09/05/2013 13:40 GMT+7

Mũ bảo hiểm có tem chưa chắc đạt chuẩn

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tại tọa đàm do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức ngày 8-5, đã có tranh luận quyết liệt việc có phạt người đội mũ bảo hiểm giả, nhái... Bất ngờ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tuyên bố mũ bảo hiểm có “tem CR” (hợp quy) cũng... không chắc đạt chuẩn.

ycVxCaTc.jpgPhóng to
Quản lý thị trường tịch thu mũ bảo hiểm không có nguồn gốc xuất xứ tại chợ Kim Biên, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
0BrwNBXw.jpgPhóng to
Theo ông Trần Văn Vinh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, mũ bảo hiểm có tem cũng không hẳn đã đạt chất lượng - Ảnh: Việt Dũng

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), qua đợt cao điểm kiểm tra mũ bảo hiểm (MBH) từ ngày 25-2 đến 30-4 vừa qua phát hiện trên 1.770 cơ sở kinh doanh vi phạm, trên 53.800 mũ bị tịch thu và tạm giữ, số tiền phạt trên 873 triệu đồng.

Có tem cũng không an toàn

Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN công bố thông tin “sốc”. Đó là ngay cả các MBH đã được dán tem cũng... chưa đảm bảo chỉ số hấp thụ xung động - tức chỉ số đảm bảo an toàn cho người đội khi bị va đập, tiêu chí quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Theo TS Cris Tunon - đại diện WHO, từ khi VN có quy định bắt buộc đội MBH vào năm 2007, tỉ lệ đội mũ được duy trì trên 90%. Tuy nhiên, để đánh giá tình hình thực chất sử dụng và đánh giá chất lượng MBH, WHO khảo sát bốn địa điểm là Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Bắc Giang, đồng thời chọn ngẫu nhiên để mua 80 loại mũ trong danh sách đạt chuẩn. Sau khi đưa mũ đi thử nghiệm ở các phòng thí nghiệm được Nhà nước công nhận, kết quả có tới 81% mũ đạt yêu cầu về trọng lượng, các bộ phận cần thiết nhưng chỉ có... 18,9% mũ đạt yêu cầu về hấp thụ xung động. Riêng với các loại MBH dán tem CR (tem chứng nhận cho MBH, cũng nằm trong danh sách đạt chuẩn) thì có gần 100% mũ đạt yêu cầu về các bộ phận cần thiết nhưng chỉ 60% mũ nửa đầu, 100% mũ cả đầu và 0% mũ lưỡi trai đạt yêu cầu về hấp thụ xung động... Tính chung, chỉ 46% mũ đạt yêu cầu. WHO cho biết mũ càng đắt thì khả năng đạt yêu cầu về hấp thụ xung động càng cao.

Đề cập vấn đề WHO nêu ra, ông Trần Văn Vinh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - thẳng thắn công nhận nghiên cứu của WHO là chính xác, tuy còn băn khoăn về mức độ. Ông Vinh cho rằng giai đoạn đầu bắt buộc đội MBH thì chất lượng mũ khá tốt. Nhưng sau năm 2007 bắt đầu xuất hiện mũ kém chất lượng, thực chất không phải MBH, mà chỉ giống. Đặc biệt, lâu nay các cơ quan chức năng cứ thấy mũ không có dán tem CR là bắt giữ và người tiêu dùng cũng tin tưởng mũ có tem là đảm bảo chất lượng nhưng ông Vinh lại công nhận tem CR không phải để phân biệt giả, thật. Theo ông Vinh, có tem CR nhưng nếu doanh nghiệp không giữ chất lượng như mẫu hàng đem đi kiểm nghiệm thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. “Thế giới cũng quản lý như thế - ông Trần Văn Vinh khẳng định - Đừng chờ đợi nó chứng minh thật giả!”.

Ông Lê Thế Bảo, chủ tịch Hiệp hội Phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, lại nói tem hợp quy rất quan trọng, nó như nói đã đảm bảo chất lượng. Nêu thực trạng MBH giả, nhái, chất lượng kém lộng hành, ông Bảo cho biết QLTT địa bàn... biết cả, nắm được từng ngõ ngách. Nhưng “nếu QLTT cứ bảo kê thì không bao giờ làm được”.

Tranh luận về xử phạt người đội mũ dỏm

Theo ông Trần Thuận Thành - trưởng phòng kinh doanh Nhựa Chí Thành, có thông tin công an chưa phạt người đội mũ nhựa, mũ giả, nhái nên nhiều người vẫn thờ ơ. Ông Thành cho biết nếu không có cơ chế kiểm tra xử lý, vô tình Nhà nước ép doanh nghiệp giảm chất lượng để tồn tại. Ông Thành đề nghị kiên quyết phạt người cố tình đội MBH đối phó.

Thượng tá Lê Xuân Đức, quyền trưởng phòng tuần tra kiểm soát và xử lý thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cho rằng việc xử lý MBH nên bắt đầu từ gốc, tức kiểm tra từ cơ sở sản xuất và buôn bán, không nên xử phạt người dân đi đường. Ông Đức nói theo nghị định 71/2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, công an chỉ phạt hai hành vi: không đội MBH, đội không cài quai đúng quy cách.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - khẳng định thông tư 06/2013 “không nói xử phạt người tham gia giao thông đội mũ không đạt chuẩn, vì thế sẽ không xử phạt hành vi này”. Theo ông Hiệp, chuyện để tồn tại MBH giả, kém chất lượng là của các cơ quan chức năng, không thể đổ lỗi cho dân. Tuy nhiên, với các loại mũ nhựa, mũ đối phó ghi rõ là mũ cho người cưỡi ngựa hoặc đi bộ... thì sẽ cố gắng đưa quy định để xử phạt những người này.

Về vấn đề người chạy xe máy đội mũ ghi rõ chỉ dành cho người cưỡi ngựa nhưng vẫn không bị phạt, thượng tá Lê Xuân Đức nói ông tham luận không phải đại diện cục, chỉ là tham luận cá nhân. Nhưng ông Đức nói mạnh mẽ: “Không quản lý chất lượng MBH, để mũ không đảm bảo chất lượng tràn ra thị trường là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”. Ông Đức hỏi: “Cảnh sát giao thông chỉ kiểm tra giấy tờ, nếu bắt người dân phải cởi mũ ra, kiểm tra xem MBH hai hay ba lớp liệu có đúng không?”.

Ông Trần Hùng, phó cục trưởng Cục QLTT, cũng xin phát biểu với tư cách cá nhân khẳng định doanh nghiệp chân chính không cạnh tranh được với hàng gian, giả. Nếu nhu cầu vẫn có thì người ta sẽ tìm cách đáp ứng. Ông Hùng nhấn mạnh: “Cảnh sát giao thông bảo không phạt, thưa với hội nghị, xin xác định là xử lý MBH giả, nhái, kém chất lượng không thành công”.

Ngày 7-5, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra cơ sở sản xuất MBH tại số 75A đường Kênh Tân Hóa (Q.Tân Phú), thu giữ hơn 1.000 MBH thành phẩm và bán thành phẩm cùng hơn 2.000 tem nhãn chứng nhận hợp quy giả mạo. Chủ cơ sở thừa nhận việc mua trôi nổi các vỏ mũ, mút xốp, dây quai... về lắp ráp. Điều đặc biệt, MBH thành phẩm dỏm được dán tem chứng nhận hợp quy (CR), tem bảo hiểm tai nạn cùng logo Ngân hàng Sacombank, dù cơ sở sản xuất không có bất cứ loại giấy phép kinh doanh nào.

Ghi nhận tại thị trường TP.HCM, hiện việc mua các phụ kiện riêng lẻ như vỏ mũ, mút xốp, dây quai khá dễ dàng. Khách hàng đặt mua mút xốp dày, mỏng loại nào cũng có. Theo cơ quan quản lý thị trường, rất khó kiểm tra, xử phạt về chất lượng các loại mút xốp vì đây không phải là sản phẩm MBH thành phẩm. Điều này cũng tương tự với các cơ sở chuyên ép vỏ MBH.

Theo thống kê, trong đợt cao điểm kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh MBH, Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra hơn 200 vụ, tạm giữ gần 15.000 MBH không hóa đơn chứng từ, không chứng nhận hợp quy... cùng hơn 20.000 phụ kiện, tem nhãn. Hàng loạt mẫu MBH được đem kiểm định chất lượng.

L.SƠN - ĐẠI VIỆT

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên