19/08/2014 10:57 GMT+7

Một lần xem Trung Quốc giáo dục quốc phòng tuổi học trò

H. HƯƠNG
H. HƯƠNG

TTO - Đã năm học mới. Cùng học chữ, học trò các trường THPT cũng vừa lạ lẫm vừa tò mò tập tành làm "bộ đội cụ Hồ" - trong chương trình giáo dục quốc phòng.

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Lê Minh Tiến (20 tuổi, Q.9, TP.HCM) nhập ngũ tháng 2-2014 tại lữ đoàn 957, TP Cam Ranh, Khánh Hòa - Ảnh: Quang Định
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Lê Minh Tiến (20 tuổi, Q.9, TP.HCM) nhập ngũ tháng 2-2014 tại lữ đoàn 957, TP Cam Ranh, Khánh Hòa - Ảnh: Quang Định

Có thể với suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, học các môn khoa học tư nhiên hoặc ngoại ngữ là quan trọng, nội dung giáo dục quốc phòng chỉ để bổ trợ thêm về kiến thức.

Nhưng cá nhân tôi suy nghĩ, đây cũng là một môn cần thiết, quan trọng vì nó gắn kết thiết thân với trách nhiệm của người công dân, nhất là với các bạn trẻ.

Từ  tình hình đất nước trong thời gian qua, chúng ta ai cũng suy ngẫm nhiều về công tác giáo dục quốc phòng cho các bạn trẻ, không chỉ  nhằm đạt hiệu quả tốt mà còn cách thức giúp chúng ta bồi đắp lòng yêu nước, sự tự tôn dân tộc và ý thức tự giác xây dựng quê hương của thanh niên.

Được biết, trong chương trình giáo dục quốc phòng hiện nay của các em học sinh THPT, chủ yếu các em học lý thuyết quân sự, thực tập đội hình đội ngũ và một số động tác đơn giản như ngồi trườn, bò trườn, tháo lắp súng, bắn súng với đạn giả...

Một số trường tạo điều kiện cho các em học sinh giỏi được tham gia bắn đạn thật. Không phải tất cả các em đều được tham quan, giáo dục thông qua những mô hình trực quan sinh động khi học môn này.

Trong một dịp đi công tác ở Trung Quốc và tham quan mô hình giáo dục quốc phòng của họ, tôi nghĩ chúng ta có thể suy nghĩ nhiều về cách thức giáo dục quốc phòng hiện nay trong giới trẻ.

Việc giáo dục quốc phòng của nước bạn bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi. Các em được tiếp cận với những học cụ, mô hình thực tế và những trang thiết bị quân sự hiện đại rất sinh động. Trung tâm Giáo dục quốc phòng được đặt trong một công viên vui chơi, giải trí công cộng, với diện tích rất lớn. Mọi người dân và thanh thiếu nhi đều vào tham quan tự do.

Tại trung tâm này, có nhiều loại hình thật như máy bay (cỡ nhỏ), xe tăng, tàu chiến, đại bác, tên lửa (thu nhỏ), các loại súng, lựu đạn, thuốc nổ…

Ấn tượng nhất của chúng tôi là chiếc tàu chiến khổng lồ 3 tầng, đặt tại trung tâm.

Tầng dưới cùng là các loại xe tăng thật với đủ kích cỡ cùng với những tượng người được khắc họa trong tư thế tham gia trận chiến.

Tầng hai, họ trưng bày các loại súng, đạn thật và giới thiệu chi tiết tên gọi, công năng, tác hại của từng loại vũ khí có thể gây ra. Ở tầng này, các học viên được giáo viên hướng dẫn về lý thuyết, tham gia trắc nghiệm kiến thức môn học trên hệ thống màn hình cảm ứng. Trả lời xong, kết quả sẽ hiển thị ngay.

Cạnh đó, từ việc học lý thuyết, các học viên chủ động tự chia nhóm thành các đội hình và tổ chức đánh trận giả trong khuôn viên Trung tâm. Sau “trận đánh”, các bạn được giáo viên góp ý kỹ hơn về mặt chiến thuật, chiến lược, cách tổ chức, bố trí đội hình phù hợp.

Tầng 3 của chiếc tàu giới thiệu về lịch sử hình thành nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa, những vùng biển, khu vực trọng yếu và những trận đánh thắng trong lịch sử của họ. Rồi còn có những đoạn phim tái hiện các tư thế , thao tác tháo lắp súng, các hình ảnh triển lãm dưới dạng 3D hoặc trên các màn hình led khá công phu.

Trong khuôn viên khu giải trí còn có những khu vực cho các em thanh thiếu nhi tham quan, vui chơi miễn phí hoặc ở lại đêm tổ chức cắm trại.

Tôi quan sát thấy nhiều phụ huynh và các em thiếu niên nhi đồng, các bạn thanh niên vào khu vực Trung tâm Giáo dục Quốc phòng khá đông. Tôi tìm hiểu thêm thì được biết trong nhận thức của nhà cầm quyền Trung Quốc việc giáo dục quốc phòng bắt từ lứa tuổi nhỏ và thực hiện một cách thường xuyên. Các thông tin, kiến thức cơ bản được cung cấp đều đặn cho người dân.

Kinh phí đầu tư cho quốc phòng cũng như các hoạt động sinh hoạt cộng đồng dành cho thanh niên và người dân chiếm phần lớn ngân sách Nhà nước. Người tham gia hầu như được hoàn toàn miễn phí hoặc chi phí rất thấp.

Việc giáo dục quốc phòng thông qua các mô hình, dụng cụ trực quan sinh động, các loại vũ khí thật khiến người tham gia rất hào hứng. Họ tiếp cận không chỉ với lý thuyết cơ bản mà được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” và thao tác thật trên các loại vũ khí, thiết bị đó. Vì vậy, sự tiếp thu khá dễ dàng, sinh động.

Khoan nói đến yếu tố “hiếu chiến” của một bộ phận cầm quyền Trung Quốc khi “nuôi dưỡng” trong nhận thức của mọi người, nhất là từ trẻ nhỏ về tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sự bành trướng để giữ vị trí độc tôn của dân tộc Trung Hoa, tôi nghĩ rằng, công tác giáo dục quốc phòng của chúng ta cũng cần có sự điều chỉnh.

Thứ nhất, cần giáo dục tinh thần yêu nước, sự tự tôn dân tộc, tinh thần bảo vệ Tổ quốc cho các em từ tuổi thiếu nhi đến trưởng thành một cách thường xuyên hơn thông qua các chương trình giáo dục quốc phòng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi.

Thứ hai, hình thức chuyển tải công tác giáo dục quốc phòng chú ý hơn đến sự đổi mới, hiện đại, sinh động, gắn nhiều hơn đến yếu tố “nghe nhìn”, thao tác thực tế cho các em.

Thứ ba, trong nội dung giáo dục quốc phòng, bên cạnh những bài giảng lý thuyết về quân sự, cần lồng ghép những câu chuyện lịch sử thể hiện truyền thống yêu nước, sự mưu trí, dũng cảm của dân tộc ta thông qua những trận đánh lừng lẫy, những chiến thuật, chiến lược quân sự của các tướng lĩnh tài ba, các Anh hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. 

Và người truyền thụ cảm hứng cho các em phải là những giáo viên am hiểu lịch sử, yêu nghề, có phương pháp sư phạm để “kể” cho các em nghe bằng tình cảm và trái tim yêu nước của mình.

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh dù trong thời chiến hay thời bình, chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ bành trướng, xâm lược của các thế lực bên ngoài, luôn đặt chúng ta trong tình trạng cảnh giác.

Trước năm học mới, một vài suy nghĩ của cá nhân tôi xin được gửi gắm và rất mong có nhiều ý kiến góp thêm để công tác giáo dục quốc phòng trong lứa tuổi học sinh THPT nói riêng, giới trẻ nói chung ngày càng đổi mới và hiệu quả hơn.

H. HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục