27/08/2017 11:53 GMT+7

Một lịch sử bạo tàn ngàn năm của tin tức giả mạo

HẢI MINH (THEO POLITICO)
HẢI MINH (THEO POLITICO)

TTO - Tin tức giả mạo (fake news) không chỉ là chuyện của thời Facebook và mạng xã hội, nó thậm chí đã xuất hiện còn trước cả tin tức thật sự.

Một lịch sử bạo tàn ngàn năm của tin tức giả mạo - Ảnh 1.

Đã đăng trên Internet hẳn phải đúng -cagle.com

Tin đồn nhanh chóng lan đi. Từ lâu trước đó, ông da Feltre đã nói thi thể cậu bé được tìm thấy trong tầng hầm nhà một người Do Thái. 

Đáp lại, giám mục kiêm công tước Trent, Johannes IV Hinderbach, ngay lập tức ra lệnh bắt giữ và tra tấn toàn bộ cộng đồng Do Thái của thành phố.

Ngụy tạo và dựng đứng

Tin tức giả mạo tràn tới Trent, Ý vào ngày chủ nhật lễ Phục sinh năm 1475. Một đứa bé 2 tuổi rưỡi tên Simonino đã mất tích và một thầy thuyết giáo dòng Franciscan, Bernardino da Feltre, trong hàng loạt bài giảng của ông tuyên bố cộng đồng người Do Thái địa phương đã sát hại đứa trẻ, rút và uống máu của nó để mừng lễ Vượt qua.

15 người bị tuyên có tội và đưa lên giàn thiêu. Câu chuyện đó đã dẫn tới nhiều cộng đồng xung quanh học theo.

Nhận ra đó là một câu chuyện giả mạo, giáo hoàng can thiệp, cố gắng ngăn chặn cả việc rao giảng câu chuyện và những vụ sát nhân.

Nhưng Hinderbach không tuân theo mệnh lệnh của giáo hoàng và do cảm thấy bị đe dọa, tiếp tục lan truyền thêm những câu chuyện giả mạo về việc dân Do Thái uống máu của trẻ em Công giáo.

Cơn giận dữ của dư luận trong bầu không khí bài Do Thái khiến giáo hoàng không thể can thiệp được nữa, trong khi Hinderbach tiến thêm một bước bằng cách phong thánh cho Simonino.

Ngày nay, các sử gia đã xác nhận rõ ràng rằng chuyện người Do Thái giết rồi uống máu trẻ em là hoàn toàn ngụy tạo và nhiều câu chuyện đã bị dựng đứng từ thế kỷ XII để làm nền cho phong trào bài Do Thái.

Vậy mà ngày nay, một trang web bài Do Thái vẫn khẳng định những câu chuyện đó là thật và Simonino vẫn là một vị thánh tử vì đạo. Đã 5 thế kỷ, nhưng một số tin tức giả mạo đơn giản là không thể nào dẹp bỏ.

Thời gian qua, câu chuyện về tin tức giả mạo lại chiếm lĩnh giới truyền thông, từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến tranh cãi về người nhập cư ở châu Âu, đó là chưa kể hằng hà sa số tin tức thất thiệt khác ở quy mô nhỏ hơn xuất hiện mỗi ngày, mỗi giờ trên mạng xã hội.

Nhưng giữa những cảnh báo và chiến dịch chống tin tức giả mạo, một sự thật có vẻ đã bị lãng quên: tin tức giả mạo không phải là hiện tượng mới mẻ gì. Nó đã là một khái niệm được định hình rõ ràng từ 500 năm trước, với sự ra đời của kỹ thuật in ấn ở châu Âu.

Thật ra, tin tức giả mạo còn lâu đời hơn nhiều so với báo chí chính thống, tin tức được xác minh và có tính "khách quan" vốn chỉ xuất hiện cách đây hơn một thế kỷ.

Ngay từ đầu, tin tức giả mạo đã có khuynh hướng giật gân và cực đoan, được thiết kế để làm bùng lên cảm xúc, định kiến và thường kích động bạo lực.

Có lẽ điều nguy hiểm nhất là tin tức giả mạo tỏ ra rất mạnh mẽ và dai dẳng.Cỗ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã dựa trên những câu chuyện dựng đứng tương tự về nghi lễ uống máu trẻ em của người Do Thái từng là công cụ của giám mục - công tước Hinderbach hồi thế kỷ 15.

Giáo hoàng Sixtus IV thời đó đã thấy rằng những câu chuyện giả với nguồn gốc là định kiến của đám đông sẽ khiến ngay cả quyền lực được cho là tối thượng của ông cũng vô nghĩa. Ngày nay, với sự suy tàn của các hãng tin chủ lưu chính thống trên toàn thế giới, ai sẽ ngăn chặn dòng tin tức giả mạo đây?

Một lịch sử bạo tàn ngàn năm của tin tức giả mạo - Ảnh 2.

Tin tức giả mạo có thể gây ra những hậu quả tàn bạo với xã hội -disclose.tv

Dẫn đường cho tội ác

Tin tức giả mạo xuất hiện ngay khi tin tức bắt đầu có thể được truyền bá rộng khắp, sau khi Johannes Gutenberg phát minh kỹ thuật in ấn vào năm 1439.

Tin tức xác thực rất khó xác minh ở thời đại đó. Đã có rất nhiều nguồn tin trong thời kỳ đó rồi - các ấn bản chính thức của những nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo, các tài liệu ghi lại của nhân chứng, bao gồm những thủy thủ và thương nhân - nhưng thời bấy giờ chưa ai có khái niệm gì về đạo đức báo chí và tính khách quan của dữ kiện.

Những ai muốn tìm kiếm sự thật phải rất chú ý. Vào thế kỷ 16, những ai muốn tin tức thật sự tin rằng các báo cáo bí mật tiết lộ từ nhà chức trách là các nguồn đáng tin cậy, nhưng chẳng bao lâu sau đã xuất hiện những báo cáo bí mật giả nữa!

Tới thế kỷ 17, các sử gia bắt đầu có vai trò trong việc xác minh những gì được đăng tải bởi các nguồn tài liệu của họ bằng ghi chú. Vụ xét xử Galileo vào năm 1610 cũng nêu ra yêu cầu phải xác minh một cách khoa học tin tức và tài liệu viết.

Nhưng khi các tài liệu in ấn trở nên phổ biến, dòng tin giả mạo cũng ăn theo, từ những câu chuyện hoang đường về quái vật biển khơi và phù thủy tới việc kết tội những kẻ không giữ điều răn của giáo hội đã gây ra các thảm họa tự nhiên.

Trận động đất Lisbon năm 1755 là một trong những dữ kiện tin tức khó xác minh nhất mọi thời, khi giáo hội và nhiều nhà cầm quyền ở châu Âu nói đó là do những kẻ có tội lỗi theo quan điểm Công giáo.

Những cuốn sách khổ nhỏ đầy tin tức giả mạo xuất hiện ở Bồ Đào Nha, tuyên bố một số người sống sót nhờ vào sự hiển linh của Đức Mẹ.

Chính các tài liệu giả mạo trên cơ sở tôn giáo về trận động đất đó đã khiến triết gia danh tiếng của phong trào Khai sáng Voltaire cầm bút tấn công những giải thích hoang đường về các hiện tượng tự nhiên, và biến ông thành một nhà hoạt động chống lại tin tức giả mạo có lẽ là một trong những người đầu tiên trong lịch sử.

Tin giả tràn lan vào thời đó. Năm 1761, Marc-Antoine Calas, con trai 22 tuổi của một thương nhân Tin lành đáng kính ở Toulouse, có vẻ đã tự sát.

Các nhà hoạt động Công giáo loan đi tin tức rằng ông Jean - cha của Calas - đã giết cậu vì cậu muốn cải đạo. Nhà chức trách tư pháp địa phương đăng cáo thị kêu gọi các nhân chứng hợp tác, qua đó chính thức biến tin đồn thành sự thật.

Jean Calas bị truy tố dựa trên tin đồn và bị tra tấn tàn nhẫn công khai trước khi bị xử tử. Kinh hoàng trước sự bạo tàn đó, Voltaire đã dày công điều tra vụ việc và xác định lại rằng Marc-Antoine tự sát vì nợ nần do cờ bạc, cũng như không thể học hết đại học - theo xưng tội của chính chàng trai xấu số.

Vua Pháp Louis XV đã đảo ngược phán quyết, phục hồi danh dự cho Jean Calas vào năm 1765 và sa thải chánh thẩm phán của Toulouse.

Tài liệu của Voltaire về vụ việc trở thành bước ngoặt cho phong trào Khai sáng. Nhưng ngay cả cuộc cách mạng khoa học và phong trào Khai sáng cũng không thể ngăn chặn được tin tức giả mạo.

Trong những năm trước Cách mạng Pháp, truyền đơn về thâm hụt ngân sách của chính quyền quân chủ được rải khắp Paris từ nhiều phe phái chính trị khác nhau, với những con số cũng hoàn toàn khác nhau. Giống như ngày nay, độc giả của các tờ rơi khi đó cũng đầy nghi ngờ và không biết sao để tìm ra sự thật.

Một lịch sử bạo tàn ngàn năm của tin tức giả mạo - Ảnh 3.

Công nghệ mới khiến tin tức giả mạo có thể lan truyền nhanh và tác động mạnh hơn bao giờ hết - Ảnh: npr.org


Ngay cả những người sáng lập vĩ đại của nước Mỹ cũng không ngần ngại sử dụng tin giả mạo. Để tăng tinh thần cho phe cách mạng, chính Benjamin Franklin đã ngụy tạo những câu chuyện mang tính tuyên truyền về việc dân da đỏ “chuyên lột da đầu người” phục vụ cho vua Anh George III.

Ngoài ra còn có những câu chuyện khác, bao gồm việc vua George đưa hàng nghìn lính đánh thuê nước ngoài sang giết người Mỹ, để kêu gọi sự ủng hộ với cuộc cách mạng.

Tới những năm 1800, tin tức giả mạo ở Mỹ tập trung vào người nô lệ da đen khi xung đột quan điểm về vấn đề này lên đến cao độ.

Một chuyện hay được kể đi kể lại là người da đen biến thành da trắng sau một đêm hoặc các cuộc nổi dậy và tội ác của nô lệ, dẫn tới tình trạng bạo lực kinh hoàng nhắm vào người Mỹ gốc Phi.

Chuyện giật gân luôn ăn khách. Đầu thế kỷ 19, báo chí hiện đại xuất hiện và đồng thời làm tăng độ lan tỏa của tin tức giả mạo. Năm 1835, tờ New York Sun tuyên bố trên Mặt trăng có một nền văn minh khác, tuyến bài giúp họ trở thành tờ báo ăn khách và có lợi nhuận cao nhất thời bấy giờ.

Năm 1844, báo chí chống Công giáo ở Philadelphia tuyên bố rằng dân Ireland ăn cắp Kinh Thánh ở các trường công, dẫn tới những cuộc bạo động và tấn công các nhà thờ Công giáo. Những năm chuyển giao thế kỷ là thời kỳ bùng nổ của báo khổ nhỏ với các tin tức giả mạo, chuyên gia giả mạo và câu chuyện giả mạo nhằm khơi gợi sự cảm thông hoặc giận dữ.

Tờ New York World của Joseph Pulitzer đăng nhiều chuyện tội ác ngụy tạo để bán báo. Tờ Morning Journal nói quá rất nhiều sự kiện giúp làm bùng phát cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ.

Khi một phóng viên thường trú của tờ này ở Havana đánh điện tín về nói sẽ không có chiến tranh, chủ báo William Randolph Hearst đáp lại: “Kiếm hình ảnh đi, có chiến tranh hay không là việc của tôi”.

Hearst sau đó đăng những bức tranh vẽ giả mạo cảnh các quan chức Tây Ban Nha ở Cuba lột trần phụ nữ Mỹ để khám xét - ông đã có cuộc chiến mà ông muốn.

Trong khi tin giật gân luôn tồn tại, báo chí khách quan dần trở thành một mô hình kinh doanh thành công hơn và cũng là mô hình thống trị tới tận gần đây.

Năm 1896, Adolph Ochs mua lại tờ New York Times với mục tiêu xây dựng một tờ báo dựa trên “chỉ dữ kiện” có ích cho giới đầu tư giàu có cần thông tin làm ăn đáng tin cậy. Ochs chứng minh rằng tin tức không cần phải giật gân mới có lợi nhuận.

Nhưng tất nhiên báo chí khách quan cũng gặp nhiều thách thức. Suốt thế kỷ 20, các bộ máy tuyên truyền ở Đức Quốc xã rồi sau đó là Đông Âu đã lôi kéo Mỹ phải đáp trả.

Những năm 1950, nghị sĩ chống cộng khét tiếng Joseph McCarthy bị cáo buộc đã thao túng các phóng viên “như những con chó của Pavlov” để lan truyền nỗi sợ hãi và kích động tinh thần chống cộng ở Mỹ.

Báo New Yorker trong giai đoạn này nói nhà báo chỉ nên đưa tin, chứ không được “nói với độc giả những dữ kiện nào thật sự là dữ kiện, còn những dữ kiện nào thì không”. Cánh phóng viên bắt đầu đặt câu hỏi về “sự khách quan lý tưởng”, tuy nhiên phần lớn họ vẫn đưa tin dựa trên các nguồn có thể kiểm chứng.

Một lịch sử bạo tàn ngàn năm của tin tức giả mạo - Ảnh 4.

Tranh minh họa cho loạt bài giả mạo "nền văn minh trên mặt trăng" của báo New York Sun năm 1835 - Ảnh: wordpress.com

Cuộc đấu không cân sức

Chỉ tới khi mạng Internet xuất hiện, các chuẩn mực tin tức và báo chí mới bị thách thức nghiêm trọng và tin tức giả mạo lại trở thành lực lượng hùng mạnh.

Tin tức kỹ thuật số đã đưa thời kỳ báo giấy vàng khổ nhỏ trở lại. Các thuật toán tạo ra những bảng tin (news feeds) và những sự kết hợp chỉ tính tới sự quan tâm của người đọc, chứ không chú ý gì đến sự chính xác và khách quan.

Cùng lúc, tin tức kỹ thuật số đã dần làm tiêu mòn cả sức mạnh ảnh hưởng lẫn khả năng kiếm tiền của báo chí truyền thống, độc lập và cố gắng khách quan.

Báo cáo “Tình trạng của truyền thông 2016” của Trung tâm nghiên cứu Pew vẽ ra bức tranh ảm đạm với hầu hết tổ chức tin tức nghiêm túc. Doanh thu quảng cáo giảm, nhân sự tiếp tục bị cắt giảm, số lượng báo giấy lớn đã giảm khoảng 100 tờ kể từ năm 2004.

Từ năm 2003 tới 2014, cùng sự suy giảm của báo in, số phóng viên chuyên nghiệp cũng đã giảm 35%. Ở cấp độ địa phương, phóng viên chuyên nghiệp - những người được đào tạo các nguyên tắc báo chí cơ bản - gần như đã biến mất hoàn toàn.

Ngày trước, họ là những người đáng tin cậy có mặt ở các nghị viện bang, quán bar và trường học địa phương, là sự kết nối giữa chính quyền bang, liên bang và người dân bình thường của nước Mỹ. Họ từng được coi là những người hùng.

Nhưng ngày nay họ đã biến mất, mang theo cùng họ một bộ lọc có lương tâm và đáng tin cậy với trách nhiệm xã hội dân sự rõ ràng.

Để kết luận, khi mà tin tức thật sự bị đẩy lùi, tin giả mạo sẽ lan tràn. Chúng ta từng thấy những hậu quả kinh hoàng của điều này trong quá khứ - và thách thức lớn nhất của chúng ta sẽ là tìm ra cách thức chống lại cơn triều đang lên hiện giờ.

HẢI MINH (THEO POLITICO)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên