12/06/2022 09:59 GMT+7

Một cuộc đời hoài phí

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Không chỗ ở, không nghề nghiệp, là con duy nhất trong gia đình nhưng cha mẹ đã mất, không vợ con, phía sau bị cáo không bóng một người thân. Cuộc đời bị cáo là những ngày vào tù, ra tù...

Một cuộc đời hoài phí - Ảnh 1.

"Còn nhỏ sống cùng gia đình. Học hết lớp 3 rồi nghỉ. Năm 1990, bị TAND quận 4 (TP.HCM) xử phạt 2 năm tù tội cố ý gây thương tích. Năm 1993 bị TAND TP.HCM xử phạt 3 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Năm 1996 bị TAND huyện Tân Uyên (Bình Dương) xử phạt 3 năm tù tội trốn khỏi nơi giam. Năm 2015 bị TAND quận 5 xử phạt 7 năm tù tội trộm cắp tài sản...", đó là đoạn trích lý lịch bị can của một người đàn ông 50 tuổi.

Cuộc đời của Quang trôi qua như một thước phim tua chậm, với những năm tháng tuổi trẻ trượt dài trong vòng xoáy tội lỗi. Và giờ đây, khi đã về dốc bên kia cuộc đời, bị cáo lại tiếp tục đối diện với cảnh lao tù.

Vòng xoáy tội lỗi

TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Lý Hồng Quang (50 tuổi) về tội giết người và cướp tài sản. Quang được cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải đến tòa từ rất sớm.

Không chỗ ở, không nghề nghiệp, là con duy nhất trong gia đình nhưng cha mẹ đã mất, không vợ con, phía sau bị cáo không bóng một người thân. Quang ngồi yên lặng một góc, đôi mắt sâu đờ đẫn nhìn vào khoảng không vô định.

Nhìn người đàn ông gầy gò trong chiếc áo sơ mi thùng thình, nhàu nhĩ trước mặt, không ai nghĩ rằng ông ta từng vung dao tước đoạt mạng sống của một người cùng khổ khác vào tối mùng 1 Tết chỉ để cướp chiếc xe máy của nạn nhân.

Câu chuyện dần hiện ra qua từng dòng cáo trạng. Vào chiều tối 12-2-2021, Quang mang theo con dao bấm đi bộ từ nhà cậu đến công viên 23-9 (quận 1) tìm người để cướp tài sản. Nhưng do trời còn sáng nên Quang đón xe buýt đi đến bến xe Miền Tây tìm người chạy xe ôm để cướp, bán lấy tiền tiêu xài.

Quang thấy một tài xế xe ôm công nghệ đang trả khách. Quang đến thuê thanh niên này chở mình đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nơi, thấy đông người nên Quang nói tài xế tiếp tục chở mình đến nhà người quen ngủ nhờ qua đêm.

Khi đi đến khu vực vắng người, Quang lấy dao bấm đâm nhiều nhát vào người anh tài xế xấu số khiến nạn nhân chết tại chỗ rồi cướp xe. Nhưng ngay sau đó, Quang cũng bị bắt.

Ở hiền sao chẳng gặp lành?

Nạn nhân là anh Lâm Hiếu Nghĩa, tài xế xe ôm công nghệ Hãng Gojek. Cuộc đời anh Nghĩa cũng là một chuỗi ngày buồn khổ. Do nhà nghèo nên Nghĩa phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ.

Bà Sương, mẹ Nghĩa, làm tạp vụ dọn dẹp cho khách sạn, còn cha Nghĩa làm nghề chạy xe ôm truyền thống. Cuộc sống sẽ bớt cơ cực nếu bi kịch không ập xuống gia đình anh. Mẹ Nghĩa bị bệnh đau bao tử nặng nên công việc bữa được bữa nghỉ, cha Nghĩa bị bệnh tiểu đường và suy thận giai đoạn 4.

Nghĩa có một người em trai bị suy thận nặng, một tuần phải vào bệnh viện chạy thận 3 lần.

Năm 20 tuổi, Nghĩa lập gia đình. Song cuộc sống hạnh phúc không bao lâu thì vợ Nghĩa bỏ đi, để lại đứa con gái nhỏ vừa tròn 3 tuổi. 6 người, 6 miệng ăn, chen chúc trong căn nhà thuê chật hẹp.

Kinh tế gia đình vốn khó khăn nay càng chật vật, đổ dồn lên vai Nghĩa. Thấy người ta chạy xe ôm công nghệ thu nhập khá, chàng thanh niên nghèo cũng tích góp mua 1 chiếc xe để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Hôm đó là tối mùng 1 Tết, sau khi trả khách ở bến xe Miền Tây, Nghĩa tắt app định bụng về ăn cơm với gia đình như đã hứa thì một người đàn ông gầy gò đi đến hỏi chở đi quận 5.

Tết nhất, khách khứa cũng ít dần, các bạn xe của Nghĩa cũng đã nghỉ hết, nhưng nghĩ kiếm được đồng nào hay đồng ấy, Nghĩa đồng ý chở khách với giá 50.000 đồng. Anh nào biết đó là chuyến xe cuối cùng của cuộc đời mình...

Ác báo

Cũng như nhiều lần vào tù ra tội khác, Quang rành rọt khai lại động cơ, khoảnh khắc giết chết nạn nhân để cướp xe. Quang không bao biện gì nhiều, bởi hành vi thủ ác của anh ta đã bị camera gần đó ghi lại.

"Bị cáo phạm tội rất nhiều lần rồi, bị cáo có biết hành vi của mình là sai trái và sẽ bị pháp luật nghiêm trị không?", vị chủ tọa căn vặn. "Dạ, biết". "Vậy tại sao bị cáo thực hiện hết lần này đến lần khác, đã 5 lần bị xét xử rồi?". Quang chỉ cúi đầu im lặng. Cái im lặng nặng trĩu, bởi quá nửa đời người bị cáo đã chôn vùi trong tù tội.

Phía bên dưới, bà Sương, mẹ Nghĩa, ôm chặt di ảnh con trai bật khóc nức nở. Lời khai của Quang như cứa sâu vào vết thương trong lòng người mẹ nghèo khổ.

"Con tôi chết oan quá", bà Sương khóc nấc lên. Nghĩ đến cuộc đời buồn khổ của con trai, nước mắt cứ rỉ ra, rớt xuống gò má gầy guộc của người mẹ.

"Trưa mùng 1 Tết, nó còn ghé về nhà ăn cơm rồi nói "để con ráng con chạy, Tết người ta nghỉ hết trơn rồi, ráng chạy để tối về rồi mai về ngoại chơi", vậy mà nó đi rồi không về nữa. Con tôi chết mà trong bụng còn chưa có gì...", bà Sương nghẹn lời.

Phát biểu quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng hành vi của bị cáo Lý Hồng Quang là đặc biệt nguy hiểm.

Bị cáo đã bị nhiều lần xét xử về nhiều tội phạm khác nhau nhưng vẫn tiếp tục phạm tội, lần phạm tội sau nguy hiểm và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hơn lần trước, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Xét thấy bị cáo không còn khả năng cải tạo nên đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.

Đối mặt với án phạt, Quang tỏ ra bình thản. Bị cáo lí nhí xin lỗi gia đình bị hại và nói đồng ý với yêu cầu bồi thường mà phía bị hại đưa ra.

Luật sư bào chữa chỉ định cho Quang nói rằng những gì bị cáo gây ra cho người bị hại là khó có thể tha thứ, song ông vẫn xin hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng mức án chung thân để bị cáo có cơ hội vận động những người thân còn sót lại để bồi thường phần nào cho gia đình người bị hại. Thế nhưng, lời bào chữa này không được hội đồng xét xử chấp nhận.

TAND TP.HCM tuyên phạt Lý Hồng Quang tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Bị cáo lê đôi chân mệt mỏi ra khỏi phòng xử để về lại trại tạm giam.

Một người thanh niên lương thiện đã mãi ra đi ở độ tuổi tươi đẹp nhất, để lại bao gánh nặng và bao nỗi niềm dang dở, còn một người khác sẽ phải trả giá bằng sinh mệnh của mình trong cô đơn và day dứt.

Liệu có khi nào, trong một giây phút ngắn ngủi nào đó, bị cáo tự nhìn lại để thấy rằng mình đã sống một cuộc đời hoài phí?

Có sức khỏe mà lại đi cướp

"Vụ án xảy ra là nỗi đau lớn, không chỉ đối với gia đình bị hại, những người thân của bị cáo và bản thân bị cáo. Khi đề nghị mức hình phạt tử hình, bản thân tôi cũng hết sức cân nhắc, xem xét toàn diện từ nhân thân cho đến hành vi của bị cáo.

Vào dịp Tết, bị cáo có sức khỏe nhưng không lao động, bị cáo mang theo dao đi cướp tài sản để có tiền tiêu xài, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Xét thấy không còn khả năng cải tạo", đại diện Viện KSND TP.HCM nói.

Ký sự pháp đình: Tình người ở một phiên tòa Ký sự pháp đình: Tình người ở một phiên tòa

TTO - Một phiên tòa kỳ lạ diễn ra ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi khi người bị hại tha thiết xin hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên