên mâm pháo mà mắt vẫn nhìn lên trời. Thi bị thương nặng, kịp nhắn người anh chiến đấu trả thù rồi hi sinh lúc chưa tròn 16 tuổi...
Gần thi hài những cô gái đẫm máu, các chỉ huy và bộ đội Nguyễn Đức Trọng, Đặng Bảng Nhãn, Đinh Văn Hồi, Đinh Văn Quý, Phạm Ngọc Giao... cũng đã hi sinh. Những người còn sống nuốt nước mắt, chuyển thi hài đồng đội ra chỗ khác để vào thay vị trí chiến đấu. “Máu bạn bè chảy sũng ụ pháo. Chúng tôi phải nén khóc, vốc máu bạn đổ ra chỗ khác mới tiếp tục chiến đấu được!”.
Bà Nhàn nấc nghẹn, kể suốt ngày đó những cô gái Lam Hạ và bộ đội đứng ngay nơi bạn mình hi sinh để tiếp tục chiến đấu. Mưa bom. Bão đạn rocket. Khói lửa, đất đá mù mịt. Một số pháo thủ bị thương nhưng cứ nghiến răng bắn, bắn và bắn mà không nghĩ gì khác. Cờ lệnh loang máu chiến sĩ nhưng vẫn đứng vững trong đạn bom. 4 giờ chiều, máy bay Mỹ tơi tả bay ra biển Đông. Hai chiếc bị bắn rơi và hai chiếc bị cháy.
Đêm đó, các cô dân quân Lam Hạ thức trắng trên trận địa. Họ vốc từng nắm đất đỏ máu như ôm đồng đội vào lòng. Trong khoảnh khắc yên lặng giữa chiến tranh, nước mắt họ mới bật tuôn vì thương nhớ bạn bè.
________________________________
Những cô gái trẻ ấy đã lấy máu mình ký đơn xin chiến đấu. Đối diện cái chết, các cô kiên cường dặn nhau: “Ai còn sống phải chiến đấu gấp đôi, gấp ba để bảo vệ Tổ quốc thay bạn đã hi sinh”. Có người còn nói nếu mình hi sinh thì cũng tiếp tục phù hộ Tổ quốc.
Kỳ tới: Tiếc gì tuổi xuân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận