25/06/2022 18:04 GMT+7

'Điện thoại đen': Phim kinh dị về 'hành trình tự cứu lấy mình'

TRẦN MẶC
TRẦN MẶC

TTO - Qua sự kết hợp của đạo diễn Scott Derrickson và hãng phim kinh dị nổi tiếng Blumhouse, ‘Điện thoại đen’ (tựa gốc: The Black Phone) mang đến cho người xem những phút giây hồi hộp, kịch tính nhưng chưa thể đạt đến độ hoàn hảo.

Điện thoại đen: Phim kinh dị về hành trình tự cứu lấy mình - Ảnh 1.

Truyện gốc "Điện thoại đen" chỉ dài khoảng 7.000 chữ, đạo diễn Scott Derrickson đã thêm thắt nhiều nội dung và chi tiết vào câu chuyện điện ảnh - Ảnh: CGV

Sau thành công của Doctor Strange 1 và loạt phim kinh dị như: Điềm gở (Sinister, 2012), Linh hồn báo thù (Deliver Us From Evil, 2014)..., đạo diễn Scott Derrickson tiếp tục khai thác cốt truyện lôi cuốn và bất ngờ trong truyện ngắn The Black Phone của Joe Hill - con trai “ông hoàng” kinh dị Stephen King.

Xây dựng không khí của thập niên 1970 với tông màu nâu - xanh cổ điển, Điện thoại đen đưa khán giả bước vào câu chuyện của cậu bé Finney 13 tuổi, nhút nhát và cam chịu. Cậu cùng bố và em gái Gwen sống ở một vùng ngoại ô vắng vẻ, nơi mà vấn đề an ninh vẫn chưa được siết chặt. 

Những bé trai ở độ tuổi thiếu niên trong thị trấn lần lượt mất tích, hiện trường chỉ sót lại những quả bóng bay màu đen. Một ngày nọ, đến lượt Finney trở thành mục tiêu của kẻ bắt cóc. Cậu bị đưa vào một căn hầm cách âm chỉ có chiếc giường cũ và một chiếc điện thoại hỏng. 

Từ chiếc điện thoại này, Finney phát hiện mình có thể liên lạc cùng linh hồn của những nạn nhân trước đó...

Trailer phim "Điện thoại đen" - Nguồn: CGV Cinemas Vietnam

Điện thoại đen nằm trong nhóm những phim có tiết tấu chậm, nhưng vẫn đủ hình thành tâm lý hồi hộp, kịch tính theo từng dấu chân nhân vật. Yếu tố tâm linh và kinh dị cũng được lồng ghép một cách hài hòa. 

Scott Derrickson không đi theo hướng khai thác nhiều cảnh tượng máu me hay đối đầu kịch tính giữa kẻ bắt cóc và con tin, mà chú trọng vào diễn biến tâm lý nhân vật cùng những mật mã tâm linh.

So với truyện ngắn cùng tên chỉ xoay quanh diễn biến trong tâm trí Finney và hành trình trốn thoát, đạo diễn Scott Derrickson đã xây dựng câu chuyện điện ảnh thành hai tuyến song hành. Một bên là cuộc đấu tranh tự cứu mình của Finney, một bên là hành trình lần theo những đầu mối tâm linh để cứu anh trai của cô bé Gwen.

Hai tuyến truyện không hề gây cảm giác tách biệt mà còn giao nhau ở nhiều đầu mối, tạo được mạch truyện liền lạc và xuyên suốt cho bộ phim. 

Điện thoại đen: Phim kinh dị về hành trình tự cứu lấy mình - Ảnh 3.

Mason Thames (trái) và Madeleine McGraw (phải) vào vai hai anh em trong phim - Ảnh: CGV

Nhân vật Finney do Mason Thames đảm nhận đã thể hiện được những bước chuyển mình của nhân vật. Từ cậu bé nhút nhát, sợ sệt và cam chịu trước bạo lực, Finney từng bước đi ra khỏi vùng an toàn của bản thân, mạnh mẽ chiến đấu trước tên sát nhân. Những tình tiết làm nên sự mạnh mẽ của cậu bé được cài cắm một cách hợp lý, tạo hài lòng cho người xem.

Qua nhân vật Finney, thông điệp của bộ phim cũng được làm bật lên: Chỉ khi can đảm đứng lên đối mặt cùng sự việc mới có thể thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Và, đến một lúc, ngoại trừ bản thân ra, không ai có thể cứu lấy mình.

Bên cạnh đó, nhân vật Gwen do Madeleine McGraw thể hiện cũng được xem như điểm sáng của toàn bộ phim. Với lối diễn xuất tự nhiên, cô bé đã mang đến cho người xem những trận cười nhẹ nhàng. Từ việc chất vấn hai viên cảnh sát cho đến những câu nói đáp lại đòn roi của bố, hay như lúc mạnh mẽ đứng lên bảo vệ anh trai trước nắm đấm của đám trẻ cùng trường. 

Không chỉ vậy, Gwen còn cho người xem thấy được câu chuyện đằng sau của những nạn nhân. 

Riêng nhân vật The Grabber (kẻ bắt cóc) chỉ được khắc họa qua dáng người cao lớn và chiếc mặt nạ che kín. Nhưng tài tử Ethan Hawke đã góp phần hình tượng hóa một The Grabber vặn vẹo trong tâm lý thông qua giọng nói. Thậm chí, Ethan vẫn bộc lộ được sự giận dữ hay xúc động của tên bắt cóc qua đôi mắt bị ẩn khuất sau lớp mặt nạ.

Điện thoại đen: Phim kinh dị về hành trình tự cứu lấy mình - Ảnh 4.

Tạo hình của Ethan Hawke trong vai kẻ bắt cóc - Ảnh: CGV

Xét về mặt hình ảnh, Điện thoại đen đã làm rất tốt. Từ điểm chuyển trong màu sắc, cho đến việc tái hiện không khí xưa cũ của thập niên 1970. 

Ngoài ra, đạo diễn Scott Derrickson cũng không lạm dụng những pha hù dọa thường thấy trong phim kinh dị, thay vào đó là việc sử dụng phần lớn góc nhìn của Finney, tạo cảm giác cho người xem như rơi vào hoàn cảnh của cậu bé, hồi hộp theo từng hành động, từng cái quay đầu.

Nhưng về mặt nội dung, bộ phim vẫn còn nhiều thiếu sót khi chưa giải đáp được những điểm cơ bản của vấn đề. Những động cơ, yếu tố nào đã dẫn The Grabber đi đến hành động bắt cóc và tra tấn những đứa bé? Chiếc điện thoại và quá khứ của kẻ sát nhân có liên hệ gì?

Không những vậy, câu chuyện về người mẹ của cậu bé Finney với năng lực nhìn thấy quá khứ qua giấc mơ được đưa ra đầu phim nhưng không được khai thác triệt để, tạo những khoảng trống lấp lửng khi kết thúc.

Nếu khai thác trọn vẹn từng vấn đề, Điện thoại đen có thể trở thành một bộ phim sâu sắc và ám ảnh hơn, thay vì an toàn ở mức kinh dị như hiện tại.

Phim vừa ra rạp vào thứ sáu, 24-6.

Điện thoại đen: Phim kinh dị về hành trình tự cứu lấy mình - Ảnh 5.
Điện thoại đen: Phim kinh dị về hành trình tự cứu lấy mình - Ảnh 6.
Điện thoại đen: Phim kinh dị về hành trình tự cứu lấy mình - Ảnh 7.
Điện thoại đen: Phim kinh dị về hành trình tự cứu lấy mình - Ảnh 8.
Love, Death + Robots và ma lực của phim ngắn Love, Death + Robots và ma lực của phim ngắn

TTO - Cây bút điện ảnh Mike Jones từng viết: "Phim ngắn đã chết". Điều này không đúng với Love, Death + Robots mùa 3 - loạt phim ngắn tạo nên cơn sốt toàn cầu.

TRẦN MẶC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên