Một quan chức kiểm tra các lô hàng rác thải ở Malaysia - Ảnh: epaimages.com
Theo một báo cáo mới của Liên hợp quốc (LHQ), các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Thái Lan và Indonesia, đang phải đối mặt với làn sóng vận chuyển rác thải trái phép từ các quốc gia công nghiệp hóa, trong đó một lượng đáng kể được lấy từ châu Âu.
Buôn bán rác thải đã trở thành một trong những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất có thể ảnh hưởng đến môi trường. Ủy ban châu Âu ước tính rằng 15 - 30% lô hàng rác thải có nguồn gốc từ EU là trái phép, tạo ra hàng tỉ euro doanh thu bất hợp pháp hàng năm.
Ông Masood Karimipour, đại diện Đông Nam Á của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), chia sẻ với kênh DW: "Một khi rác thải được xử lý không đúng cách thì đó sẽ trở thành vấn đề của tất cả mọi người".
Theo báo cáo của LHQ, các nước ASEAN đã nhập khẩu tổng cộng hơn 100 triệu tấn rác thải kim loại, giấy và nhựa, trị giá gần 50 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021.
Hoạt động buôn bán rác thải toàn cầu đã trải qua thay đổi đáng kể trong những năm gần đây do Trung Quốc ban hành một loạt biện pháp vào năm 2018 nhằm giải quyết dòng rác thải không mong muốn tràn vào nước này. Hiệu ứng lan tỏa từ lệnh cấm rác thải của Trung Quốc đã khiến dòng rác thải toàn cầu chuyển hướng, đặc biệt là hướng tới Đông Nam Á.
Một số quốc gia Đông Nam Á, như Indonesia, đã trở thành điểm đến chính của các chuyến hàng rác thải hợp pháp và bất hợp pháp. Theo Cục Thống kê Indonesia, sau năm 2018, "quốc gia vạn đảo" đã ghi nhận tình trạng gia tăng đột ngột về nhập khẩu rác thải, trong đó rác thải giấy và nhựa chủ yếu được vận chuyển từ các nước Tây Âu.
Các công ty nhập khẩu sẽ loại bỏ nhựa có vấn đề hoặc chuyển cho cộng đồng địa phương phân loại và đốt bất hợp pháp. Đốt nhựa sẽ tạo ra dioxin và các hóa chất độc hại, sau đó chúng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Do khói và thực phẩm độc hại, nhiều người dân làng tại Java và Sumatra (Indonesia) đã mắc các bệnh về đường hô hấp, dạ dày hoặc thậm chí là ung thư, khiến nhiều người buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Theo nhà tội phạm học Serena Favarin tại Đại học Cattolica del Sacro Cuore (Italy), những kẻ buôn lậu có nhiều mánh khóe và chuỗi cung ứng phức tạp để trốn tránh kiểm soát của cơ quan chức năng châu Âu. Chúng sau đó vận chuyển rác thải đến những quốc gia có chi phí xử lý rác thải bất hợp pháp thấp hơn nhiều.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng cần phải quản lý chất thải hiệu quả và hợp pháp để giảm thiểu thiệt hại cho môi trường, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn bằng cách giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải.
Nhiều quốc gia châu Á và châu Âu đang hành động để thu hẹp kẽ hở mà tội phạm có thể lợi dụng. Bà Favarin phân tích: "Điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác xuyên quốc gia để có những quy định tương tự giữa các nước".
EU đang cập nhật các quy định vận chuyển rác thải để giảm hoạt động xuất khẩu có vấn đề và tăng cường thực thi, với những thay đổi dự kiến được áp dụng vào cuối tháng này.
Ngoài ra, công nghệ mới có thể có ích cho việc bảo vệ môi trường. Bà Favarin cho biết thiết bị bay không người lái hoặc hình ảnh vệ tinh có thể giúp phát hiện lượng rác thải khổng lồ ở những khu vực cụ thể hoặc hành vi đốt rác bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận