18/08/2019 13:56 GMT+7

Mùa tựu trường của ba

NGUYỄN TƯỜNG
NGUYỄN TƯỜNG

TTO - Thấy ba mẹ cứ chộn rộn mua cái nọ sắm cái kia để chuẩn bị cho năm học mới, buổi tối trước khi ngủ, cu con năn nỉ kể chuyện "ngày đi học đầu tiên của ba". Người cha chỉ cần nằm yên, nhắm mắt cùng con, là những mùa tựu trường xưa quay về.

Mùa tựu trường của ba - Ảnh 1.

Ký ức về ngày đầu tiên đi học của con thường có sự hiện diện của cha mẹ... - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ba không nhớ bài học đầu tiên là gì. Nhưng ba nhớ nằm lòng cảm giác chờ đợi mẹ mình trở về sau buổi chợ. Đó là cảm giác phấp phỏng lạ lùng của đứa trẻ thơ trong ngày đầu buông rời tay mẹ.

1 Ba được năm tuổi, bà nội gửi ba vào trường mẫu giáo. Buổi sáng đầu tiên đến trường, ba không đi bộ. Bà nội gánh một đầu là mấy bó rau non vừa cắt trong vườn, một đầu là cậu con trai tay cầm cuốn tập và cây bút chì, mắt tròn ngơ ngác. 

Ba còn nhớ cái nhịp đòn gánh chung chiêng, nhớ con đường cát trắng trôi chậm chạp dưới bàn chân của mẹ mình. Những tán xoài, tán mít, rẫy mía, ruộng mạ xanh um và những mảnh vườn quê yên ả nhảy nhót bên ngoài. Bầu trời xanh ngắt trên đầu, đôi khi rơi trên môi bé thơ một vài hột nước nhỏ có vị mặn, có thể là sương muối, có thể là mồ hôi của người mẹ tảo tần.

Trường mẫu giáo chỉ có hai phòng học, nằm khuất dưới những tán xoài cổ thụ. Đến nơi, bà nội xếp đòn gánh trước cổng, xếp mấy bó rau lang từ rổ nọ cho cân với rổ kia, rồi dắt tay ba đi vào lớp học. Ba bước đi rụt rè rồi lấp ló sau vạt áo của mẹ, lí nhí cất giọng chào cô giáo.

Buổi học đầu tiên không dễ dàng gì. Ngó qua ngó lại, lũ bạn trong lớp đứa nào cũng rơm rớm nước mắt. Ba cứ ngồi dõi mắt về phía con đường. Ba thấy bóng bà nội khuất dần sau mấy hàng rào dâm bụt ở phía chợ. 

Và ba cứ ngồi ngó ra như vậy, không đoái hoài lời cô giáo dạy. Ba không nhớ bài học đầu tiên là gì. Nhưng ba nhớ nằm lòng cảm giác chờ đợi mẹ mình trở về sau buổi chợ. Đó là cảm giác phấp phỏng lạ lùng của đứa trẻ thơ trong ngày đầu buông rời tay mẹ.

Ba lóng ngóng mãi cho đến trưa, khi vừa thấy bà nội gánh hai chiếc rổ không đi về liền bỏ lớp học chạy ù ra ngoài. Bà nội móc trong túi áo hai chiếc kẹo xốc (loại kẹo làm bằng đường dẻo, vo thành từng đốt nhỏ, xốc qua với bột để giữ ráo). 

"Con vô lớp học đi, mẹ ngồi đây chờ". Ba nhận lấy hai viên kẹo rồi chạy về lớp. Ba yên tâm bà nội sẽ ngồi đó chờ đến hết buổi học, hai mẹ con cùng trở về nhà.

Đó, buổi học đầu tiên như vậy. Những ngày sau, ba tự đến lớp cùng chúng bạn, bà nội không phải dắt nữa. Nhưng sẽ thật vui nếu như giờ ra chơi dõi mắt ra sân trường thấy mẹ đi chợ về đứng chờ phía trước. Món quà vặt của bà nội vẫn là mấy viên kẹo xốc ngọt đầy trong khoang họng, có mùi gừng thơm, vị đậu phộng rang béo trong nhân viên kẹo khiến ba nhớ hoài.

Ở đó có mùi hương của mồ hôi, của sự săn sóc và tình yêu thương nhỏ nhẻ từ tấm lòng của mẹ.

2 Người lớn ngày càng bộn bề hơn. Nhưng cho đến năm cuối cấp ba, cứ mỗi lần chuẩn bị năm học mới, bà nội lại nhắc ba đi mua sách vở. Hai mẹ con ghé nhà sách nhỏ ở trong chợ, chọn vở, bút, giấy bao vở và tìm mấy cuốn sách giáo khoa còn thiếu.

Thời đó, mọi thứ không được làm sẵn như bây giờ. Ngoài mấy cuốn sách vở mới, ba phải mua giấy báo để bao bọc. Một xấp giấy báo couche màu được canh góc, cắt dán thủ công có thể bảo vệ bìa vở thẳng thớm, sạch đẹp suốt một năm học. Nhãn dán vào từng cuốn vở cũng được cắt góc và viết nắn nót, tươm tất. Cái không khí chộn rộn mà tỉ mẩn, cái mùi vở mới, sách mới, giấy báo mới thơm phức... làm nên một phần không khí háo hức của mùa tựu trường.

Nhưng không phải năm nào cũng vui. Nhà con đông, có đận chuyện làm ăn khó khăn, tới mùa chuẩn bị tựu trường là người lớn lại hục hặc nhau. Có lần ngán ngẩm chuyện cha mẹ nặng nề với nhau vào đúng lúc chuẩn bị nhập học, ở trang đầu cuốn vở, ba chán nản đề lên hai câu ca dao ca thán sự đời: "Bắc thang lên hỏi ông trời/ Trời sinh ta ở trên đời làm chi". 

Không may, lúc bà nội ngồi bao vở đọc thấy, kêu lại giảng cho một bài dài về cái sự bi quan thái quá. Ba từ chỗ muốn "bắc thang lên hỏi ông trời" chuyển qua muốn "độn thổ" vì "dị" quá với mấy đứa em.

Trẻ con thời đó đi học tiết kiệm từng dòng, từng ô trên trang vở để ba mẹ không tốn nhiều tiền mua sắm. Sách giáo khoa đứa lớn xài giữ gìn, năm sau đến đứa nhỏ xài. Cứ như vậy, có những bộ sách giáo khoa qua tay ba, bốn anh em trong nhà. 

Trẻ con chủ động với chuyện học hành, đứa nào cũng cố gắng mày mò học vì đâu có lớp học thêm, cũng không ai nhắc nhở mình làm bài tập về nhà. Tất cả đều biết rằng nếu không tự lo học sẽ bị cho ở nhà đi chăn bò, làm rẫy.

3 Từ khoảng trời được nhìn từ triêng gióng đong đưa, người cha trở về ấu thơ của mình và tặng cho thằng bé câu chuyện trong trẻo. Ngày mai, con sẽ bắt đầu nhập học, không đòn gánh tre chòng chành, cũng trên yên xe lắt lẻo khi luồn lách qua những chặng ùn tắc để đến trường. 

Tập vở mới bây giờ được bao, dán sẵn, ba mẹ không mất quá nhiều thời gian để làm thủ công, nhưng cái tâm lý lo lắng hồi hộp trước một năm học mới, chuyện trường lớp của con, học thêm học bớt, cải cách chương trình... có lẽ khiến những người cha âu lo không kém gì nhân vật "bà nội" trong câu chuyện dông dài kể trên.

Dẫn con vào trường học, những người cha, người mẹ lại vội vàng lao vào trong cái "trường đời" của thời mình sống. Cũng "lắt lẻo gập ghềnh khó đi" chẳng kém gì cái cầu tre ầu ơ ví dầu trong lời ru xưa.

Ngày tựu trường của lớp học đặc biệt Ngày tựu trường của lớp học đặc biệt

TTO - 9 năm qua, một lớp học chữ đặc biệt luôn văng vẳng tiếng ê a của trẻ nhỏ mỗi chiều cuối tuần tại khoa nội 3 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Lớp học đặc biệt từ học sinh, phụ huynh, giáo viên cho đến học phí...

NGUYỄN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên