Binh sĩ Trung Quốc quan sát khinh hạm ROCS Lan Dương của Đài Loan trong cuộc tập trận quanh hòn đảo này - Ảnh: Tân Hoa xã
Hôm 7-8, ngày cuối cùng trong kế hoạch tập trận của Trung Quốc tại 6 khu vực quanh Đài Loan, các tàu chiến của hai bên đã chơi trò "mèo vờn chuột" trên biển khi có khoảng 10 tàu chiến của mỗi bên di chuyển rất gần nhau ở eo biển Đài Loan.
"Những cái đầu tiên"
Sau khi Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận vào trưa 7-8, đã không có cuộc xung đột quân sự nào xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan hay giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, những ngày qua Trung Quốc đã thực hiện những "cái đầu tiên" đáng chú ý. Thiếu tướng Mạnh Tường Thanh, giáo sư tại Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, chỉ ra 4 cái đầu tiên, gồm: (1) Cuộc tập trận đầu tiên gần đảo Đài Loan nhất, (2) Cuộc tập trận đầu tiên "bao vây" đảo Đài Loan, (3) Lần đầu tiên thiết lập trường bắn thực chiến ở phía đông đảo Đài Loan, (4) Tên lửa Trung Quốc lần đầu tiên bay qua đảo Đài Loan và bay qua vùng trời trên khu vực các hệ thống tên lửa Patriot được triển khai dày đặc.
"Điều này cho thấy quân đội Trung Quốc có thể quan sát và tấn công chính xác ở các vùng biển và khu vực xa xôi" - ông Mạnh nhận định.
Hôm 6-8, trong một động thái đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc đã đăng bức ảnh cho thấy một binh sĩ Trung Quốc đang theo dõi tàu ROCS Lan Dương - khinh hạm lớp Tế Dương của Đài Loan.
Truyền thông Trung Quốc không nói rõ bức ảnh được chụp ở đâu, nhưng những ngọn đồi phía sau khinh hạm Lan Dương tương ứng với những ngọn đồi gần Nhà máy điện Hòa Bình ở huyện Hoa Liên, duyên hải phía đông Đài Loan. Theo báo South China Morning Post, đây dường như là nơi gần nhất mà một tàu chiến của quân đội Trung Quốc từng tiếp cận đảo Đài Loan kể từ năm 1949.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho rằng những ngày qua nhiều tàu quân sự, máy bay và máy bay không người lái của Trung Quốc đang mô phỏng các cuộc tấn công vào hòn đảo này. Đài Loan đã điều tàu và máy bay để phản ứng "thích hợp", còn Mỹ cũng điều các tàu chiến hoạt động gần Đài Loan.
Ông Nhạc Cương, đại tá quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu, cho rằng đối mặt với các cuộc tập trận của Trung Quốc, quân đội Đài Loan đã cố gắng tránh để xảy ra các tính toán sai lầm có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn.
Ông Nhạc đánh giá tình hình sẽ không leo thang và sẽ quay trở lại trạng thái như trước tập trận. Đài Loan và Trung Quốc đều hiểu rõ những rủi ro của sự leo thang và sẽ cố gắng hạ nhiệt tình hình.
Trong khi đó, ông Hoàng Giới Chính, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Đạm Giang (Đài Loan), nhận định Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tìm cách siết chặt nền kinh tế của Đài Loan và hạn chế thương mại, đi lại để gây thiệt hại cho hòn đảo này mà không khiến dư luận quốc tế chú ý quá nhiều.
Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT
Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi
Qua chuyến thăm này cũng thấy được không chỉ Đài Loan cần Mỹ về vấn đề đảm bảo an ninh mà Mỹ cũng cần Đài Loan, đặc biệt về chip, để giữ ưu thế trong cạnh tranh với Trung Quốc. Có thể thấy được điều đó qua cuộc gặp của bà Pelosi với ông Mark Liu, chủ tịch Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
Về quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, phản ứng với chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc đã trừng phạt Đài Loan bằng cách tạm ngừng nhập khẩu cá và một số loại trái cây cũng như cấm xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có động thái trừng phạt nào với gã khổng lồ chip TSMC của Đài Loan.
Quan hệ Mỹ - Trung đã bị xấu đi thêm sau chuyến đi này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố 8 biện pháp (gồm "3 thủ tiêu" và "5 tạm đình") đáp trả, theo đó dừng hợp tác nhiều lĩnh vực dân sự và quân sự giữa hai nước. Bắc Kinh còn công bố trừng phạt cá nhân bà Pelosi và gia đình. Mỹ và Trung Quốc cũng triệu tập đại sứ của hai bên.
Các nhà phân tích cho rằng việc ngừng một số hoạt động song phương - đặc biệt là các cuộc liên lạc giữa quân đội hai nước - có nguy cơ phá vỡ cái mà Nhà Trắng gọi là "các rào chắn" giúp ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát trong quan hệ hai nước.
"Những biện pháp này sẽ làm giảm cơ hội để Mỹ và Trung Quốc tìm ra một thỏa thuận cần thiết. Hai quốc gia này sẽ không thể trao đổi với nhau một cách hiệu quả" - chuyên gia quốc phòng Zeno Leoni tại Trường King's College London (Anh) bình luận.
Cuộc sống tiếp diễn "dưới nòng súng"
Theo báo Wall Street Journal, bất chấp các cuộc tập trận của Trung Quốc những ngày qua, cuộc sống của người dân tại Đài Loan vẫn "tiếp diễn dưới nòng súng". Mặc dù các bản tin của truyền hình Đài Loan bị chi phối bởi loạt tập trận này, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy công chúng hoặc các doanh nghiệp hoảng sợ.
Du khách vẫn đổ tới bãi biển, các khu chợ đêm vẫn đông đúc, các hoạt động văn hóa như biểu diễn âm nhạc ở Đài Bắc… đều diễn ra như bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận