![]() |
Tập trung coi phim - giải trí tinh thần duy nhất của dân tộc Si La - tại nhà thầy mo Lì Chà Ché |
Chỉ cách đây vài năm thôi, vào mùa mưa từ Tam Đường, Điện Biên về đến huyện Mường Tè phải mất hai, ba ngày là chuyện thường.
Mùa mưa, toàn bộ cư dân Si La ở hai bản Xeo Hai và Xì Thau Chải (huyện Mường Tè) bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài vì nguồn nước sông Đà dâng lên rất cao và chảy xiết. Tôi đã tới được bản làng của người Si La và ở đó suốt một tuần...
Bếp thiêng và những chiếc chân gà
Bản nhỏ nằm cheo leo trên sườn núi, bên cạnh dãy núi đá có tên Xì Thau Chải ở độ cao từ 1.000 - 1.200m cách mặt nước biển, chỉ có 46 nóc nhà với 211 người. Tuy chỉ cách Mường Tè khoảng 24km về phía nam, từ đường cái đi bè qua sông Đà rồi đi bộ lên rừng non 1km là đến nơi nhưng người Si La hãy còn nghèo lắm.
Cuộc sống chủ yếu vẫn là săn bắt, trồng trọt tự cung tự cấp. Khi tôi đến, cả bản vắng hoe, chỉ có mấy đứa con nít lấm lem bùn đất giương cặp mắt tò mò nhìn khách lạ. Người lớn đều lên rừng, đi nương cả. Chỉ còn ông trưởng bản Hù Chà Hù, mới 49 tuổi mà trông như ông già 60, ông bảo: “Mất sức lao động rồi, ở nhà làm công tác nhà nước, thỉnh thoảng đi bẫy con dúi, con chuột cũng đủ hết thời gian”.
Vào căn nhà vách đất lợp tôn của trưởng bản, đi xung quanh quan sát tôi suýt vấp phải mấy hòn cuội to nằm giữa nhà. Tưởng rằng đứa trẻ nào nghịch mang đá vào nhà chơi, sau mới biết đó là cái bếp thiêng của người Si La. Người Si La có hai hệ thống bếp.
Người Si La thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến (tiếng Si La gần với tiếng Miến hơn).Theo ký ức của người Si La, trước khi di cư sang VN, tổ tiên của họ đã cư trú ở Lasha - thủ phủ của Tây Tạng, Trung Quốc - sau đó di cư sang Mù Đi (Lào) rồi mới sang VN. Ngày nay họ vẫn còn nhớ câu sấm truyền về nguồn gốc của mình: “Su đi La Sa khủa, phum Mù Đi khủa” (sinh ra ở La Sa, lập bản ở Mù Đi). Ở VN, người Si La năm 2003 có 1.010 người, sống tập trung ở hai bản Xeo Hai và Xì Thau Chải (xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) và một số ít ở bản Nậm Xin (Mường Nhé, Điện Biên). Người Si La chỉ có năm họ: Hù, Pờ, Giàng, Lí và Lì. Con trai luôn có tên đệm là Chà (Chà Cưới, Chà Hù, Chà Dong...), con gái có tên đệm là Cố (Cố Thuy, Cố Lụy, Cố Búi...). |
Hòn cuội chính ở giữa tượng trưng cho bà chủ; hòn phía ngoài bên trái hướng về bàn thờ tổ tiên tượng trưng cho tổ tiên hiện thân qua bếp lửa, bảo vệ sự ấm cúng cho gia đình; hòn thứ ba hướng về cửa ra vào nhằm ngăn không cho điều xấu vào nhà. Cũng may, tôi mà đá đổ một trong ba hòn cuội trong bếp thiêng đó thì đã phải nộp phạt một chai rượu và hai hào bạc trắng như mọi người rồi!
Giờ cơm chỉ có tôi, ông trưởng bản, người em ruột và đứa con trai lớn. Vợ ông trưởng bản và mấy người con gái ngồi ngoài sân... nhìn vào! Tôi định ra mời vào thì ông Hù gạt đi: “Người Si La thế đấy, khi có khách là nam giới, vợ chủ nhà không được ăn cơm chung với khách, phải đợi ăn sau với mấy đứa con gái”.
Chà Hù khá ngạc nhiên khi biết tôi là nhà báo trong Nam lặn lội lên đây để tìm hiểu dân tộc mình. Ông rót chén rượu mời mọi người rồi cầm cái chân, đầu gà lên săm soi (sau này tôi mới biết ông trưởng bản “mượn” một con gà giống của hàng xóm mang về đãi tôi). Mặt ông Hù khá nghiêm trọng. Cả bàn ăn đều im lặng chờ đợi. Một hồi, ông phá cười lớn, mặt giãn ra: “Tốt, tốt lắm”.
Thấy tôi ngơ ngác không biết chuyện gì, ông giải thích: “Khách quý đến nhà, người Si La thường làm gà đãi. Chính cái đầu, cái chân sẽ nói nhiều điều về khách và chủ. Chân trái là khách, chân phải là chủ. Nếu các ngón chân khum lại, cùng dính sát vào nhau chĩa về một hướng thì tốt; nếu chân gà có ngón chỏi ra khác hướng những ngón còn lại thì giữa chủ và khách chưa thật sự hết lòng với nhau... Hồi nãy tôi coi rất kỹ chân, đầu gà rồi. Chuyến công tác của nhà báo nhất định sẽ thành công, nhà báo đã là bạn của người Si La rồi đấy!”.
Nói rồi ông lại rót rượu mời tôi. Tôi vốn không uống được nhiều rượu nên chỉ sau vài “tua” đã thấy lâng lâng say nên úp ly xuống không uống nữa. Ai ngờ đó lại phạm vào một điều kiêng kỵ nữa của người Si La: không uống được rượu thì không ép nhưng cứ để ly đấy. Úp ly là khinh chủ nhà không có rượu đãi khách.
Ông Hù đe: “Nhà báo mà gặp người La Hủ, người Mông thì chỉ có chết. Phải uống rượu, không được từ chối. Họ lấy củi trong bếp gí vào chân, còn thấy nóng là chưa say. Phải uống cho đến khi mất cảm giác mới tha”.
“Sướng nhất là được xem tivi!”
![]() |
Cố Gieo đang khâu áo |
Trước cửa nhà trưởng bản có một tấm ván, treo cái ăngten với hàng chữ nguệch ngoạc: “Mọi người chú ý! Đây là cột tivi tập thể, nghiêm cấm không được nghịch. Xem tivi không phải mất tiền”. Trên tấm bảng còn ghi rõ ngày 11-6-2004 và tên ông trưởng bản.
Thì ra, cái tivi 14 inch và đầu đĩa nhạc Trung Quốc trong nhà ông Hù là của Sở Văn hóa - thông tin tỉnh tặng cho bản, từ ngày đó đến nay ai cũng xem đó là của quí của bản, nền văn minh hiếm hoi mà bản làng người Si La có được. Điện chưa có, tivi sử dụng máy thủy điện nhỏ (chỉ xài được vài bóng đèn).
Ông tự hào khoe: “Ở đây cũng biết tình hình nước nhà và thế giới đấy nhé. Nhà này buổi tối là đông nghịt người đến xem phim”. Ông Hù nói đúng. 7g tối, khắp bản đã lấp lóa ánh đèn pin, những bó đuốc đỏ rực hướng về nhà trưởng bản.
Trời lạnh ngắt, gió thổi ù ù, trời tối đen như mực vậy mà từng lượt người cứ đổ về: các cô gái trẻ địu những đứa con chưa đầy tuổi, những bà già cũng chống gậy lò dò từng bước, những đứa trẻ tay cầm que củi đang cháy rừng rực vung tàn bay tung tóe cũng kéo nhau chạy đến nhà trưởng bản như đi hội. Phút chốc cả nhà chật kín người. Ở đây, buổi tối chỉ có xem tivi là sướng nhất.
Ông Hù bảo tôi ngồi chơi để ông đi mở tivi. Bằng những thao tác rất trịnh trọng, ông leo lên bàn, gỡ bóng đèn ra (để đủ điện chạy tivi). Cái tivi 14 inch cũ kỹ giờ trở thành một vật trung tâm thu hút hàng chục người từ bà già móm mém đến những đứa trẻ thơ. Hôm nay tivi chiếu phim Hàn Quốc. Mấy cô thiếu nữ là thích nhất. Cố Nờ - một cô gái trong bản, cho biết: “Không hiểu gì đâu, chỉ thấy có hình ảnh chạy là thích coi rồi”.
Nói vậy thôi chứ từ hàng trăm năm qua, khi chưa có truyền hình, phim ảnh, người Si La vẫn có những niềm vui riêng, thú vui riêng mà ít dân tộc nào có được. Người già bây giờ thì thích nhất là được xem tivi nhà trưởng bản, nhưng nhiều nam nữ thanh niên ở bản người Si La bảo tôi: “Thích nhất là trò đi mò đêm!...”.
--------
* Kỳ sau: Đi "mò" đêm
-------------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 8: Người Pu Péo “đi trước về sau”- Kỳ 7: Nỗi buồn Rơ Mâm- Kỳ 6: Người Brâu ở Đăk Mế- Kỳ 5: Ngược bản Ma Coong, xuôi về đất Rục- Kỳ 4: Khi người A Rem rời hang đá...- Kỳ 3: Người Mã Liềng dưới chân núi Ka Đay- Kỳ 2: Ơ Đu - bộ tộc 300 người- Kỳ 1: Đan Lai - bộ tộc chốn “sơn cùng thủy tận”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận