04/06/2011 02:12 GMT+7

Mỗi nét bút là một lời tri ân

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Với thông điệp đó, không phải một mà 64.861 lời tri ân đã được viết và gửi đến cuộc thi “Nét bút tri ân” lần 2.

JCzmGbUm.jpgPhóng to

Đào Thị Lệ Xuân gặp lại thầy giáo Thân Thanh Đạm - Ảnh: Hà Hương

Những lời tri ân được gửi về từ Trường Sa, từ cô gái mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, từ cô gái khiếm thị gửi cho thầy giáo - người đã chắp cánh ước mơ cho cô, từ những đứa con gửi người cha, người mẹ đã khuất hay đang lam lũ trên ruộng đồng...

Lời tri ân: chưa bao giờ là quá muộn

Tối 2-6, trên Đài Truyền hình VN, MC giải thưởng “Nét bút tri ân” xướng tên một cô gái nhưng lên nhận giải là một người đàn ông thấp nhỏ với làn da sạm đen.

Đứng giữa sân khấu, ông cười rạng rỡ nhưng khóe mắt rưng rưng khi nghe những dòng thư xúc động của cô con gái tật nguyền Nguyễn Thị Thanh Hoa (tác giả đoạt giải nhì với bài “Ông Bụt của đời con”): “Con muốn bố được ra Hà Nội nhận giải thưởng thay con, bố được một lần ngồi trên máy bay sau cả đời lam lũ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Con muốn bố nhận phần thưởng này để một lần nữa tự hào về đứa con gái tàn nhưng không phế...”.

Người bố cũng chính là “ông Bụt” trong tác phẩm đoạt giải của Thanh Hoa, người đã luôn bên cạnh cô, dạy cô tập đi trên đôi chân bại liệt sau trận ốm năm 2 tuổi.

Lòng biết ơn, những bài học về người mẹ cũng đã giúp Nguyễn Thị Việt Hà (tác giả của tác phẩm đoạt giải nhất “Ba hạt đậu xanh của mẹ”) vượt qua những khó khăn, đau khổ của cuộc đời.

“Có những lúc cùng cực quá, tưởng như có thể ngã xuống và không bao giờ gượng dậy nổi. Lúc đó tôi có oán trách người cha đã sinh ra mình mà không cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng đức hi sinh của mẹ, tấm gương về lòng tự trọng của mẹ đã làm tôi hiểu có những thứ khác còn lớn hơn lòng oán trách. Và bây giờ, tôi hàm ơn người đã góp phần sinh ra mình. Lòng hận thù hãy ghi trên cát, lòng biết ơn hãy khắc vào đá”, Việt Hà chia sẻ.

Và lan tỏa...

Có rất nhiều bài viết gửi lời tri ân đến những người đã khuất. Đó là người mẹ, người cha đã nhọc nhằn mưu sinh để nuôi những đứa con khôn lớn, đó là người chiến sĩ cách mạng đã dạy cho đứa bé lòng yêu nước. Người đi xa có thể không đọc được, nhưng tình yêu, sự trân trọng trong bài viết đã có sức lan tỏa mãnh liệt đến những người khác.

Nhiều người đã không khỏi bất ngờ khi nghe cô gái khiếm thị Đào Thị Lệ Xuân (tác giả “Thắp sáng ước mơ”, giải khuyến khích) kể hành trình gửi bài viết đến cuộc thi “Nét bút tri ân”. Mẹ chồng xem tivi rồi kể lại, còn chồng là người đã khuyến khích Xuân viết và sửa bài cho vợ, việc gửi lên mạng lại nhờ đến cô em gái.

Bài viết của Xuân kể về những ngày gian nan đến trường hòa nhập của cô bé mù ở một vùng quê tỉnh Bắc Giang. Nếu ngày đó không có thầy giáo Thân Thanh Đạm, người đến tận nhà để thuyết phục Xuân đi học trở lại sau nỗi sợ hãi, mặc cảm vì sự trêu chọc của bạn bè, cô bé Xuân đã không thể thực hiện được mơ ước của mình.

Đào Thị Lệ Xuân đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và đang học tiếp văn bằng hai về ngoại ngữ, hiện cô làm việc cho một công ty xây dựng và sống tại TP Hồ Chí Minh. Lời tri ân với người thầy không chỉ qua bài viết, qua chính cuộc sống hạnh phúc bây giờ mà còn bằng chính nỗ lực học tập - Xuân muốn học để “có nền tảng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như thầy đã làm”.

● “Nét bút tri ân” là những câu chuyện dung dị, đời thường, bàng bạc trong cuộc sống. Câu chuyện về thầy giáo, về người ông, cha mẹ... mà chúng ta có thể tìm thấy mẫu số chung ở đâu đó. Với các bài viết, chúng tôi luôn đánh giá cao tính chân thực của câu chuyện, những thông điệp được rút ra thông qua những trải nghiệm của chính tác giả...

Nhà báo ĐẶNG ĐẠI (báo Tuổi Trẻ, thành viên ban giám khảo)

● Có ba từ để nói về cuộc thi “Nét bút tri ân” đó là: trái tim, tính trách nhiệm và sự lan tỏa.

LÊ TRÍ THÔNG (phó tổng giám đốc DongA Bank, đơn vị tài trợ)

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên