Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1965 - Ảnh: Romano Cagnoni |
Bác Hồ bước sang tuổi 76.
Tình hình sức khỏe của Bác nói chung vẫn như năm ngoái, duy chỉ có thêm một biểu hiện mới là tay chân cử động hơi khó khăn. Hội đồng y khoa xác định đó là triệu chứng của hiện tượng tưới máu não không đều.
Bác tăng cường luyện tập để chống lại bệnh tật, rất kiên trì, tuân thủ phương pháp, giữ đúng giờ giấc.
Các anh Lê Văn Lương, Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ dành nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho Bác.
Ngày ba lần, Bác tự xuống nhà ăn cách nhà sàn khoảng 100m để ăn cơm. Có ngày trời mưa, anh em đề nghị Bác ở nhà để anh em đưa cơm lên nhưng Bác không chịu. Bác đi ăn cơm cũng là tập luyện. Bác bảo Bác tránh được mưa thì chú Cần (người phục vụ Bác) lại bị ướt. Và thế là trời mưa Bác vẫn dùng ô đi sang ăn cơm như thường lệ. Bác không muốn làm phiền ai một việc gì, dù nhỏ, khi tự mình có thể làm lấy.
Tối chủ nhật 1-5-1966, từ 19g đến 20g45 Bác xem Đoàn văn công Quảng Bình biểu diễn ở Phủ Chủ tịch.
Trên đường về nhà sàn, Bác
hỏi tôi:
- Chú Kỳ thấy các cháu Quảng Bình biểu diễn có khá không?
- Thưa Bác! Rất hay nhưng chỉ có đôi chỗ tiếng hơi khó nghe.
Bác cười:
- À! Như tiếng xứ Nghệ nhà “choa” ấy mà.
Tiếp đó giọng Bác xúc động:
- Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát.
Tôi thưa với Bác:
- Quảng Bình là quê hương của “Tiếng hát át tiếng bom” đấy ạ!
Đi thêm một đoạn, Bác nói:
- Một dân tộc như thế, không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được.
Tôi đưa Bác lên tận bậc thang cuối cùng. Bác dừng lại, dựa lưng vào thành lan can, nói với tôi, giọng không được vui lắm:
- Bộ Chính trị lại quyết định mùa hè này Bác sang nghỉ ở Trung Quốc một thời gian. Chú bố trí cho Bác làm việc với Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị vào tuần sau. Bác muốn nghe kỹ tình hình chiến sự ở miền Nam trước khi đi công tác xa.
Liên tiếp trong hai ngày 4 và 5-5, anh Lê Trọng Tấn (phó tổng tham mưu trưởng) và anh Song Hào (chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) sang báo cáo với Bác. Bác có hỏi cụ thể một số trường hợp về công tác cán bộ ở chiến trường.
Có được chứng kiến những việc làm này mới thật thấm thía câu nói của Bác: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.
Nhớ lời Bác dặn năm ngoái, trước 9g ngày 10-5, tôi đặt sẵn chiếc phong bì tài liệu “Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng sáng nay không thấy Bác viết gì thêm.
Ngày hôm sau, 11-5, Bác vẫn dành đúng một giờ, từ 9g đến 10g, để tiếp tục suy nghĩ về những điều dặn lại cho mai sau. Bác đọc rất chăm chú từng câu, từng chữ mà Bác đã đánh máy xong từ lúc 16g ngày 14-5-1965. Nhưng Bác không viết gì thêm. Có lúc Bác đã cầm bút lên rồi lại đặt xuống...
Từ ngày 12 đến 14-5, Bác họp Bộ Chính trị. Chính trong những ngày này, Bác đã viết thêm một câu đặc biệt quan trọng ở phần đoàn kết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”...
Năm nay, Bác viết thêm liền sau đoạn đó: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Cán bộ, đảng viên chúng ta từ Trung ương đến các chi bộ chắc sẽ xúc động biết chừng nào khi biết rằng sau một năm trời, Bác Hồ chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế.
Chỉ một câu thôi, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” thì dù có “tự phê bình và phê bình” đến mấy, dù được gọi là “có tinh thần đấu tranh thẳng thắn” đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao.
Bây giờ, vào dịp sinh nhật lần thứ 75, trước lúc chuẩn bị đi công tác xa, Bác lại nhắc lại điều đó nhưng nâng lên ở mức cao hơn. Bác viết: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Bác còn chỉ rõ: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Phải chăng, Bác muốn căn dặn chúng ta: “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết, và bao trùm lên tất cả là trong các mối quan hệ giữa con người và con người.
Nếu không xuất phát từ điều đó, không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa cả.
Con người Bác Hồ, trước hết là con người của lòng nhân ái. Mục đích cao nhất của cuộc đời Bác Hồ là “làm sao cho đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Giữa mùa đông giá rét, Bác đã từng cởi chiếc áo của mình cho một tù binh. Bác không gọi một trận đánh tiêu diệt nhiều địch là một trận đánh đẹp. Trong cuộc sống hằng ngày, chưa một lần Bác cáu gắt, kể cả những trường hợp hết sức nghiêm trọng:
Một ngày cuối tháng 9-1945, ôtô đưa Bác đến 12 phố Ngô Quyền, khi Bác vừa xuống xe thì đồng chí Ngọc Hà (bảo vệ) lúng túng làm rơi quả lựu đạn ngay dưới chân Bác. Mọi người hốt hoảng thì Bác lại nhẹ nhàng nhắc nhủ: “Từ nay chú phải cẩn thận hơn”.
Lại một lần Bác tiếp khách nước ngoài, có chuẩn bị tặng phẩm là một chùm san hô đỏ rất đẹp, mang từ một chuyến đi thăm đảo Cô Tô về. Thế mà trước khi khách đến, Bác kiểm tra lại tặng phẩm thì đồng chí phục vụ đã vô ý đánh rơi vỡ tan. Thấy đồng chí phục vụ lo sợ, Bác đặt tay lên vai ôn tồn: “Việc đã xảy ra rồi ta sẽ rút kinh nghiệm sau. Bây giờ phải tìm một tặng phẩm khác để Bác kịp tặng khách”. Hôm đó chúng tôi chọn một bức tranh sơn mài để thay thế và vị khách rất vui vẻ nhận món quà tặng này...
(Trích Bác Hồ viết di chúc, NXB Trẻ)
Bữa cơm ngày 19-5 cuối cùng ... Sáng ngày 19-5-1969, tôi lại dậy sớm... 5g30, tôi đưa các con tôi và các con đồng chí Cẩn đến chúc thọ Bác. Khi chúng tôi đến nhà sàn thì Bác đã dậy và đang luyện tập. Bác ngồi ở bàn, ném bóng vào cái giỏ đựng giấy ở góc nhà, rất kiên trì, rất cố gắng. Tôi dừng lại một lát và bỗng cảm thấy trong lòng trào lên một nỗi niềm xúc động vô hạn. Bác đang chuẩn bị ra đi, nhưng Bác vẫn còn muốn ở lại thêm với các cháu, vì sự nghiệp cách mạng chưa hoàn thành, miền Nam chưa giải phóng, Tổ quốc chưa thống nhất. Đúng 9g, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản “Tài liệu tuyệt mật” trước mặt. Bên ngoài nắng sớm và gió nhẹ làm rung rinh hoa lá. Những chùm hoa phượng nở sớm, đỏ rực rỡ. Mặt hồ lăn tăn, lấp lánh ánh mặt trời. Một làn gió làm bay những sợi tóc bạc của Bác. Bác ngồi đó, tựa lưng vào thành ghế thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên trên vầng trán rộng. Hôm nay, Bác xem xét kỹ lại toàn bộ các bản viết của Người trong bốn năm qua, nhưng chỉ chữa thêm ba chỗ ở phần mở đầu. Trong câu: “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường”, Bác khẳng định lại bằng câu: “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn còn sáng suốt”. Đúng là phải rất sáng suốt ở tuổi 79 mới có thể để lại một bản di chúc có tầm vóc lớn lao và giá trị nhiều mặt như thế. Trong câu: “Khi người ta đã ngoài 70 tuổi...”, Bác bỏ chữ “tuổi” và thay bằng chữ “xuân”. Bác dùng chữ “sẽ” thay cho chữ “phải” trong câu: “Phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Đúng 10g, tôi báo cáo với Bác trưa nay nhân kỷ niệm sinh nhật Bác, hai cháu Nguyễn Thị Châu và Phan Thị Quyên sẽ vào ăn cơm với Bác. Bác gật đầu tỏ vẻ hài lòng rồi bảo tôi: - Chú mời chú Tô trưa nay sang cùng tiếp khách với Bác. Khi tôi đã xuống đến cầu thang, Bác còn gọi lại hỏi: - Cháu Trỗi hi sinh cách đây đã gần năm năm rồi đấy chú nhỉ? Tôi báo cáo với Bác: - Thưa Bác! Anh Trỗi hi sinh ngày 15-10-1964, đến nay đã gần năm năm. Trầm ngâm một lúc, Bác bảo đồng chí Cẩn nấu món ăn theo kiểu Nam bộ để hai cháu miền Nam ăn cho ngon miệng. Bữa cơm trưa ngày 19-5 ấy có ai ngờ lại là ngày 19-5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ. Bữa cơm đã diễn ra thật ấm cúng, thân tình: Bác ngồi ở đầu bàn, Phan Thị Quyên ngồi bên trái Bác, Nguyễn Thị Châu ngồi bên phải Bác, cạnh anh Phạm Văn Đồng. Thế là gần đủ ba thế hệ, có cả ba miền: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Hôm ấy, Bác ăn ngon miệng, vừa ăn vừa chuyện trò rất vui. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận