Nhân vật Otis và Maeve trong phim Sex Education
Tôi nhớ đoạn hội thoại trong một tập của loạt phim đình đám Sex Education (Giáo dục giới tính). Khi đó anh chàng học sinh cấp III Otis chuẩn bị đón cô bạn Maeve của mình sau khi cô phá thai (anh không phải là tác giả bào thai).
Cuộc chuyện trò diễn ra khi anh đứng trước phòng khám và gặp hai người cùng trang lứa đang biểu tình phản đối phá thai. Sự căng thẳng giảm dần giữa hai bên đối nghịch nhau, khi cả hai vào siêu thị.
Đây là một trong số vô vàn tình huống có thể làm khán giả sốc trong loạt phim này. Cô nữ sinh mang thai ngoài ý muốn, tự đi đến phòng khám và tự quyết định không sinh con mà không có người thân.
Có điều tập phim này muốn nói cho khán giả biết mang thai ngoài ý muốn không phải là chuyện hiếm có và những người cha người mẹ chọn lựa không cho đứa con ra đời, cũng không phải là chuyện mới đây.
Nhưng câu chuyện muôn thuở này mãi gây tranh cãi và gần đây lại được thổi bùng lên tại Mỹ khi Tòa án tối cao ra phán quyết gây chia rẽ nước Mỹ một lần nữa. Nó chia rẽ, bởi đã đụng chạm đến một nan đề đạo đức.
Năm 2019, một chàng trai Ấn Độ kiện ba mẹ ruột ra tòa vì... sinh anh ra đời. Điều này làm độc giả nhớ đến truyện ngắn kinh điển Kappa của nhà văn Nhật bạc mệnh Akutagawa Ryunosuke.
Truyện miêu tả xã hội Kappa (yêu quái sống dưới nước trong truyền thuyết dân gian Nhật), ở đó, khi còn nằm trong bụng mẹ, những đứa bé Kappa sẽ được hỏi có muốn ra đời không, nếu đứa bé Kappa trả lời không, bà mụ sẽ làm nó biến mất. Truyện này Akutagawa viết từ thập niên 1920.
Nhưng xã hội loài người chúng ta phức tạp, đa đoan hơn loài yêu quái Nhật đó nhiều. Trong văn chương, trong phim ảnh, không thiếu những tác phẩm miêu tả chọn lựa giằng xé giữa những bậc cha mẹ trước việc giữ hay từ bỏ đứa con chưa ra đời.
Năm ngoái, Liên hoan phim Venice lần thứ 78 trao giải Sư tử vàng cho L’Evénement (tạm dịch: Sự kiện) của nữ đạo diễn Audrey Diwan.
Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Annie Ernaux, phim lấy bối cảnh nước Pháp thập niên 1960, khi phá thai là bất hợp pháp. L’Evénement cho thấy kể cả những vấn đề mang tính lịch sử, điện ảnh vẫn có thể đào xới lại, mổ xẻ đến cùng.
Trong bộ phim truyền hình Hàn được yêu thích mới kết thúc gần đây - Our Blues (Nơi đảo xanh), xuất hiện hai học sinh giỏi nhất nhì trường lỡ mang thai ngoài ý muốn. Họ dằn vặt đau đớn trong sự chọn lựa, nam sinh phải trộm tiền cho bạn gái phá thai, bạn nữ thì phải vào phòng khám một mình.
Hai đứa trẻ phải đối diện với áp lực của xã hội, với tương lai khó khăn và sức nặng kỳ vọng và tình yêu của phụ huynh với cả mặc cảm tội lỗi vì bỏ con. Cuối cùng hai cô cậu vẫn quyết định giữ lại đứa con, trong tình thương của gia đình và mọi người xung quanh.
Ở tình tiết này, Our Blues như một lời phản biện với Sex Education. Nhưng là lời phản biện không gay gắt.
Cả hai bộ phim xuất phát từ một trạng huống nhưng đã trình bày hai quyết định và hai kết quả khác nhau. Cả hai kết quả này đều thuyết phục được phần lớn khán giả, đồng cảm với chúng.
Phim ảnh cung cấp cho ta những góc nhìn rộng mở hơn, soi chiếu những góc khuất kể cả với những nan đề đạo đức như phá thai. Và quan trọng hơn, chúng không phán xét những cá nhân yếu ớt mà những lời gan ruột nhất phải nhờ đến nghệ thuật để nói hộ mình.
Tôi thích hình dung khán giả điện ảnh nào cũng trăn trở và độ lượng như vị bồi thẩm cô đơn giữa bồi thẩm đoàn giận dữ trong tác phẩm điện ảnh kinh điển 12 Angry Men.
Như cậu bạn Otis trong Sex Education, chỉ lẳng lặng bên bạn mình, quan tâm và tôn trọng. Đến cuối cùng, cậu không tặng bạn kem chống nắng như "lời khuyên", cậu dành cho cô bạn mới giã từ đứa con không bao giờ sinh ra bó hoa đỏ thắm.
Vì nói như Oriana Fallaci trong tác phẩm Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra, dù có ra sao đi nữa cuộc sống không chết bao giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận