31/10/2016 16:09 GMT+7

​Mối quan hệ giữa bệnh đái tháo đường và bệnh nha chu

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 cho đến nay, có nhiều bằng chứng chứng minh mối quan hệ giữa bệnh nha chu và đái tháo đường nói chung và giữa bệnh nha chu với đái tháo đường typ 2 nói riêng.

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy bệnh nha chu xuất hiện sớm hơn ở người đái tháo đường.

Để giải thích vấn đề này, nhiều nghiên cứu cho là do quá trình bệnh lý đái tháo đường đã xảy ra ở mạch máu của mô nha chu viền. Các mạch máu ở mô nha chu viền có sự thay đổi về chiều dài, độ dày và thoái triển ở các nhú mô liên kết. Màng đáy của các mạch máu dày lên gây sự lắng đọng glycoproteid làm giảm vi tuần hoàn, ảnh hưởng quá trình trao đổi oxy và chuyển hóa chất thải. Ngoài ra, sự tăng đường huyết gây thay đổi chuyển hóa collagen ở nướu, ảnh hưởng quá trình phá hủy và tái tạo mô nha chu. Đường huyết tăng cũng làm mô nướu dễ nhiễm trùng và chậm lành thương.

Có nhiều chứng cứ cho thấy bệnh nha chu ảnh hưởng xấu trên kiểm soát đường huyết, làm tăng nguy cơ biến chứng của đái tháo đường và có khả năng làm đái tháo đường typ 2 dễ xuất hiện hơn. Theo nhiều tác giả, đây có thể do mối liên kết giữa tình trạng viêm mô nha chu mạn tính và sự đề kháng với insulin.

Nước ta có tỷ lệ bệnh nha chu rất cao nên khi có đái tháo đường, bệnh nha chu sẽ dễ trở nên nặng hơn và phá hủy nhanh hơn. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường ngoài việc kiểm soát tốt đường huyết và các biến chứng khác còn cần theo dõi sức khỏe định kỳ và điều trị tốt khi có vấn đề bệnh răng miệng của chuyên khoa răng hàm mặt.

Người bệnh thường có nhiều bệnh kèm theo, tâm lý mệt mỏi, vấn đề tài chánh có thể là rào cản cho vấn đề điều trị lâu dài. Do đó, cần hướng dẫn bệnh nhân kiểm soát mảng bám bằng bàn chải đánh răng, chỉ nha khoa, dung dịch súc miệng. Điều trị cơ học bao gồm cạo vôi răng trên, dưới nướu, xử lý mặt gốc răng để tạo bề mặt gốc răng khỏe mạnh tương hợp với sự thành lập một bám dính mới khỏe mạnh.

Để bảo đảm kiểm soát tốt, cần duy trì chương trình tái khám đều đặn mỗi 3 tháng. Tại nhà, người bệnh tự kiểm soát mảng bám bằng cách đánh răng bằng bàn chải mềm và kem đánh răng có hợp chất kháng viêm kháng khuẩn (triclosan copolymer), nước súc miệng kháng khuẩn có chứa chất chlorhexidine và làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa.

Ngoài ra, bệnh nhân khi được chẩn đoán đái tháo đường hoặc trong nhóm nguy cơ đái tháo đường nên được khám, điều trị và theo dõi răng hàm mặt sớm để bảo vệ được bộ răng lâu dài.

Đái tháo đường được định nghĩa là một nhóm các bệnh chuyển hóa có đặc điểm là tăng glucose máu, hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin; khiếm khuyết trong hoạt động của insulin; hoặc ca hai. Tăng glucose máu mạn tính thường kết hợp với sự hủy hoại, sự rối loạn chức năng và sự suy yếu nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, đái tháo đường typ 2 chiếm khoảng 85 – 95% tổng số người mắc bệnh đái tháo đường. Hiện nay, tỷ lệ bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh và trở thành gánh nặng kinh tế - xã hội cho từng quốc gia, cho cả thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển.

Bệnh nha chu là tình trạng viêm nhiễm có thể gây phá hủy hệ thống bám dính giữa răng và mô nâng đỡ chung quanh bao gồm nướu răng và xương ổ răng. Bệnh gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống vì nếu không điều trị bệnh tiến triển gây đau nhức răng, lung lay kéo dài và cuối cùng là mất răng.    

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên