04/09/2014 04:56 GMT+7

Một sự cố không đáng có

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - “May quá” là từ tôi nghe nhiều nhất khi trò chuyện với các cán bộ, nhân viên của nhà thi đấu Phan Đình Phùng sau sự cố sập trần trong lúc đang diễn ra Giải cầu lông Việt Nam mở rộng vào tối 2-9.

Hỏi tại sao lại may, mọi người giải thích thế này: sự cố này mà xảy ra mấy ngày trước thì quả là tai họa, bởi liên tục mấy ngày trước đó là những sự kiện đông người như lễ khai giảng của Trường Năng khiếu TDTT, chương trình Đêm hội trăng rằm cho hơn 1.000 thiếu nhi; toàn là những chương trình nhiều tiếng ồn và ít ánh sáng. Nếu sự cố xảy ra trong những chương trình đó, thật khó phát hiện những tiếng kêu “răng rắc” báo trước từ trần nhà đổ xuống như tại giải cầu lông. Và eo ơi, không dám nghĩ thêm nữa!

Nhưng bù lại, thiệt hại do sự cố xảy ra ở giải cầu lông quốc tế là những thông tin, hình ảnh đáng buồn cho thể thao VN. Ai cũng biết một trong những mục tiêu lớn nhất của việc tổ chức các hoạt động thể thao quốc tế chính là quảng bá, giới thiệu một hình ảnh VN an toàn và thân thiện với bạn bè. Khi nhìn mục tiêu này, rõ ràng VN đã bị ảnh hưởng không nhỏ do hơn 230 tay vợt nước ngoài từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đến dự giải cầu lông đã “bắn” lên Facebook của mình về sự cố đáng buồn này. Chưa hết, rất đông trong số họ đã dùng điện thoại quay cảnh một mảng trần lớn đổ ập xuống khiến mọi người chạy tán loạn và tải lên YouTube gây xôn xao dư luận, không chỉ trong nước mà cả làng cầu lông thế giới.Nghĩ mà tiếc vì lẽ ra sự cố này không thể xảy ra...

Tôi chất vấn những người có trách nhiệm ở sân Phan Đình Phùng vì sao không có những kiểm tra thường xuyên thì mọi người cho rằng từ mấy năm nay, tất cả thành viên của bộ máy quản lý sân rơi vào tâm trạng chán chường.

Tại sao lại chán chường? Được biết vào cuối thập niên 1990, Sở TDTT TP.HCM (khi chưa sáp nhập) đã có một đề án “đổi đất lấy hạ tầng” được đệ trình lên lãnh đạo TP.HCM. Sở dĩ có đề án này là bởi sân Phan Đình Phùng được báo cáo là xuống cấp nặng nề, sửa chữa thì chắp vá mà xây mới thì lấy đâu ra tiền. Thế nên đã có sáng kiến đổi đất - giao CLB thể dục Trần Hưng Đạo (257 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) cho nhà đầu tư và nhà đầu tư có trách nhiệm xây mới sân Phan Đình Phùng.

Kế hoạch này đã được thông qua. Nhà đầu tư cũng đã tìm được, đó là Công ty Đức Khải. Một cuộc thi thiết kế đã được tổ chức với kết quả là đồ án của Công ty Yellow Stones chiến thắng. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu là gần 800 tỉ đồng nhưng sau đội lên thêm 400 tỉ nữa do tăng số tầng hầm để xe từ hai lên bốn tầng. Ngày khởi công cũng đã được chọn: ngày 12-12-2012!

Nhưng rồi chẳng hiểu sao tất cả đều khựng lại từ năm 2012 đến nay. Sáng 3-9 khi đi thị sát sân Phan Đình Phùng sau khi xảy ra sự cố, giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết sẽ sớm trình với lãnh đạo TP để khởi động lại dự án này.

Giá như tất cả đều quyết liệt trong việc thực hiện đề án “đổi đất lấy hạ tầng”, không để kéo rê hàng mấy năm trời, có lẽ giờ này một sân Phan Đình Phùng hiện đại có sức chứa gần 5.000 chỗ ngồi đã gần hoàn thành, và như vậy chẳng có sự cố đêm 2-9 khiến thương hiệu VN bị ảnh hưởng bởi những nhận xét không tốt của các tay vợt nước ngoài trên Facebook của họ. Và nữa, giá như các nhà quản lý sân đừng chán chường, vẫn thường xuyên kiểm tra toàn diện trước khi tổ chức các sự kiện...

[box]Có chỉ đạo tạm ngưng dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Theo nguồn tin từ Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, vài tháng trước khi xảy ra sự cố sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo ngưng dự án xây mới nhà thi đấu này một mặt vì VN không tổ chức Asiad, một mặt để nhà đầu tư là Công ty CP Đức Khải tập trung vào dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Cũng theo chỉ đạo này, phải chờ xong dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới xem xét tiếp.

Đại diện Sở VH-TT&DL, đơn vị chủ trì dự án này, cũng xác nhận dự án xây mới nhà thi đấu Phan Đình Phùng về pháp lý chưa trao cấp phép cho Công ty CP Đức Khải mà mới ở quá trình xem xét để bàn giao dự án. Được biết, Công ty CP Đức Khải được UBND TP.HCM xem xét chuyển giao ba dự án để triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó, dự án xây mới nhà thi đấu Phan Đình Phùng được xem xét từ năm 2010.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chậm triển khai kế hoạch xây dựng mới nhà thi đấu Phan Đình Phùng, ông Phạm Ngọc Lâm - tổng giám đốc Công ty CP đền bù giải tỏa Đức Khải, chủ đầu tư dự án - khẳng định không có chuyện năng lực tài chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà việc chậm triển khai dự án do nhiều yếu tố khách quan. Cụ thể, chỉ riêng việc bàn thảo dự án xây dựng bao nhiêu tầng hầm, một tầng hầm hay bốn tầng hầm cũng kéo dài cả năm, cuối cùng mới chốt lại phương án xây bốn tầng hầm. Đặc biệt, việc tổ chức cuộc thi chọn phương án thiết kế đã tốn rất nhiều thời gian, theo quy định của thủ tục.

* Ngày 3-9, Sở Xây dựng TP.HCM đã kiểm tra hiện trường vụ sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng (P.6, Q.3) và có văn bản báo cáo UBND TP, Bộ Xây dựng về sự cố trên. Diện tích trần thạch cao bị sập rộng hơn 40m2. Đây là khối trần thạch cao được sửa chữa, lắp đặt từ năm 1994 do đơn vị thi công kết nối bằng đinh tán. Do sử dụng lâu ngày nên hệ thống kết nối không chịu được sức nặng của trần thạch cao đã làm khối thạch cao rớt xuống. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng cùng với các chủ quản lý sử dụng mở rộng kiểm tra, rà soát chất lượng kết cấu mái, trần treo của các công trình công cộng tập trung đông người khác trên toàn TP.

Đ.DÂN - H.ĐĂNG - K.YÊN - Q.THANH - L.HOÀI[/box]

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên