16/07/2013 16:09 GMT+7

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp đạt 5,1 tỉ USD

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Sáng 16-7, ban tổ chức Diễn đàn Mua bán sáp nhập (M&A) VN 2013 công bố số liệu về tình hình M&A năm 2012 với tổng số giao dịch và giá trị M&A tại VN tăng 5 lần, từ 1,08 tỉ USD năm 2009 tới năm 2012 đã lên tới 5,1 tỉ USD, mốc kỷ lục tại Việt Nam.

Ngân hàng sở hữu chéo làm khuynh đảo thị trườngChọn tư vấn kỹ trước khi “bán” doanh nghiệpSôi động “bán, mua” doanh nghiệpMua bán, sáp nhập tăng mạnh trong năm 2011

ZNW5ViTy.jpgPhóng to
Hoạt động tại một công ty M&A - Ảnh: L.N.M.

Theo nhóm nghiên cứu M&A phục vụ Diễn đàn M&A năm 2013, con số 5 tỉ USD có thể là một cột mốc đánh dấu sự phát triển của hoạt động M&A tại VN. Nó cũng có thể là mốc không dễ vượt qua khi nhiều nhà nghiên cứu và quan sát cho rằng dự báo năm 2013, giá trị M&A tại Việt nam có thể chỉ ở mốc 4 tỉ USD.

Nhật Bản dẫn đầu

Xét quy mô thương vụ, theo nhóm nghiên cứu, các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội dù chiếm đa số nhưng thường ở quy mô 2-5 triệu USD, một số ít ở mức 10-30 triệu USD. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài.

Xét về chủ thể tham gia M&A, trong tổng số 5,1 tỉ USD giá trị các thương vụ trong năm 2012 tại Việt Nam, tổng giá trị các thương vụ có yếu tố nước ngoài vẫn chiếm tỉ trọng khá cao: 66% về giá trị. Năm 2011 là năm có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận, với xu hướng nhà đầu tư nước ngoài mua lại các doanh nghiệp chất lượng của Việt Nam.

Theo báo cáo, Nhật Bản đang dẫn đầu các quốc gia có doanh nghiệp thực hiện mua bán doanh nghiệp Việt Nam xét cả về số lượng và giá trị. Trong năm 2011-2012, các tập đoàn từ Nhật Bản có đóng góp nhiều nhất vào dòng tiền M&A cho thị trường Việt Nam với tổng giá trị thương vụ lên đến 1,5 tỉ USD.

Nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào hai ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Đây là hai lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài. Trong đó, các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank; Unicham mua 95% cổ phần của Diana; Sumitomo mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt; UFJ Mitsubishi mua cổ phần của VietinBank…

Ngân hàng, công ty tiêu dùng được mua bán nhiều nhất

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu M&A, ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là ngành đang diễn ra hoạt động M&A mạnh mẽ nhất với tổng giá trị thương vụ lên đến 1 tỉ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại Việt Nam. Các thương vụ nổi bật và mua tỉ lệ cổ phần chi phối cho thấy xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện mở rộng chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường thông qua M&A. Các thương vụ nổi bật là Unicharm - Diana, Marico - ICP, Carlsberg - Bia Huế...

Đặc biệt, báo cáo năm 2013 khẳng định so với các thương vụ của năm trước, năm 2011 và 2012, các thương vụ đang dần có tính chất phức tạp hơn nhiều. Các thương vụ thâu tóm thù địch (hostile) xuất hiện nhiều hơn.

Nếu năm 2010 bắt đầu nổi lên những thương vụ chào mua công khai và thôn tính trên sàn, tiêu biểu là Công ty cổ phần (CTCP) thủy sản Hùng Vương (HVG) chào mua CTCP thủy sản An Giang (AGF), CTCP Dược Viễn Đông (DVD) có các động thái mua cổ phiếu với ý định thâu tóm CTCP Dược Hà Tây (DHT)... thì bước sang năm 2011, các thương vụ có tính chất phức tạp hơn hẳn.

Điển hình là hàng loạt động thái liên quan đến thương vụ Sacombank, thương vụ Masan và Vinacafe Biên hòa.

Nhóm nghiên cứu đánh giá các thương vụ chào mua công khai hoặc thâu tóm trên sàn chứng khoán là dấu hiệu phát triển chuyên nghiệp hơn của chứng khoán Việt Nam. Việc khởi động xu hướng chào mua công khai trên thị trường đang đẩy các công ty đại chúng đối mặt với khả năng bị thâu tóm, bị mua lại, bị sáp nhập bất cứ lúc nào.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên