08/06/2013 14:05 GMT+7

Ngân hàng sở hữu chéo làm khuynh đảo thị trường

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, trong đó giao Ngân hàng (NH) Nhà nước xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo giữa các NH. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia NH - nói:

dA3Tv5Gg.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Ảnh: V.Dũng

- Sở hữu chéo thể hiện qua việc các NH và doanh nghiệp có sở hữu chồng chéo lẫn nhau. Cụ thể, NH A lập công ty con, rồi công ty con lập ra công ty cháu để mua cổ phiếu của NH B và ngược lại là rất phổ biến trong nhiều NH. Cứ như thế qua nhiều tầng nấc trung gian thì việc sở hữu không phải là trực tiếp nữa mà chồng chéo lẫn nhau.

Quy định hiện hành nêu rất cụ thể như một cá nhân không thể sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một NH. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một NH. Thêm vào đó, cổ đông và những người có liên quan với cổ đông đó như là ông bà, cha mẹ, vợ chồng... thì không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một NH. Một NH để sở hữu một NH khác thì NH đó và các bên liên quan là các công ty con... không được mua vượt quá 40% của NH này.

Tuy nhiên, một số NH VN lại bất chấp quy định này mà bằng cách này cách kia để sở hữu chéo lẫn nhau gây rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Tôi nhớ năm 2012, NH Nhà nước có gửi đến các NH biểu mẫu và yêu cầu tất cả các thành viên hội đồng quản trị của NH phải kê khai vào biểu mẫu đó với các thông tin như họ tên vợ chồng, anh chị em, tỉ lệ sở hữu cổ phần... Nhưng những thông tin kê khai đó được kiểm tra như thế nào thì không ai biết. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng nắm được hết thực trạng ai nắm bao nhiêu cổ phần của NH trên giấy trắng mực đen thôi, còn phần chìm tức là họ nhờ đứng tên chắc chắn là không thể giám sát được. Do vậy, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH vẫn là bóng đêm đối với nhiều người.

* Rủi ro từ sở hữu chéo gây ra như thế nào cho nền kinh tế, thưa ông?

- Cái giá phải trả cho việc này là con số về nợ xấu lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nếu vẫn cứ để như hiện nay, hoặc xử lý mà không quyết liệt, hoạt động NH sẽ luôn có vấn đề, đó là thiệt hại đầu tiên mà nền kinh tế, người dân phải chịu... do tình trạng sở hữu chéo gây nên.

Vì mục đích của tình trạng sở hữu chéo là để tạo ra lợi ích giúp một cá nhân, tổ chức có thể nắm nhiều NH, doanh nghiệp. Qua đó, cá nhân và tổ chức đó có thể thâu tóm thị trường làm khuynh đảo một hoặc nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội vì lợi ích của bản thân họ. Đơn cử, lãi suất cho vay có thể bị đẩy lên khiến chi phí vốn của hoạt động sản xuất kinh doanh toàn xã hội cao hơn. Rồi tiền huy động của dân chúng sẽ chỉ phục vụ mục đích kinh doanh của những đối tượng này.

* Các nước có tình trạng này không, thưa ông?

- Họ giám sát việc này rất chặt chẽ. Như để mua cổ phiếu của NH thì cá nhân, tổ chức không được phép đi vay mà phải mua bằng tiền tiết kiệm hay từ bán bất động sản... Tức là họ kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền đầu tư vào NH.

* Theo ông, giải pháp nào có thể xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo?

- Phải biết rõ được thực trạng của tình trạng này qua việc NH Nhà nước thanh tra, giám sát tại các NH. Quy định hiện hành đã có rồi, các NH phải thực hiện nghiêm việc này. Còn anh nào làm sai, đầu tư quá tỉ lệ cho phép thì phải buộc thoái vốn qua việc bán cổ phần, cổ phiếu. NH Nhà nước cần có một lộ trình cụ thể để các NH thực hiện.

Tôi cho rằng việc kêu gọi các NH thực hiện việc này bằng trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp thì sẽ không thể xử lý được. Do vậy, cần phải có chế tài như xử phạt hành chính, thậm chí nếu không chấp hành nghiêm thì có thể bị truy tố... Vì thực tế, chân rết lợi ích của việc sở hữu chéo lớn lao vô cùng. Họ có thể hi sinh một số tiền lớn để tiếp tục duy trì tình trạng sở hữu chéo.

* Có ý kiến cho rằng nên quy định NH chỉ được huy động vốn để cho vay hoặc hoạt động đầu tư, chứ không thể làm cả hai vai như hiện nay?

- Tôi đồng ý với đề xuất này. Bởi đây là nguyên nhân gây ra tình trạng sở hữu chéo khi thể chế tài chính của chúng ta cho phép NH đa năng. Tức là NH vừa hoạt động thương mại là huy động vốn và cho vay và NH vừa hoạt động đầu tư. Nhiều NH dùng vốn huy động của dân chúng, của xã hội đáng lẽ là cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng lại ủy thác cho các công ty con đầu tư ximăng, hải sản, bất động sản, chứng khoán, mua cổ phiếu... và nhiều ngành nghề rủi ro khác.

Ở Mỹ, hệ thống NH rất rạch ròi, NH đầu tư chỉ đầu tư, còn NH thương mại thì huy động tiền của dân chúng để cho vay chứ không được đầu tư. Nếu được đầu tư thì chỉ dành một phần rất nhỏ để mua trái phiếu của chính phủ.

Ở VN tới thời điểm này, theo tôi được biết thì chưa có một nghiên cứu để thấy các lĩnh vực đầu tư của NH hiệu quả ra sao, thất thoát như thế nào... Chúng ta chỉ biết số nợ xấu. Đây là lỗ hổng rất lớn trong hệ thống NH hiện nay.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu QH TP.HCM): Phải minh bạch để xử lý sở hữu chéo

Để xử lý dứt điểm sở hữu chéo, theo tôi, trước hết phải công khai, minh bạch. Sau khi có đề án của Chính phủ, NH Nhà nước cần vào cuộc quyết liệt, đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp để rà soát lại các quy định có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo giữa các NH thương mại. Ví dụ, trong quy định pháp luật hiện nay có quy định nào cho phép sở hữu chéo thì phải trình cấp có thẩm quyền sửa đổi. Tiếp tục hoàn thiện các quy định mua bán, sáp nhập, hợp nhất NH. Luật hiện nay đã có quy định về giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần, nếu chúng ta công khai, minh bạch thì sẽ góp phần quan trọng để loại trừ hành vi sử dụng “sân sau” để nắm giữ số cổ phần quá giới hạn cho phép. Cần làm rõ với các cổ đông sáng lập NH thì các cổ đông đó có được quyền sở hữu ở các nơi khác nhau không, tỉ lệ bao nhiêu, chỉ có NH Nhà nước phối hợp với Ủy ban Chứng khoán mới công khai được, chứ hiện nay còn mập mờ quá. Hoạt động NH trên cơ sở niềm tin, ở đâu mà người ta còn cảm thấy có sở hữu chéo thì người ta sẽ nghĩ đến sự lũng đoạn, như vậy niềm tin của người dân và của các cổ đông nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Phước Thanh (tổng giám đốc Vietcombank): Yêu cầu thoái vốn, chúng tôi sẽ thực hiện

Tôi cho rằng khái niệm sở hữu chéo cần làm rõ vì có nhiều lý do dẫn đến việc NH sở hữu cổ phần của NH khác. Trước năm 2000, các NH cổ phần muốn thành lập phải có vốn góp của các NH quốc doanh, theo chỉ định của Nhà nước, thời gian đó Vietcombank góp vốn vào các NH Quân Đội, Phương Đông, Sài Gòn Công thương với tư cách là cổ đông nhà nước. Số cổ phần này đến nay Vietcombank vẫn duy trì.

Hiện Vietcombank cũng dùng hàng ngàn tỉ đồng để mua cổ phần của NH khác và coi đó như là một hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, với mọi trường hợp NH đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật như không sở hữu quá 11%, nguồn tiền để mua cổ phần của NH khác lấy từ vốn chủ sở hữu. Đến nay, NH Nhà nước vẫn chưa có yêu cầu nào đối với số cổ phần mà Vietcombank sở hữu của những NH khác. Còn nếu đến một lúc nào đó mà NH Nhà nước yêu cầu thoái vốn thì NH sẽ thực hiện.

Ông Đỗ Minh Toàn (tổng giám đốc ACB): Tập trung vào hoạt động chính của NH thương mại

Việc ACB mua cổ phần của những NH khác thời gian qua đơn thuần là hoạt động đầu tư thuần túy và đến nay ACB cũng đã bán gần hết số cổ phần sở hữu của Eximbank, Đại Á, Kiên Long. Còn khoản đầu tư tại VietBank, ACB hiện còn sở hữu chưa đến 5% và cũng có kế hoạch thoái hết vốn. Việc xử lý dứt điểm sở hữu chéo giữa các NH giúp hoạt động của các NH minh bạch, độc lập hơn và các NH tập trung vào hoạt động chính của NH thương mại hơn là hoạt động đầu tư.

V.V.Thành - Ánh Hồng

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên