Người dân khi làm thủ tục hành chính tại UBND quận 10, TP.HCM được các chuyên viên tư vấn tận tình - Ảnh: Tự Trung
Hi vọng những chia sẻ thẳng thắn dưới đây giúp những người liên quan soi lại mình để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
Khi đi làm giấy tờ tại VN, tôi thấy các bạn đối xử với người nước ngoài khác hơn so với người trong nước. Tôi có thể thấy người Việt loay hoay mãi chẳng được hướng dẫn làm sao điền đơn này, đơn kia, nhưng tôi thì được hướng dẫn tận tình niềm nở.
Ông FRÉDÉRIC COUTU
Ông FRÉDÉRIC COUTU (Canada):
Đừng để công chức sai phạm là... bình thường!
Thông qua báo chí, tôi biết Đề án văn hóa công vụ tập trung bốn vấn đề lớn mà cán bộ, viên chức, công chức Việt Nam phải tuân thủ là: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử; chuẩn mực đạo đức lối sống; trang phục. Tôi ủng hộ việc Việt Nam ra đề án văn hóa công vụ dù đây không phải là hướng giải quyết mang tính bền vững. Tuy nhiên, đây là một giải pháp nhất thời khá tốt.
Nước tôi không có đề án tương tự do công chức - những người phục vụ dân - đều muốn làm tốt nhất có thể vì họ muốn giúp đỡ người khác và làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, điều này phần nào do họ được trả lương cao và được cơ quan đối xử tốt.
Tuy nhiên, ở Việt Nam tôi chưa thể tin tưởng những người ở vị trí này. Trong văn hóa làm việc của các bạn nói chung, không riêng gì các bộ phận hành chính, việc sai phạm là... bình thường. Chẳng hạn như nhiều người ngồi chơi với chiếc điện thoại trong giờ làm việc - một hành vi hầu như không bao giờ thấy ở nước tôi.
Tôi tìm hiểu và được biết nhiều người chưa thật sự làm tốt nhất có thể công việc của họ một phần do lương ở những vị trí này khá thấp. Nhưng dẫu vì lý do gì cũng không nên để kéo dài tình trạng công chức sai phạm là... bình thường!
Mặc dù vậy tôi nghĩ cũng không nên quy định những điều nhỏ nhặt như khi nào cần xin lỗi, khi nào cần có thái độ tốt hay thái độ với lãnh đạo như thế nào... vì những điều này sẽ dễ gây ức chế cảm xúc và làm công chức không thoải mái.
Thật ra tôi nghĩ điều gây ra khó chịu nhiều nhất cho người dân là họ phải đi lại nhiều lần và chờ đợi lâu khi làm thủ tục hành chính. Vì vậy Việt Nam nên tập trung phát triển hệ thống trực tuyến để hạn chế tối đa việc người dân phải đến các cơ quan hành chính vì những việc lặt vặt.
Ông ANDREW HILLS (Mỹ):
Đề án giúp cải thiện hình ảnh của công chức
Việc đưa ra các quy tắc ứng xử và không tuân theo chẳng có gì xa lạ với văn hóa làm việc của nước Mỹ. Những người làm việc cho các cơ quan nhà nước được cho là đại diện chính phủ nước tôi nên họ phải gìn giữ một hình ảnh tích cực. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ như vậy. Cụ thể, có nhiều người làm ở các vị trí cấp cao của chính phủ từng bị tố cáo ngoại tình hay lừa gạt...
Theo tôi, việc đưa ra quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức là cần thiết vì dù không được áp dụng và thực hiện một cách toàn diện thì cũng phần nào đảm bảo công chức phải tuân theo một số chuẩn mực nhất định. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án văn hóa công vụ sẽ giúp người dân mạnh dạn tố cáo những hành vi xấu xí. Đồng thời, nhờ đó sẽ có những hình phạt dành cho người vi phạm.
Ngoài ra, tôi nghĩ việc thực hiện Đề án văn hóa công vụ có thể cải thiện hình ảnh các viên chức nếu trải nghiệm của phần lớn người dân khi làm giấy tờ trở nên dễ chịu hơn và họ bắt đầu tin tưởng chính quyền nhiều hơn.
Ở nước chúng tôi, có lẽ cũng giống với nước các bạn, viên chức không được "ưa" vì những thủ tục rườm rà và quy trình lê thê một cách không cần thiết. Đồng thời, những cơ quan hành chính cũng không cởi mở trong việc tiếp nhận góp ý từ người dân.
Nói đến các cơ quan nhà nước và thủ tục giấy tờ khiến tôi nhớ vừa rồi mình đi đổi bằng lái xe ở thành phố San Diego, bang California - nơi tôi sinh sống - mà phải đợi những ba tiếng vì chúng tôi không thể làm những thủ tục này trực tuyến!
Hay khi tôi ở Nhật, một ngày kia ngân hàng gọi điện thoại cho tôi vào lúc 8h sáng làm tôi giật mình, vội vàng chạy đến ngân hàng do có một số "vấn đề" với hồ sơ của tôi. Tất tả chạy đến thì tôi bị nhân viên ngân hàng khiển trách vì... chữ ký quá lớn và buộc tôi phải ký lại. Đây chỉ là một ví dụ nổi bật của những trải nghiệm không mấy tốt đẹp với các cơ quan chức năng ở các nước châu Á nói chung chứ không riêng gì Việt Nam.
Ông LU LING KAI (Vùng lãnh thổ Đài Loan):
Công chức phải cải thiện chất lượng phục vụ
Tôi vô cùng ủng hộ đề án này do trải nghiệm không mấy tốt đẹp của tôi trong khi xin visa tại một sân bay.
Tôi đến Việt Nam khá thường xuyên. Do nơi tôi ở không được phép cấp visa điện tử để nhập cảnh Việt Nam nên tôi buộc phải tiếp xúc với các công chức ở sân bay vài lần mỗi năm. Trong khi tôi điền các đơn để lấy visa, nhân viên không nói gì với tôi, thậm chí cũng không hướng dẫn. Tôi phải đi hỏi và nhận được thái độ khá khó chịu từ nhân viên ở đây.
Những lần đầu tôi nghĩ do mình thường đến sân bay vào các khung giờ cao điểm, nhưng sau nhiều lần tôi nhận ra thái độ của nhân viên ở đây luôn khó chịu như vậy, dẫu có đến sân bay vào giờ ít hành khách.
Tôi nghĩ thủ tục giấy tờ là một loại "dịch vụ" và công chức cũng là người cung cấp dịch vụ nên họ cần phải cải thiện chất lượng phục vụ để người dân không cảm thấy ấm ức.
Ông J. Paul Fallon (Mỹ):
Tôi gặp nhiều công chức chuyên nghiệp, dễ chịu
Tôi đến Việt Nam từ năm 2015. Những lần làm việc của tôi với công chức ở đây hầu hết đều để lại cho tôi ấn tượng tốt. Bản thân tôi cũng là người tuân thủ luật pháp và các phong tục của đất nước mà mình đang sống.
Cũng như tất cả du khách, trải nghiệm đầu tiên của tôi với nhân viên công vụ Việt Nam là với cán bộ xuất nhập cảnh tại sân bay. Theo quan sát của tôi, họ làm việc rất tập trung, lịch sự và chuyên nghiệp. Khi tôi kết hôn ở Việt Nam, các cán bộ làm việc với chúng tôi cũng rất chuyên nghiệp, dễ chịu và nhiệt tình. Tôi và vợ không phải mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện hết tất cả thủ tục. Tương tự, việc xin giấy phép lái xe tôi cũng gặp thuận lợi như vậy.
Tôi biết có nhiều người nước ngoài vẫn so sánh Việt Nam với đất nước của họ. Nhưng tôi nghĩ việc mình nên làm là luôn ghi nhớ luật pháp và hòa nhập với cộng đồng nơi mình đang sống. Hãy tự giúp mình bằng cách chuẩn bị thật đầy đủ cho bất kỳ cuộc gặp hay làm việc nào với các cán bộ và công chức.
Ngọc Đông ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận