Do hạn chế đi lại, lượt người đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng giảm sâu nên khoản thưởng Tết của nhân viên đơn vị này cũng bị "chắt bóp" hơn so với mọi năm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Nguyễn Huy Hưng - cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - cho biết như vậy tại cuộc họp giao ban báo chí trung ương, sáng 18-1.
Theo ông Hưng, đến thời điểm này, Bộ Lao động đã nhận được báo cáo của 60 tỉnh, thành phố về tình hình tiền lương năm 2021 và tiền thưởng Tết 2022.
Qua tổng hợp, tiền lương bình quân của người lao động trong năm 2021 đạt 7,84 triệu đồng/người/tháng, tăng 4% so với năm 2020.
Trong đó, tiền lương bình quân của người lao động trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 9,13 triệu đồng/tháng (bằng năm 2020); lương bình quân tại doanh nghiệp dân doanh là 7,5 triệu đồng/tháng (tăng 5% so với năm 2020); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,26 triệu đồng/tháng (tăng 2% so với năm 2020).
"Tiền lương năm 2021 có tăng nhẹ, nhưng tiền thưởng Tết dương lịch và âm lịch lại giảm so với năm 2021" - ông Hưng cho biết.
Chúng tôi không muốn công bố mức thưởng cao nhất, thấp nhất vì đó chỉ là số ít 1 - 2 trường hợp. Tuy nhiên báo chí hỏi thì cũng xin cung cấp mức thưởng cao nhất Tết dương lịch 2022 là 471 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực ngân hàng ở TP.HCM.
Thưởng Tết âm lịch cao nhất là 1,43 tỉ đồng thuộc về một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng.
Còn mức thưởng thấp nhất là không có thưởng… Tiền lương, thưởng tết (thậm chí thưởng cả bằng hiện vật) là do thỏa thuận của người lao động và doanh nghiệp, qui định cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo về thưởng tết nên các mức thưởng trên chỉ là căn cứ theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp gửi về…
Ông Nguyễn Huy Hưng - cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương
Theo ông Hưng, có trên 55% doanh nghiệp (trong tổng số gần 42.000 doanh nghiệp của 60 địa phương gửi báo cáo về bộ) thông tin có kế hoạch thưởng Tết dương lịch, với mức thưởng bình quân là 1,36 triệu đồng/người, chỉ bằng 58% so với thưởng dịp Tết dương lịch 2021.
Trong đó, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,47 triệu đồng/người (bằng 31% so với 2021); doanh nghiệp tư nhân là 1,16 triệu đồng/người (bằng 54% so với 2021) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1,69 triệu đồng/người (bằng 72% so với 2021).
Về thưởng Tết âm lịch, có gần 63% doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết âm lịch năm 2022, với mức thưởng bình quân 6,17 triệu đồng/người (gần bằng 1 tháng lương), bằng 97% so với thưởng Tết âm lịch năm 2021.
Trong đó, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 5,59 triệu đồng/người (bằng 96% so với năm 2021); doanh nghiệp tư nhân là 5,92 triệu đồng/người (bằng 98% so với 2021) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 6,66 triệu đồng/người (bằng 95% so với 2021).
Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng cho biết trong năm 2021, Chính phủ có nhiều nghị quyết, quyết định về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đã có trên 30 triệu lượt người dân, doanh nghiệp nhận các chính sách hỗ trợ với nguồn kinh phí lên tới trên 71.000 tỉ đồng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Kiên - phó trưởng ban tuyên giáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng thông tin cho biết năm 2021, công đoàn các cấp đã "dồn toàn lực" để chăm lo cho người lao động gặp khó khăn bởi COVID-19, với tổng kinh phí trên 6.000 tỉ đồng.
"Do COVID-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nên Tổng liên đoàn Lao động đã huy động tối đa nguồn lực của công đoàn, xã hội để cố gắng đảm bảo mỗi người lao động đều có suất quà Tết tối thiểu trị giá 300.000 đồng" - đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận