Đây là mong mỏi được các cựu chiến binh Trại Davis chia sẻ trong cuộc tọa đàm Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis diễn ra ngày 25-4 tại Hà Nội.
Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với ban liên lạc cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự Trại Davis và Hội Những người bạn di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage - FVH) tổ chức, với sự hỗ trợ từ Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup.
Một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của chiến dịch Hồ Chí Minh
Đại tá Đào Chí Công - trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Ban liên hiệp quân sự Trại Davis - cho biết với nhiều kiên trì nỗ lực đề xuất của các cựu chiến binh, năm 2017, Trại Davis đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Tuy nhiên, sau khi thống nhất đất nước, nơi đây không còn dấu tích gì của Trại Davis trước kia, một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Mặc dù đã được Nhà nước giao cho 4.000m2 để phục dựng di tích xưa, trong giới hạn vùng bảo vệ 1, nhưng đến nay sau 6 năm vẫn chưa làm được gì.
Mong muốn phục dựng lại di tích này không chỉ của riêng các cựu chiến binh mà của cả những người dự tọa đàm.
Bà Stella Ciorra - phó chủ tịch Hội Những người bạn di sản Việt Nam - cho rằng di tích được phục dựng sẽ có giá trị rất lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của đất nước đối với thế hệ trẻ.
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, bà góp ý có hai cách thức phục dựng là có thể phục dựng lại toàn bộ hiện trạng như trước đây hoặc chỉ phục dựng lại một phần.
Với phương án thứ nhất, bà cho biết rất khó thực hiện. Phương án thứ hai có thể là một lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế di tích đã không còn lại gì.
Trại Davis nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM).
"Cánh quân thứ sáu" trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Trại Davis trở thành nơi hai đoàn đại biểu quân sự miền Bắc và miền Nam (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đóng quân để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh thi hành Hiệp định Paris.
Trong 823 ngày đêm đấu trí căng thẳng, khoảng 300 chiến sĩ đã hoạt động công khai, ngay tại trung tâm đầu não về tình báo quân sự của Mỹ - Ngụy ở Sài Gòn, "Lầu Năm Góc của phương Đông".
Họ đã kiên cường và mưu trí ngăn chặn mọi nỗ lực phá hoại hiệp định của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, lập luận chính nghĩa vững vàng và tinh thần nhân văn Việt Nam với bạn bè và dư luận quốc tế.
Cùng 5 mũi tiến công quân sự, ban liên hợp quân sự bốn bên và hai bên đã góp phần làm nên chiến thắng Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
9h30 sáng ngày 30-4-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được hai chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn kéo lên tại tháp nước trong Trại Davis, chính là một trong những lá cờ mừng chiến thắng sớm nhất được kéo lên ở Sài Gòn trong ngày hội non sông.
Hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta tại Trại Davis đã được ví như "cánh quân thứ sáu" trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận