20/03/2011 08:54 GMT+7

Muammar Gaddafi: Libya sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài

K.L. (Theo Al Jaeera, AFP)
K.L. (Theo Al Jaeera, AFP)

TTO - Tối qua 19-3, lực lượng liên quân Anh-Pháp-Mỹ đã mở đợt tấn công đầu tiên vào lực lượng của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Truyền hình Libya sáng 20-3 đưa tin đợt tấn công làm 48 người chết và 150 người bị thương.

Tuy nhiên, nguồn tin vào buổi chiều cùng ngày cho hay, con số nạn nhân tử vong đã lên đến 64 người.

Read this on Tuoitrenews.vnMáy bay Pháp vào LibyaPhương Tây tuyên bố tấn công LibyaLybia chấp nhận ngừng bắnLHQ cho phép tấn công quân sự Lybia

Bản tin TTX Việt Nam phát tối ngày 20-3 cho biết: Phát biểu trên chương trình "This Week" của kênh truyền hình ABC, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen cho biết giai đoạn đầu của chiến dịch quốc tế nhằm áp đặt vùng cấm bay ở Libya "đã thành công".

Tuy nhiên, Đô đốc Mullen nhấn mạnh nhiệm vụ của giai đoạn này tập trung vào việc bảo vệ dân thường và hỗ trợ nỗ lực nhân đạo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chứ không nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, có trụ sở ở Berlin, Đức, cho biết 19 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay ném bom tàng hình B-2, đã tiến hành các cuộc tấn công sáng ngày 20-3 vào những mục tiêu ở Libya.

Phát biểu với báo giới tại Lầu Năm Góc, Đô đốc Mỹ William Gortney cho biết các tên lửa hành trình của Mỹ đã tấn công hơn 20 hệ thống phòng không phối hợp cùng các cơ sở phòng không khác trên đất Libya. Nguồn tin hải quân Mỹ cho biết 112 tên lửa hành trình Tomahawk đã được bắn đi từ các tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ, Anh nhằm vào khoảng 20 mục tiêu ven biển nhằm dọn đường cho các cuộc tuần tra trên không.

Trong khi đó, khoảng 20 máy bay chiến đấu của Pháp cũng đã tổ chức các đợt không kích nhằm vào mục tiêu là các xe tăng, xe thiết giáp của quân đội chính phủ Libi tại miền Đông nước này.

Bộ Quốc phòng Italia cho biết 8 máy bay chiến đấu của nước này cũng đặt trong tình trạng sẵn sàng tham gia chiến dịch tại Libya.

Chính quyền Libya ngày 20-3 tuyên bố các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa của phương Tây nhằm vào nước này đã làm ít nhất 64 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Ngoài ra, khoảng 14 xe tăng, 20 xe bọc thép, 2 xe tải cùng nhiều súng phóng rốckét và hàng chục xe tải nhỏ đã bị phá huỷ.

nRQLcYvV.jpgPhóng to
Phụ nữ Libya mang ảnh Tổng thống Moamer Kadhafi trong cuộc biểu tình - AFP
5C23LKrc.jpgPhóng to

Các quan chức Lầu Năm góc cho biết tên lửa Mỹ-Anh đã rơi trúng hơn 20 mục tiêu phòng không của Libya

MfW0VVic.jpgPhóng to
Các nhà lãnh đạo hàng đầu từ Mỹ, châu Âu và thế giới A rập tham dự cuộc họp khẩn cấp về Libya tại Điện Elysee ở Pari ngày 19-3 - AFP

Bản tin phát vào 19g6 phút của Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết, tuyên bố lấy làm tiếc về các hành động quân sự của liên quân chống chính quyền Libya, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20-3 khẳng định nước này phản đối việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế.

Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh các nguyên tắc trong Hiến chương của Liên hợp quốc và các đạo luật quốc tế liên quan cần phải được tuân thủ triệt để. Bà Khương Du đồng thời nêu rõ chủ quyền, độc lập, thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya phải được tôn trọng. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh mong muốn Libya khôi phục sự ổn định càng sớm càng tốt nhằm tránh những tổn thất về dân thường do tình hình bạo lực leo thang.

Trong khi đó, tình hình chiến sự tại Libya tiếp tục căng thẳng. Kênh truyền hình CBS News cho biết ba máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ đã ném 40 quả bom xuống một sân bay lớn của Libya. Tuy nhiên, hiện giới chức chưa khẳng định thông tin này. Cùng ngày, truyền thông Pháp dẫn một nguồn tin quân sự cho biết hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle của nước này sẽ rời cảng Toulon chiều 20-3 để tham gia chiến dịch quân sự tại Libya. Dự kiến tàu Charles de Gaulle mang theo chở 20 máy bay sẽ tới gần bờ biển Libi trong từ 36-48 giờ tới.

Trong một thông điệp ghi âm được phát trên truyền hình, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tuyên bố người dân nước này đang được vũ trang để sẵn sàng cho một "cuộc chiến lâu dài" và không có giới hạn nhằm đáp trả các lực lượng phương Tây.

Theo các nguồn tin y tế, hiện đã có ít nhất 64 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công do lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Cađaphi phát động cách đây hai ngày nhằm vào thành phố Benghazi hiện thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập.

Y7z7ms1i.jpgPhóng to
Xác một máy bay thương mại của Libya tại sân bay Benghazi, ngày 17-3 - AFP

BBC dẫn nguồn tin quân đội Pháp cho biết đợt tấn công khởi đầu lúc 16g45 ngày 19-3 giờ quốc tế, tức 23g45 giờ VN, khi một máy bay Pháp bắn vào các mục tiêu thuộc chính phủ Libya, phá hủy nhiều xe quân sự.

Vài giờ sau, tàu chiến và tàu ngầm của Anh-Mỹ bắn hơn 110 tên lửa nhằm vào các vị trí phòng không ở thủ đô Tripoli và TP Misrata, theo Reuters. Các quan chức Lầu Năm góc xác nhận họ đã dùng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công.

a97mAUux.jpgPhóng to
Trước khi liên quân tấn công, Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết cho phép lập vùng cấm bay ở Libya và cho phép tấn công quân sự vào lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi

Trong khi đó, kênh truyền hình quốc gia Libya đưa tin lực lượng phương Tây đã oanh tạc các khu vực dân cư ở thủ đô Tripoli và các bể chứa nhiên liệu cung cấp cho thành phố Misrata, đồng thời cho biết một máy bay chiến đấu của Pháp đã bị bắn hạ ở Tripoli. Tuy nhiên, quân đội Pháp đã bác bỏ thông tin này.

Một nhân chứng giấu tên ở Tripoli nói với CNN rằng vào sáng nay 20-3, bà nghe thấy dấu hiệu đấu súng gia tăng ở hướng không xa sân bay Mitiga.

“Tôi nghe thấy tiếng súng nổ liên tiếp và ít nhất hai tiếng nổ lớn cùng tiếng máy bay bay”, người này nói. Hiện chưa rõ liệu sân bay Mitiga có được lực lượng chính phủ Libya dùng làm căn cứ quân sự hay không.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19-3 nói hành động quân sự không phải là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của ông, đồng thời tái khẳng định sẽ không điều bộ binh tới Lybia, theo AP.

Theo BBC, ông Gaddafi đã thề sẽ trả thù và nói ông sẵn sàng mở kho vũ khí cho những người ủng hộ Libya, trong khi Bộ Ngoại giao Libya yêu cầu Hội đồng Bản an Liên hiệp quốc họp khẩn cấp.

Nga, Venezuela, Liên minh châu Phi đã lên tiếng phản đối đợt tấn công trên, tuy nhiên Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng việc tấn công này là “cần thiết và hợp pháp”.

Reuters dẫn nguồn tin người dân địa phương cho biết đến sáng nay 20-3, nhiều tiếng nổ lớn và tiếng súng chống máy bay tiếp tục vang lên ở Tripoli.

Hiện chưa rõ đây có phải là đợt tấn công mới của liên quân nhằm vào lực lượng của ông Gadhafi hay không, nhưng phóng viên CNN cho biết diễn biến trên xảy ra chỉ vài giờ sau khi gần 1.000 người tập trung tại dinh thự của ông Gadhafi ở thủ đô Tripoli. Đám đông đã hô to các khẩu hiệu, vẫy cờ Libya và bắn pháo hoa bày tỏ sự ủng hộ chính phủ.

T5Ig5IqC.jpgPhóng to

Một chiến đấu cơ bị bắn rơi ở vùng ngoại ô Benghazi, miền đông Libya hôm 19-3. Viên phi công được cho là đã kịp nhảy khỏi máy bay trước khi nó đâm xuống đất. Hiện chưa rõ chiếc máy bay này thuộc lực lượng nào - Ảnh: AP

Trước diễn biến leo thang tại Libya, AP cho biết Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế đã bày tỏ sự "lo ngại sâu sắc" về sự an toàn của dân thường Libya và kêu gọi tất cả các bên "tuân thủ nghiêm túc những điều luật và nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế" bằng cách phân biệt rõ đâu là dân thường đâu là chiến binh, và đảm bảo an toàn cho các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Chân dung đại tá Guammar Gaddafi

Đại tá Guammar Gaddafi đã nắm giữ quyền lực ở Libya - quốc gia nhiều giàu mỏ chất lượng cao - trong 42 năm qua, là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Phi và cả thế giới Ả Rập. Ông đã lật đổ vua Idris đệ nhất trong cuộc đảo chính không đổ máu khi mới 27 tuổi vào ngày 1-9-1969, sau khi được đào tạo quân sự tại Anh.

Với sở thích trang phục cầu kỳ sặc sỡ và đội cận vệ toàn là những nữ nhi xinh đẹp, ông Gaddafi được đánh giá là một nhà chính trị sành sỏi, linh hoạt và lập dị. Nhà phân tích Saad Djebbar cho rằng Gaddafi là con người độc đáo xét về thái độ, cách làm và cách diễn thuyết và mưu mô chiến lược.

Ông sinh năm 1942 ở sa mạc gần Sirte, thời trẻ ông là người thần tượng nhà lãnh đạo Ai Cập và người theo chủ nghĩa quốc gia Gamal Abdel Nasser, tham gia biểu tình phản đối Israel trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956.

Ông Gaddafi đặt nền tảng cho triết lý chính trị của mình trong cuốn Sách xanh những năm 1970, trong đó đưa ra quan điểm chính trị của người Libya kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội và tư bản, và một số nét của đạo Hồi.

Năm 1977, ông “sáng chế” ra một hệ thống gọi là "Jamahiriya", tức "nhà nước của đám đông", trong đó quyền lực thuộc về hàng ngàn “ủy ban nhân dân” khắp Libya. Vì thế, ông đã công khai "mắng" phương Tây chẳng hiểu gì về hệ thống Libya khi cứ đòi ông phải ra đi, vì ông có "quyền lực gì đâu". Mỗi lần đi công cán ở nước ngoài, ông đều cho dựng căn lều Bedouin sang trọng và xa xỉ cho riêng mình.

Benjamin Barber, nhà phân tích chính trị độc lập từ Mỹ, đã gặp đại tá Gaddafi vài lần để bàn về tương lai Libya, cho biết ông Gaddafi tự nhìn nhận mình là con người “rất có học thức”, rất triết lý và có khí chất.

Bản thân ông Benjamin nhận định ông Gaddafi như một thổ dân, đứa con của nền văn hóa sa mạc, cát, và mang phong cách lãnh đạo hiện đại nên khá chịu đựng và kiên trì. Không ít lần ông gọi Đại hội đồng LHQ là một tổ chức khủng bố dạng Al-Qaeda.

Mỹ đã không kích Tripoli và Bengazhi năm 1986 khi cáo buộc Libya có liên quan tới các vụ tấn công ở châu Âu, khiến ông Gaddafi “kinh hãi” và con gái nuôi của ông thiệt mạng.

Đầu thiên niên kỷ, khi Libya đang vật vã vì bị cấm vận, Gaddafi cố gắng đem lại chút hơi ấm khi quay 180 độ trong quan hệ với phương Tây. Đến nay, các quan hệ đã nối lại sau các thỏa thuận bồi thường liên quan tới vụ Libya đánh bom trên bầu trời Lockerbie và một số vụ đánh bom khác.

Ông Gaddafi tự coi mình là nhà lãnh đạo tinh thần ở Libya - quốc gia mà ông nhìn nhận “có nền dân chủ trực tiếp” cho dù cá nhân ông là đại diện duy nhất hơn bốn thập kỷ nay. Thực tế, ông bị thế giới chỉ trích là duy trì sự kiểm soát độc tài và chuyên quyền. Những tiếng nói đối lập bị kết liễu sớm, truyền thông bị nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt, và chế độ Gaddafi bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Luật Libya cấm các hoạt động của các nhóm có tư tưởng chính trị đối lập với đại tá Gaddafi. Biết tuổi già đã đến, ông đang chuẩn bị trao quyền cho thế hệ tiếp theo nhưng chưa nhân vật nào được coi là gương mặt thật sáng giá.

Chỉ ba năm trước, tháng 12-2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đón đại tá Gadaffi ở Paris và khẳng định trên báo chí Pháp: “Gaddafi không bị coi là một nhà độc tài trong thế giới Ả Rập”. “Ông ấy là nhà lãnh đạo điều hành một quốc gia lâu nhât trong khu vực”.

Đổi lại, trong chuyến thăm sáu ngày đó đã giúp Pháp thu về 10 tỉ euro bán máy bay chiến đấu và Airbus, tức tạo thêm 30.000 công ăn việc làm ở Pháp.

Lần này Pháp là một trong những nước tích cực nhất trong chiến dịch quân sự nhằm lật đổ đại tá Gaddafi.

Nam Mỹ phản ứng

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã lên án các cuộc không kích nhằm vào Libya, đồng thời cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã tấn công quốc gia Bắc Phi này để chiếm dầu mỏ.

Ngoài ra, lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro đã nêu lên quan ngại tương tự, trong khi giới lãnh đạo cánh tả ở Bolivia và Nicaragua cũng cáo buộc sự can thiệp của các cường quốc thế giới là chỉ nhằm vào dầu mỏ của Libya.

Ngày 19/3, Nga cho biết Mátxcơva lấy làm tiếc về sự can thiệp quân sự tại Libya.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho hay: "Các đơn vị không quân của một số nước đã bắt đầu các hành động quân sự ở Libya trong ngày 19/3. Mátxcơva lấy làm tiếc về hành động quân sự này."

Trước đó hôm 18/3, Nga đã bác bỏ việc tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào chống chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

K.L. (Theo Al Jaeera, AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên