13/05/2022 17:45 GMT+7

Một nhà máy từng suýt bị đưa vào diện theo dõi vì 'đắp chiếu', nay đã hòa lưới điện

N.AN
N.AN

TTO - Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đã chính thức hòa lưới điện lên hệ thống điện quốc gia.

Một nhà máy từng suýt bị đưa vào diện theo dõi vì đắp chiếu, nay đã hòa lưới điện - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi làm việc trực tiếp tại dự án vào ngày 8-5 vừa qua - Ảnh: PVN

Theo thông tin từ PVN vừa phát đi, tập đoàn này vừa tổ chức lễ hòa lưới điện Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào ngày 13-5.

Việc hòa lưới điện được nhiệt điện Thái Bình 2 thực hiện sớm hơn tiến độ 7 ngày, được thực hiện vào 22h52 ngày 12-5, trở thành mốc quan trọng của dự án, với quyết tâm đưa nhà máy vào vận hành và phát điện thương mại theo đúng tiến độ.

Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của dự án đạt hơn 93%; thiết kế đạt 99,9%, công tác mua sắm hoàn thành khoảng 97,32%; công tác chạy thử hoàn thành khoảng 40%; công tác thi công xây lắp hoàn thành khoảng 93,88%.

PVN cho hay, trong quá trình triển khai, dự án đã gặp vô vàn khó khăn, bị đình trệ, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc, phải tính đến việc "khẩn cấp" đưa dự án vào danh sách dự án yếu kém ngành công thương.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Phó thủ tướng khi trực tiếp xuống làm việc tại nhà máy, chỉ đạo, xử lý nóng từng vướng mắc, cơ chế, chính sách để dự án được khởi động trở lại. Đến nay, trên cơ sở củng cố bộ máy, hiện luôn có 1.000 - 1.200 kỹ sư, công nhân thi công trực tiếp tham gia dự án.

Ông Hoàng Quốc Vượng, chủ tịch HĐTV PVN, cho rằng việc hòa lưới điện sẽ là cơ sở để nhiệt điện Thái Bình 2 triển khai các mốc tiếp theo và đưa nhà máy vào hoạt động thương mại trong năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, thách thức.

Dự án có quy mô lớn, cung cấp 7,2 tỉ kWh điện

Với tổng công suất 1.200 MW, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD.

Đây là một trong những dự án nguồn điện cấp bách khởi động từ năm 2011, được hưởng cơ chế đặc biệt trong quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11-12-2013.

Đến năm 2019, dù cơ chế này đã có hiệu lực 5 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cho một số nội dung vướng mắc, khiến cho PVN phải đưa ra kiến nghị được cung cấp tiền để "cứu" dự án.

Đáng chú ý, tại cuộc họp vào tháng 7-2019 với sự tham gia của các lãnh đạo thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh, chủ tịch PVN đã khẳng định:

"Nếu không có tiền thì đóng cửa dự án và tôi sẽ ký trả dự án, tôi chấp nhận kỷ luật. Không vay được thì phải bỏ tiền túi ra làm, hoặc đi vay chỗ khác, cơ cấu tài chính thì chúng tôi sẽ tự thu xếp".

Sau nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo Chính phủ, bộ ban ngành và chủ đầu tư là PVN để tháo gỡ cho dự án, nguồn tiền tài chính giúp cho dự án từ chỗ "đóng băng" đã thi công trở lại.

Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỉ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệt điện Thái Bình 2 đốt lửa sau 11 năm gần như Nhiệt điện Thái Bình 2 đốt lửa sau 11 năm gần như 'đóng băng'

TTO - Ngày 23-2, dự án nhiều thăng trầm, khởi động từ năm 2011 là Nhiệt điện Thái Bình 2 đã tổ chức đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 của nhà máy, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30-4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào 16-6.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên