Ảnh minh họa |
Họ là ba anh em ruột và đến tòa với tư cách khác nhau: nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phiên phúc thẩm về tranh chấp quyền sử dụng đất tại TAND tỉnh Vĩnh Long bắt đầu. Năm 1960, vợ chồng cụ T.B. thuê căn nhà mặt phố của người dân để ở. Sau năm 1975, dãy phố do Nhà nước tiếp quản nên cụ tiếp tục thuê của Nhà nước.
Vợ chồng cụ có ba người con: ông Đ., bà C. và bà Q.. Rồi vợ chồng cụ lần lượt qua đời. Thời điểm này, người con thứ ba lập gia đình và theo chồng sinh sống. Căn nhà chỉ còn gia đình người anh hai và gia đình người em gái út ở. Và người anh đại diện tiếp tục thuê nhà.
Nhất quyết kháng cáo
Năm 1998, Nhà nước có chủ trương hóa giá nhà cho người thuê. Người anh tự đứng ra mua nhưng người em út không đồng ý nên làm đơn khiếu nại.
Sau đó, hai anh em làm tờ thỏa thuận thống nhất để người anh đứng tên mua hóa giá căn hộ, sau khi có chủ quyền căn hộ, người anh sẽ tách cho người em đứng tên sở hữu theo phần đã thỏa thuận: phần người anh 60m2 với số tiền đóng góp trên 30 triệu đồng, phần người em trên 40m2 với số tiền đóng góp trên 20 triệu đồng.
Và sau khi thỏa thuận, người anh xây bức tường ngăn căn nhà ra làm hai theo đúng diện tích phân chia trên.
Năm 2008, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người anh không chịu tách thửa cho người em nên người em khởi kiện.
Phiên sơ thẩm, tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của người em, tuyên người anh phải tách thửa cho người em theo đúng như thỏa thuận. Người anh làm đơn kháng cáo.
Phiên tòa bắt đầu. Chủ tọa nói: “Nhà có diện tích trên 100m2 thì ông được trên 60m2 rồi còn gì. Vả lại, hai bên cũng đều là mặt tiền, ông kinh doanh và bà Q. cũng vậy. Thôi thì ông rút kháng cáo, để anh em sống vui vẻ với nhau”.
Người anh vẫn quyết không rút kháng cáo. Ông Đ. trình bày: “Tôi là con trai duy nhất nối dõi tông đường.
Vả lại số tiền tôi nộp mua căn nhà đến trên 36 triệu đồng, trong khi cô ấy chỉ đưa cho tôi có 14 triệu đồng”.
Người em út không đồng ý: “Tôi góp đúng số tiền như đã thỏa thuận, chia ra làm hai đợt: lần đầu tôi đưa 14 triệu đồng cho vợ ảnh và có làm biên nhận.
Lần sau do mâu thuẫn trầm trọng, hai bên không nói chuyện nên tôi mới nhờ chị tôi đưa giùm 10 chỉ vàng cho ảnh. Nhưng chị ấy không làm biên nhận”.
Chủ tọa thẩm vấn người chị: “Tại sao khi giao vàng, bà không làm biên nhận?”. Người chị trình bày: “Tôi nghĩ anh em ruột thịt nên tin tưởng nhau, vả lại hồi xưa ảnh đâu có vậy, ai ngờ lần này ảnh lại nói ngược như vầy”.
Nói đến đây bà C. bật khóc: “Tôi đứng kẻ giữa, một bên là anh trai, một bên là em gái, tôi đau lòng lắm khi chứng kiến cảnh này. Tôi nói thực, nghe nói căn nhà có người trả gần 3 tỉ đồng nên ảnh mới quyết liệt giành luôn phần em mình như vậy...”.
Chủ tọa hỏi người anh: “Thật ra sự việc có giống như bà C. trình bày?”. Người anh khẳng định: “Không. Ngoài số tiền cô út đưa, tôi không còn nhận thêm một đồng bạc hay một phân vàng nào nữa”.
Người em: “Nếu ảnh nói tôi không đưa 10 chỉ vàng thì tại sao khi tôi nhiều lần hỏi ảnh về chuyện tách thửa, ảnh cứ nói dối là chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, chứ ảnh không hề nhắc đến số tiền tôi không đưa đủ, mà đợi đến khi ra tòa án ảnh mới nói?”.
Giọng người anh chắc nịch: “Giờ tôi sẽ bồi hoàn lại 14 triệu đồng và hỗ trợ thêm 700 triệu đồng để cô út mua nhà khác. Con cái tôi giờ đã có gia đình, tôi muốn tách bộ cho nó một phần. Tôi cũng không tính hẹp khi đưa đến 700 triệu đồng, trong khi ngôi nhà trị giá chỉ trên 1 tỉ đồng”.
Giọng người em run run: “Anh hai chỉ biết mình mà không nghĩ đến em út. Căn nhà hai đầu đều là mặt tiền. Anh và tôi đều buôn bán mấy chục năm trời rồi, anh cũng biết khách hàng, mối lái đều quen hết rồi, nếu giờ cầm 700 triệu đồng mua nhà khác thì chuyện buôn bán ra sao?
Rồi tiền đâu lo cho con cái học hành? Thôi thì, nếu anh nói tôi không có đưa 10 chỉ vàng, tôi sẽ chịu thiệt đưa thêm 10 chỉ vàng lần nữa”.
Người anh vẫn quyết không đồng ý.
“Cái giá” đắt nhất...
Tòa nhận định: chuyện ông Đ. là con trai duy nhất nối dõi tông đường không thể quyết định ông sẽ được toàn quyền sở hữu ngôi nhà. Mỗi bên đều giáp mặt phố. Hai bên đều sinh sống và buôn bán ổn định từ trước tới nay mà phần ông Đ. lại có diện tích nhiều hơn em mình.
Vì các lẽ trên, tòa tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo của ông Đ.. Ông Đ. phải tách thửa cho người em, tuy nhiên do người em không có biên nhận gì để chứng minh đã đưa 10 chỉ vàng cho anh nên phần người em phải có nghĩa vụ đưa cho người anh 10 chỉ vàng.
Tòa tuyên xong, ông Đ. hậm hực ra về trước. Hai chị em bước chậm phía sau. Đến bãi giữ xe. Khi người anh vừa quay đầu xe ra, cũng vừa lúc hai chị em bước trờ tới. Và có lẽ đây là lần duy nhất trong suốt phiên tòa, họ chạm vào nhau nhưng bằng... bóng.
Ba cái bóng đổ lên nhau.
Nắng trưa gay gắt khiến những cái bóng đen kịt như muốn ăn đậm vào nhau, nhưng rồi bóng của người anh vụt bứt ra khỏi bóng của hai người em gái khi ông rồ máy chạy thẳng ra cửa, trước khi buông câu:
“Nếu không phải nhà mặt phố có giá cao thì đâu có âm mưu với nhau giật của anh mình...”.
Hai chị em lại đứng ngây người ra. Người em giọng mệt mỏi: “Nếu đây không phải chỗ mần ăn mua bán thì em đã dọn đi chỗ khác rồi.
Chứ sống đến từng tuổi này sao em không hiểu đạo lý, không phải nhà mặt phố, không phải nhà lầu ba hoặc bốn tầng là nhà đắt giá mà chính là nhà tranh giành với người thân ruột rà, “cái giá” mới đắt nhất. Bởi cho dù ai được thì tình nghĩa anh em cũng tan nát như tương”.
Người chị - bà C. - rưng rưng: “Tình nghĩa anh em mấy chục năm đùm bọc yêu thương nhau, nhưng không ngờ đến những năm cuối đời lại ra nông nỗi, trở mặt ghét nhau. Chắc hương linh cha mẹ buồn lắm bởi khi sinh thời cha mẹ đã góp nhặt từng chút để tất cả con cái thuận hòa dưới một mái nhà, nhưng giờ cái không khí êm ấm ngày xưa đã biến thành sự hằn thù, hung hiểm. Mong rằng anh hai nghĩ lại...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận