Cô Đỗ Ngọc Anh Thư, dạy lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM), dạy học trên truyền hình - Ảnh: NVCC
Dạy trên truyền hình đơn thuần chỉ là thuyết trình, có câu hỏi dừng lại cho học sinh suy nghĩ thì chính lúc đó giáo viên như đang độc thoại: À các em suy nghĩ ra chưa? Các em chắc trả lời đúng rồi ha? Thầy mong các em chinh phục được nhiều dạng bài tập này... kiểu như thế.
Thầy VÕ KIM BẢO
Giữa tháng 10-2021, phải mất ba lần tôi mới liên lạc được với thầy Võ Kim Bảo, giáo viên văn Trường THCS Nguyễn Du, (quận 1, TP.HCM).
Để có tiết dạy "đẹp"
Giọng nói thầy khàn khàn do mất ngủ một tuần. Thầy kể bận rộn với lịch giảng dạy online ở trường cho khối 6, 9, buổi tối là lúc làm giáo án mới cho tiết dạy trên truyền hình.
"Dạy ở lớp khác dạy trên truyền hình lắm. Cùng một bài, nhưng dạy trên tivi không dành cho đối tượng học sinh nào trực tiếp nên mình phải soạn lại. Phải đổi sang thuyết trình, đảm bảo tính tương tác, nhất là khi ngưng nghỉ 1-2 phút cho học sinh trả lời câu hỏi" - thầy Bảo tâm sự.
Xong việc soạn giảng, thầy tự quay video, tự thu clip giọng mình để sao cho trọn đúng 35 phút. Sau đó thầy xem lại và học thuộc trong cả tuần để có một tiết dạy "đẹp" trên truyền hình.
Thầy Bảo kể: "Lên đài 35 phút, nếu chênh một xíu thì rất cực cho người quay nên tôi phải giảng thử, quay thử, ghi âm thử để xem chỗ nào chưa ổn. Đi ngủ cũng phải mở clip mình tự quay lại để nghe cho thuộc lời. Thậm chí lúc nào rảnh cũng phải "lập bập" lại lời giảng.
Bên ngoài nhìn vào cứ tưởng 35 phút trôi qua cái vèo. Hình ảnh giáo viên trông lung linh, lóng lánh trên màn hình chứ thực ra cả tuần thầy cô "sầu úa" ăn ngủ không yên với nội dung sẽ dạy".
Trong khi đó, 25 phút một tiết dạy trên truyền hình với cô Đỗ Ngọc Anh Thư (dạy lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1, TP.HCM) khá căng thẳng.
"Một tiết 25 phút, tôi mất ba ngày soạn giảng, tập luyện. Tôi phải thức 2-3h sáng để đọc kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên, soạn giáo án điện tử, sau đó gửi sở để duyệt, rồi đưa cho đồng nghiệp góp ý. Tôi thì không học thuộc vì sẽ nhìn phần ghi chú trên màn hình Power Point. Nhưng áp lực nhất là mường tượng ống kính là học sinh để tương tác, để giảng thật tự nhiên".
Thầy Phạm Thanh Bình - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - lần đầu được trải nghiệm việc dạy trên truyền hình. Mặc dù không được tập huấn nhưng được "tiền bối" và đồng nghiệp tư vấn qua điện thoại nên thầy dạy thành công các tiết cho khối 6 và 9.
Thầy háo hức kể về tiết ghi hình: "Cái khó là dạy nhưng không tương tác với học sinh, dạy học theo chủ đề buộc giáo viên phải biết tổng hợp. Ví dụ khi dạy một chủ đề về các loại đại từ và thì hiện tại đơn, giáo viên phải soạn lọc chủ điểm nhỏ như đại từ chủ ngữ, đại từ tân ngữ; động từ "to be", động từ thường..., tức là đòi hỏi giáo viên phải đi sâu, chuyên nghiệp.
Việc chuẩn bị phải tốn công sức gấp 5-6 lần soạn giảng bình thường. Dạy trên truyền hình ngoài việc cho trải nghiệm phim trường, giúp tôi có kinh nghiệm mới khi trước mặt mình là đối tượng học sinh đông đảo".
Gần 90 giáo viên giảng dạy
Một kỹ thuật viên quay phim của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) cho biết có gần 90 giáo viên thực hiện tiết dạy trên truyền hình cho các khối 1, 2, 6, 9.
"Chúng tôi quay tập trung, đã quay hết chương trình của học kỳ I. Bây giờ lần lượt phát sóng. Khi làm việc với các thầy cô, lần đầu ai cũng bỡ ngỡ nên sự tương tác, ghi hình còn khựng. Nhưng bắt đầu tiết thứ 2, thầy cô vào guồng thực hiện rất tốt.
Tuy chỉ là công tác kỹ thuật nhưng để có một tiết ghi hình 25-35 phút, chúng tôi biết giáo viên phải chuẩn bị giáo án, hậu trường rất kỹ và vất vả vì thời gian quá ít. Để thành công một tiết ghi hình, đương nhiên giáo viên không thể nào hời hợt mà rất gạn lọc, đầu tư soạn giảng" - người này nói.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc dạy học trên truyền hình để hỗ trợ thêm quá trình học tập online trong mùa dịch cho học sinh.
Vị này cho biết: "Giáo viên được chọn ghi hình là những giáo viên cốt cán, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Vì dịch giã, không được tập huấn nhưng đa số thầy cô phản xạ tự nhiên theo kinh nghiệm, năng lực đã có để tổng hợp, truyền tải nội dung cốt lõi của bài trong thời lượng quy định.
Giáo án soạn giảng được sở, phòng và tổ chuyên môn ở trường duyệt, sau đó mới ghi hình. Về hình thức, sở có kịch bản đưa cho các thầy cô tập luyện, nhưng đa số giáo viên uyển chuyển linh hoạt khi mở màn, hay chuyển tiết và kết thúc. Nhìn chung, các thầy cô làm việc rất tốt".
Lên sóng
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), soạn giáo án rất kỹ trước khi dạy học trên truyền hình - Ảnh: NVCC
Xuất hiện trên truyền hình, nhớ lại những giây đầu tiên run run, thầy Bảo kể: "Mở đầu môtip quen thuộc: "Mến chào các em học sinh lớp 9, thầy rất vui khi gặp các em với tiết dạy học trên truyền hình ngày hôm nay. Trước khi vào bài học mới, chúng ta khởi động ôn nhanh kiến thức cũ các em nhé"..., mà trước mặt mình chỉ có chục ánh đèn chiếu vào mặt, ba máy quay, rồi có đồng nghiệp nhìn, người trong đài nhìn...
Lần đầu tôi dạy mà lo khó trôi chảy, khó tự nhiên, hơi gượng. May mà tiết đầu tôi vượt qua được, suôn sẻ".
Còn cô Anh Thư kể: "Bao nhiêu máy quay, ánh sáng chiếu trực tiếp vào mặt. Hai tuần tôi dạy trên truyền hình sáu tiết. Đó là sáu bộ trang phục áo dài khác nhau, quay vèo trong một buổi. Mệt, áp lực nhưng luyện cho tôi môi trường chuyên nghiệp với trải nghiệm khó quên.
Nếu như không học online, giáo viên khó có những lần dạy học trên tivi đáng nhớ như thế này. Bản lĩnh, tự tin hơn và giúp giáo viên nhanh vào guồng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận