15/12/2018 09:11 GMT+7

Mua kháng sinh khó như mua vé AFF Cup 2018

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Nếu mua thuốc kháng sinh cũng khó như mua vé xem trận chung kết lượt về AFF Cup 2018, có lẽ đó là điều cực kỳ tốt cho người Việt. So sánh khập khiễng như vậy để thấy việc thay đổi thói quen mua thuốc của người Việt là việc làm cấp bách.

"Quản lý và mua bán thuốc ở Việt Nam lỏng lẻo, tỉ lệ kháng kháng sinh cao bậc nhất thế giới" - đánh giá của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây tại hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bán lẻ thuốc thoạt nghe khiến nhiều người giật mình nhưng đó là điều quá quen thuộc.

Khi so sánh về việc kiểm soát kinh doanh dược phẩm, đặc biệt thuốc kháng sinh ở nước ta với các nước trên thế giới, giám đốc một bệnh viện ở TP.HCM khẳng định khác nhau "một trời một vực".

Trên thế giới, ngay viêm họng, khá phổ biến khi qua xứ lạnh, chỉ cần uống vài viên kháng sinh là khỏi nhưng không nhà thuốc nào bán, mà người bệnh phải vào bệnh viện để thăm khám, kê đơn thuốc phù hợp. 

Còn ở nước ta thì sao? Nhức đầu, sổ mũi, đau họng... cứ ra nhà thuốc là xong. 

Con số thuốc kháng sinh được bán không kê đơn chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn phần nào lý giải cho thói quen sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ này.

Làm một khảo sát "bỏ túi" về thực trạng này, phần lớn nhà thuốc đều đồng ý bán kháng sinh không cần kê đơn. 

Người bán, kẻ mua ai cũng có lý lẽ riêng mình. Rằng không bán sẽ mất khách, người bệnh không mua chỗ này có thể mua chỗ khác, vào bệnh viện khám tốn kém thời gian, chi phí... 

Cứ như thế thuốc kháng sinh được bán tràn lan ngoài thị trường, chẳng khác nào như mua bó rau, con cá ngoài chợ.

Thói quen nhức nhối này là cái chết được báo trước. Bởi theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, đó chính là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ kháng thuốc rất cao. 

Nếu vi trùng kháng thuốc đến mức không còn loại thuốc nào có thể trị được, điều đó đồng nghĩa là một thảm họa. 

Mà khả năng này có thể xảy ra bởi mức độ phát triển của vi trùng đang tỉ lệ nghịch với việc phát minh ra các loại kháng sinh.

Bên cạnh thói quen của người dân, có phần lớn nguyên nhân từ nhà thuốc, phòng khám vì họ muốn kiếm nhiều tiền từ việc bán thuốc. 

Có bán thuốc kháng sinh là có lợi nhuận đã làm mạng lưới cung ứng thuốc bị méo mó, mang nặng tính kinh doanh thay vì mục tiêu kê thuốc đúng, trúng, đủ.

Tăng cường kiểm soát bán thuốc kê đơn thông qua một đề án của Bộ Y tế là cần thiết. 

Đặc biệt, việc thực hiện quản lý mua bán, sử dụng thuốc bằng công nghệ được kỳ vọng đảm bảo nguồn thuốc chất lượng, không quá hạn, công khai minh bạch về giá cả. 

Riêng tại TP.HCM, nơi có nhiều nhà thuốc tư nhân, việc kiểm soát bằng công nghệ là cần thiết.

Với "công cụ" giám sát như vậy, cộng với việc nâng mức chế tài xử phạt như tước giấy phép, tước chứng chỉ hành nghề với các đơn vị, cá nhân bán thuốc không kê đơn, kê đơn thuốc không đầy đủ hoặc không chính xác... là những bước đầu tiên để thiết lập lại trật tự trong kinh doanh và sử dụng thuốc, giải quyết hiểm họa người bệnh "lờn thuốc", các nhà thuốc "lờn xử phạt". 

Nhưng có giải quyết được tận gốc hay không lại là chuyện khác, đó là một thử thách cực kỳ lớn khi Bộ Y tế đề ra mục tiêu đến năm 2020 là 100% nhà thuốc bán thuốc kháng sinh được kê đơn.

Hết thời bán thuốc kháng sinh không toa Hết thời bán thuốc kháng sinh không toa

TTO - Đầu năm 2019, gần 7.700 nhà thuốc tại TP.HCM sẽ được nối mạng và các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát xuất xứ thuốc mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc.


HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên