![]() |
Chăm sóc một người bị thương trong vụ đánh bom ở Oslo - Nguồn: AP |
Thông điệp này nói rằng đây là vụ tấn công nhằm đáp trả việc Na Uy đưa quân tới Afghanistan, đồng thời đã xúc phạm tới đấng Tiên tri Muhammad.
“Chúng ta đã cảnh báo kể từ sau vụ tấn công ở Stockholm,” thông cáo của nhóm này viết, có liên hệ tới vụ đánh bom ở Thụy Điển tháng 12-2010. “Những gì mà các người thấy mới chỉ là bắt đầu mà thôi.”
Tuy nhiên, lời nhận trách nhiệm này vẫn chưa được giới chức Na Uy xác nhận. Cảnh sát Na Uy vẫn chưa khẳng định vụ nổ ở tòa nhà chính phủ có phải là đánh bom khủng bố hay không.
Những tin tức mới nhất cho hay, đã có 7 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ nổ lớn xảy ra lúc 3 giờ 30 phút chiều giờ địa phương ngày 22-7 (13g30 GMT, tức 20g30 giờ Hà Nội). Đây là thời điểm các nhân viên công sở bắt đầu rời văn phòng để về nhà.
Vụ nổ lớn này đã khiến toàn bộ cửa kính của tòa nhà 17 tầng, nơi đặt văn phòng chính phủ Na Uy cùng một số bộ ngành, bị vỡ toang và hư hại nặng.
Cố vấn cao cấp của Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg nói lúc đó ông không có mặt ở văn phòng nên vẫn an toàn. Sau đó ông Stoltenberg đã xuất hiện trên kênh truyền hình TV2 và thông báo ông cũng như các thành viên nội các đều an toàn, đồng thời tiết lộ việc cảnh sát đề nghị ông không cung cấp thông tin về nơi mình đang có mặt.
Ngay sau vụ nổ ở Oslo thì một người đàn ông trong trang phục cảnh sát đã xả súng vào trại hè của thanh niên Công đảng cầm quyền ở Utoya, gần Oslo, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Song một số nguồn tin nói con số người chết có thể gấp đôi.
Cảnh sát cũng đã bắt được kẻ xả súng ở Utoya - một người đàn ông tóc vàng người Na Uy - đồng thời cho biết hai vụ có thể liên quan tới nhau.
Liên minh Châu Âu và NATO đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom nói trên. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã gọi vụ đánh bom này là một "hành động ghê tởm".
Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, đã bày tỏ "cực sốc" về vụ việc này. Ông nói rằng một vụ tấn công nghiêm trọng như vậy không phải là điều người ta nghĩ đến ở Na Uy, đất nước nổi tiếng với sự thanh bình trong nước và hoạt động gìn giữ hoà bình ở nước ngoài."
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chia buồn đến Na Uy sau hai vụ tấn công chết người trong ngày 22-7, đồng thời hối thúc các nước trên thế giới tăng cường hợp tác trong nỗ lực chống khủng bố.
Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng John Key của New Zealand, ông Obama gọi những cuộc tấn công này "là lời nhắc nhở toàn cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn hành động khủng bố."
Ngoại trưởng Anh William Hague cũng gửi lời chia buồn tới người nhà các nạn nhân và những người bị thương trong vụ đánh bom "kinh hoàng" ở Oslo. Ông cũng lên án mọi hình thức khủng bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận